EU "phập phồng" ý tưởng quân đội chung

Không quân Ba Lan tập trận cùng NATO
Không quân Ba Lan tập trận cùng NATO
(PLO) - Ngày 27/9 tại thủ đô Bratislava (CH Slovakia), trong khuôn khổ cuộc gặp không chính thức với các bộ trưởng quốc phòng Liên minh Châu Âu (EU), Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen đã thảo luận với những người đồng cấp về sáng kiến Đức-Pháp mở rộng và củng cố sự hợp tác quân sự trong khuôn khổ EU, tiến tới thành lập quân đội chung. 

Theo nhiều nhà quan sát nhận định, trong bối cảnh EU đang phải đối mặt với các thách thức như khủng bố hoặc thậm chí là chiến tranh, vấn đề quốc phòng châu Âu lại được đẩy lên hàng đầu. Ý tưởng thành lập một quân đội chung của EU không mới, nhưng việc thực hiện dự án luôn bị Anh cản trở. Giờ đây, sau cuộc trưng cầu ý dân tại Anh, tình hình đã thay đổi. 

Có sứ mệnh, thiếu sức mạnh

Từ hơn 10 năm nay, EU đã thực hiện các sứ mệnh ngoài liên minh như giúp đào tạo cho quân đội châu Phi (Somalia, Mali, Cộng hòa Trung Phi...), chống hải tặc (Chiến dịch Atalanta) và gần đây chống nạn buôn bán người di cư (Chiến dịch Sophia). Nhưng một số nhiệm vụ đã gặp rắc rối ngay từ khi bắt đầu triển khai mà nguyên nhân cơ bản là thiếu lực lượng sẵn sàng từ các nước thành viên.

Do đó, Pháp và Đức gợi ý tạo ra một “lực lượng dự bị” gồm các huấn luyện viên và cố vấn để có thể triển khai nhanh chóng nhiệm vụ đề ra. Hai nước cũng kêu gọi EU cần phải đầu tư hơn nữa cho công tác nghiên cứu để tạo thuận lợi hơn cho ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jean-Claude Juncker mới đây đã khẳng định rằng những chi phí để bù đắp cho “sự thiếu hợp tác” trong lĩnh vực quốc phòng ở châu Âu có thể lên tới từ 20 tỷ đến 100 tỷ euro/năm. 

Việc người dân Anh “quyết” rời khỏi EU dường như có tác dụng tích cực cho việc thúc đẩy EU hướng đến cùng chia sẻ một nền quốc phòng chung bởi London vốn luôn phản đối ý tưởng thành lập lực lượng quốc phòng chung của EU. Cho đến nay không nhiều thành viên EU có ý muốn đi xa hơn trong vấn đề phòng thủ chung châu Âu. Pháp và Đức đã thể hiện sẵn sàng nhận trách nhiệm nhiều hơn và đã đưa ra một số đường hướng cụ thể dù còn khiêm tốn, trong đó đề nghị đầu tiên là “tăng ngân sách cho các hoạt động chung của EU trong lĩnh vực quốc phòng”. 

Tuy nhiên, theo nhật báo “Die Welt”, Anh đã phong tỏa mọi nỗ lực nhằm mở rộng sự hợp tác quân sự ở châu Âu, không chỉ bởi London e ngại sự xuất hiện đối thủ cạnh tranh với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi Anh vẫn là một đồng minh trung thành của Mỹ trong liên minh quân sự lớn nhất hành tinh này.

Chủ đề quân đội chung châu Âu là một trong những chủ đề then chốt trong luận chứng của những người ủng hộ Anh rút khỏi EU. Những người này cho rằng nếu Anh vẫn là thành viên EU thì quân đội nước này sẽ sớm bị đặt dưới sự điều hành của bộ máy quan liêu ở Brussels. Tờ “The Times” hồi cuối tháng 5/2016 đã viết rằng người ta che giấu kế hoạch nói trên đối với cử tri Anh và sẽ chỉ công khai sau cuộc trưng cầu ý dân. 

Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini đã từng đệ trình một văn kiện có tên gọi “Chiến lược toàn cầu của EU trong chính sách đối ngoại và an ninh” ngay sau cuộc trưng cầu ý dân tại Anh. Tuy nhiên, cả trong văn kiện này và trong sáng kiến chung Đức-Pháp cũng như trong Sách Trắng mới của Đức đều không nhắc tới một quân đội chung châu Âu.

