Ông Đỗ Đình Mạnh (đội 1, xã Thành Tân, huyện Thạch Thành) làm đơn đến PLVN cho biết, lấy lý do hàng hóa (mủ cao su) không có nguồn gốc, công an huyện Thạch Thành đã ngăn cản không cho chủ hàng vận chuyển, đồng thời tiến hàng cưỡng chế, tịch thu gần 3.000 kg mủ cao su của gia đình.
Ảnh MH |
Theo tường trình của ông Mạnh, đầu năm 2010, ông có cho một số hộ trong xã vay vốn để đầu tư mua phân bón, chăm sóc cây cao su, cây mía. Đến tháng 5/2010, những hộ dân thiếu nợ tiến hành thanh toán bằng việc lấy mủ cao su để trả nợ. Tuy nhiên, số mủ cao su (2.822kg) mà ông Mạnh thu nợ từ các hộ dân, đã bị công an huyện Thạch Thành lập biên bản, tịch thu.
Theo xác nhận của các ông Lê Văn Bình và Hà Ngọc Quý, cả hai người này đã vay của tiền của ông Mạnh, do đó đã mang bán mủ cao su cho ông Mạnh để trừ nợ vay.
Trong khi đó, công văn của trưởng công an huyện Thạch Thành, do ông Đỗ Thanh Bồi, ký, khẳng định, việc thu mua mủ cao su của ông Mạnh có dấu hiệu vi phạm, nên quyết định “quy trữ” gần 3.000 kg mủ cao su, đồng thời tạm giao cho nông trường Vân Du tổ chức bảo quản.
Ông Mạnh nói, sau khi tịch thu số hàng nói trên, công an huyện hẹn đương sự đến trụ sở giải quyết, nhưng đến nơi thì nhận được câu trả lời là vụ việc được chuyển qua UBND huyện Thạch Thành. Quả bóng trách nhiệm cứ tiếp tục đùn đẩy, khi UBND huyện Thạch Thành cũng không giải quyết vướng mắc từ số mủ cao su bị tịch thu của người dân.
Phản ánh với phóng viên, ông Mạnh cho hay, thời điểm ông đang thu mua mủ cao su, thì có cán bộ của Công ty Cao su Thanh Hóa tên là Dũng đến nhà hỏi mua, tuy nhiên việc mua bán đã không thành bởi giá mà cán bộ Dũng đưa ra là rất rẻ so với thị trường.
Rốt cuộc, số mủ cao su của ông Mạnh cuối cùng cũng được định đoạt: Ông Đỗ Minh Quý, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành chính thức ký ban hành quyết định “xử phạt hành chính đối với ông Đỗ Đình Mạnh”, đồng thời buộc ông Mạnh “phải bán toàn bộ số mủ cao su đã mua trái quy định cho Công ty Cao su Thanh Hóa”.
Có quyết định của lãnh đạo huyện, một đoàn công tác gồm đại diện chính quyền huyện, nông trường… tiến hành lập biên bản kiểm kê số mủ nói trên. Theo đó, có tổng số 303 cục (tương đương 2.117kg) mủ cao su của ông Mạnh buộc phải đưa đến nhà máy chế biến của Công ty Cao su Thanh Hóa, với mục đích “để bán” cho chính doanh nghiệp này. Trong khi đó, quyết định của chủ tịch huyện, cũng như biên bản kiểm kê, không hề đề cập đến giá cả.
Theo ông Mạnh, với số mủ cao su thu nợ và mua lại của các hộ dân là gần 30.000đ/kg, với số lượng gần 4 tấn, thì số hàng này có giá trị hơn một trăm triệu đồng. “Đã hơn bốn tháng nay chẳng ai chịu giải quyết quyền lợi cho gia đình cả”, ông Mạnh, cho biết.
Như Trang