Thậm chí mới đây, hồi giữa tháng 9 này, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Micheal Fallon đã tuyên bố nước này sẽ ngăn cản bất cứ mưu toan nào “nhân bản” trong EU, cơ cấu vốn đang hiện hành trong NATO. Theo ông Fallon, mọi ý đồ là nhằm mục đích tạo ra một đối thủ cạnh tranh với NATO. 

Lực lượng của NATO, Mỹ và Ucraine trong một cuộc tập trận chung
Lực lượng của NATO, Mỹ và Ucraine trong một cuộc tập trận chung

Không phải đối thủ cạnh tranh

Tuy nhiên, hiện thì sự phản đối của Anh không còn quan trọng nữa. Ngay từ mùa hè năm ngoái, khi giới thiệu Sách Trắng mới, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen đã công khai nói rằng “chúng ta từ lâu đã phải tính đến lập trường của Anh”, vốn luôn từ chối thảo luận các chủ đề như vậy. Chính phủ Đức cho rằng tình hình nay đã khác trước. 

Trả lời câu hỏi của tờ “Die Welt” ngày 26/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Martin Schäfer thẳng thắn: “Tôi không thể hình dung được rằng một nước đã quyết định rời bỏ EU mà ngay trước khi chính thức rút khỏi liên minh lại có thể cản trở những nước còn lại làm điều mà họ muốn”. Đồng thời, ông Martin Schäfer cũng như người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức Boris Nannt đã kiên quyết bác bỏ luận điểm về việc dường như có một mưu toan tạo ra một tổ chức thay thế hay đối thủ cạnh tranh với NATO.

Theo ông Nannt, vấn đề không phải ở chỗ hoặc là tổ chức này, hoặc là tổ chức kia, một EU mạnh đòi hỏi một NATO mạnh, liên minh này bổ sung cho liên minh kia và chính sách chung của EU về các vấn đề quốc phòng và an ninh càng mạnh bao nhiêu thì NATO càng có thể vận hành hiệu quả bấy nhiêu. 

Theo đánh giá của Bộ Ngoại giao Đức, mối quan hệ giữa NATO và EU hiện nay là tốt đẹp và chặt chẽ hơn bao giờ hết. Ông Martin Schäfer nhắc lại rằng Hội nghị Thượng đỉnh NATO mới đây tại Warsaw đã thông qua những quyết định về việc tiếp tục đưa hai liên minh xích lại gần nhau. Ông Schäfer nêu rõ: “Bà Mogherini và Tổng Thư ký NATO Jen Stoltenberg rất hiểu nhau. Chính sách của EU không hề nhằm chống lại NATO và tôi không tin người Anh lo ngại về điều này”. 

Ba Lan và Đức hiện đang cùng điều hành việc di chuyển tàu ngầm
Ba Lan và Đức hiện đang cùng điều hành việc di chuyển tàu ngầm

Điều phối các sứ mệnh

Trong số các dự án được nêu trong sáng kiến Đức-Pháp phải kể đến việc thành lập một trụ sở chính trị-quân sự chung để điều phối các sứ mệnh khác nhau của EU (hiện nay EU có 30 sứ mệnh tại ba châu lục), thành lập các ban tham mưu chung về điều hành các cơ quan y tế và hậu cần, phối hợp sử dụng các vệ tinh do thám, tiêu chuẩn hóa vũ khí và đạn dược, đồng bộ hóa việc hoạch định quân sự, phối hợp triển khai các đơn đặt hàng quân sự, tổ chức một trường đào tạo sĩ quan chung châu Âu. 

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen tuyên bố: “Vấn đề là cần phải cùng nhau trở nên mạnh hơn và hiệu quả hơn. Không ai trong chúng ta có thể đơn lẻ chống trả lại các cuộc khủng hoảng lớn, bao gồm cả cuộc xung đột Nga-Ukraine”.

Theo bà Ursula von der Leyen, nhiều nước EU không có khả năng giải quyết một số nhiệm vụ quân sự phức tạp và tốn kém, chẳng hạn như không có nước nào có thể đơn độc tổ chức được một bệnh viện di động. Điều này cũng liên quan đến việc thiết kế chế tạo máy bay không người lái, máy bay và tàu vận tải quân sự, máy bay tiếp liệu. 

Trong trường hợp không đạt được sự đồng thuận của cả 27 thành viên EU, Paris và Berlin sẽ đề nghị thiết lập một “Ủy ban hẹp” theo cơ chế của Hiệp ước Lisbon (cơ chế này chưa bao giờ được kích hoạt). Theo các đề nghị của Pháp và Đức đưa ra từ tháng 9 thì đây sẽ là “một bước thay đổi có tính giai đoạn và chiến thuật”. Một khi định hướng đó được các nhà lãnh đạo EU “quyết”, các Bộ trưởng Quốc phòng EU sau đó sẽ gặp nhau để đưa ra các biện pháp cụ thể. 

Hiện một số nước Đông Âu, bao gồm cả Hungary và Ba Lan, rất chú ý tới đề xuất của Pháp-Đức và đề nghị “đi xa hơn” với mục tiêu khởi động xây dựng một đội quân chung của châu Âu. Hungary và Czech lên tiếng ủng hộ, trong khi Slovenia đang nghi ngại tính thực tiễn của dự án này.

Trong khi đó, một số bước đi, tuy rằng còn bị phân tán, đã được thực hiện: Bỉ và Hà Lan hiện có một bộ tham mưu hải quân phối hợp. Bộ binh cơ giới của Hà Lan được liên kết với các đơn vị lính tăng và lính dù của Đức. Ba Lan và Đức cùng điều hành việc di chuyển tàu ngầm của các nước này, còn Đức và Pháp đang phối hợp huấn luyện phi công lái máy bay quân sự lên thẳng. Hai nước cũng có một lữ đoàn hỗn hợp gồm 6.000 binh sĩ. 

Trong khi chờ đợi, các quốc gia Đông Âu đang xem xét tự tăng cường hơn nữa an ninh nội bộ, đặc biệt là để đối phó với thách thức từ phía Nga, đồng thời tạo ra một lực lượng có thể huy động để sẵn sàng ngăn chặn các mối đe dọa khủng bố ở miền Nam. Việc thành lập quân đội châu Âu được xem như là mục tiêu dài hạn đối với Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện Châu Âu (EP) Elmar Brok.

Tuy nhiên, ông Elmar Brok cũng thừa nhận rằng để đạt được mục tiêu này, không những cần thay đổi các hiệp định hiện hành trong EU mà còn phải dành cho EP thẩm quyền điều hành quân đội này, song song với việc sửa đổi Hiến pháp Đức. Trong khi đó, các nhà phân tích ở Đức cho rằng sẽ rất khó khăn để tiến hành các cải cách như vậy ngay cả sau khi Anh rời khỏi EU.

Về phần mình, chuyên gia Judy Dempsey thuộc Trung tâm phân tích Carnegie Europe lại cho rằng lời kêu gọi thành lập một lực lượng quân đội chung của EU hiện rất khó khả thi bởi các quốc gia thành viên vẫn muốn “tự kiểm soát” quân đội của mình, đặc biệt trong bối cảnh phong trào chống “nhất thể hóa châu Âu” đang lan rộng...

Đọc thêm

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.

Một cầu thủ bóng đá được trao Huân chương Tự do Tổng thống

Messi giành Quả bóng vàng 2021. (Ảnh: Euro Sport)
(PLVN) - Tổng thống Joe Biden vừa trao tặng Huân chương Tự do Tổng thống – danh hiệu cao quý nhất dành cho công dân Mỹ – cho siêu sao bóng đá Messi cùng 18 cá nhân xuất sắc khác. Buổi lễ tôn vinh những đóng góp xuất sắc của họ trong việc làm cho nước Mỹ và thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Loạt tín hiệu vui đầu năm mới trên thế giới

Loạt tín hiệu vui đầu năm mới trên thế giới
(PLVN) - Thế giới đón nhận nhiều tín hiệu tích cực, từ phiên đấu giá cá ngừ vây xanh lập kỷ lục tại Nhật Bản, tỷ lệ sinh tăng trở lại sau gần một thập kỷ tại Hàn Quốc, đến chương trình khám sức khỏe miễn phí cho toàn dân sắp triển khai tại Indonesia. Đặc biệt, câu chuyện bé trai Zimbabwe sống sót kỳ diệu sau 5 đêm lạc trong công viên hoang dã đã truyền cảm hứng mạnh mẽ, với niềm tin vào những điều tốt đẹp...