Đường đến tội lỗi của hai đứa trẻ xả súng vào trường học

Johnson và Golden trong trại giam.
Johnson và Golden trong trại giam.
(PLO) - Ngày 24/3/1998, hai đứa trẻ Andrew Golden (11 tuổi) và Mitchell Johnson (13 tuổi) đã  xả súng cướp đi sinh mạng của  4 học sinh, 1 giáo viên, làm bị thương 10 người khác tại trường Westside, Jonesboro, Arkansas, Mỹ. Việc làm tội lỗi này đã được hai đứa trẻ lên kế hoạch từ trước.

Thảm sát sân trường

Mitchell Scott Johnson sinh ngày 11/8/1984. Khi cậu bé lên 7, cha mẹ ly hôn nên cậu và anh trai chuyển đến sống với mẹ ở thành phố Jonesboro, bang Arkansas. Không lâu sau đó, mẹ của Johnson tái hôn với một người đàn ông từng ngồi tù và sinh một em gái. Mọi người xung quanh đều nói rằng Johnson là một người điềm tĩnh và ngoan ngoãn.

Nhưng sau vụ xả súng, Johnson khai báo với cảnh sát rằng cậu từng bị lạm dụng tình dục khi mới khoảng 6 tuổi bởi một người thân trong gia đình, gây nên những ám ảnh không thể xóa nhòa. Một năm trước khi gây ra vụ xả súng chết người, Johnson bị buộc tội quấy rối bé gái 3 tuổi, tuy nhiên hồ sơ bị xóa sổ vì Johnson lúc này chỉ mới 12 tuổi. 

Về phần Andrew Golden, cậu bé sinh ngày 25/5/1986. Tuổi thơ của Golden trôi qua êm đềm như bao đứa trẻ khác, hiền lành, ngoan ngoãn và nhận được tình thương từ tất cả mọi người trong gia đình. 

Vụ xả súng đẫm máu sẽ không bao giờ xảy ra nếu Johnson và Golden không cùng học chung trường trung học Westside và không chơi thân với nhau. Hai đứa trẻ gặp nhau trên xe bus đưa đón từ nhà tới trường mỗi ngày. 

Bản thân hai đứa trẻ đều có khuyết điểm, Johnson dù chỉ mới là một cậu bé 13 tuổi và luôn tỏ ra ngoan ngoãn trước mặt người lớn, nhưng lại là thành viên của nhóm tội phạm đường phố. Johnson ước mơ trở thành một tay súng cừ khôi. Thậm chí có lần Johnson định giết cô bé bạn gái cũ Candace Porter vì đã “dám” nói lời chia tay.

Trong khi đó, Golden có vẻ ngoài hiền lành nhưng thường xuyên bị bạn bè khó chịu và chê bai vì cách cư xử. Cậu bé gặp khó khăn trong việc giao tiếp và hòa đồng với các bạn trong lớp. Chính vì vậy, mỗi khi gặp chuyện không hài lòng Golden thường dùng vũ lực để giải quyết. Đối với giáo viên cậu sử dụng những lời lẽ thô tục để nói chuyện. 

Khi bắt đầu chơi thân với nhau, hai đứa trẻ từ chỗ ngoan hiền biến thành cặp đôi nổi tiếng nhất trường vì thành tích học kém, thường xuyên bắt nạt các bạn khác.Tồi tệ hơn, Johnson và Golden từng bị bắt quả tang sử dụng ma túy và tham gia vào nhiều phi vụ đánh nhau, đâm chém. Có lần Golden đã chứng kiến Johnson dùng súng bắn chết một con mèo. Sau việc đó, Johnson đã rủ Golden cùng nhau thực hiện một vụ nổ súng tại trường học. 

Johnson và Golden thời điểm thực hiện cuộc xả súng năm 1998.
Johnson và Golden thời điểm thực hiện cuộc xả súng năm 1998. 

Ba tháng trước khi xảy ra sự việc đau lòng, các bạn trong lớp đã nói với giáo viên rằng Golden tuyên bố sẽ dùng súng bắn một số người trong trường. Golden được cô giáo gọi lên, nhưng cậu bé nói rằng đó chỉ là cơn ác mộng và không bao giờ có ý định giết ai. 

Ngày 23/3/1998, một ngày trước vụ thảm sát, Johnson cảnh báo với em gái Jennifer không đến trường vì chuyện tồi tệ sắp xảy ra. Trong khi Golden dù trước đó khẳng định với cô giáo đó là cơn ác mộng nhưng nói với bạn bè cùng lớp rằng cậu bé sẽ “giết những kẻ đáng chết”. 

Tối hôm trước khi ra tay, hai đứa trẻ đánh cắp chiếc xe tải của mẹ Golden và mang theo những đồ ăn cần thiết cho một chuyến đi xa cùng 7 chiếc súng (4 súng ngắn, 3 súng trường) và 2000 viên đạn. Số vũ khí này cũng được lấy trộm từ nhà Golden.

Vào buổi sáng ngày 24/3/1998, 2 cậu nhóc lái xe tải tới trường Westside và vẫn vào lớp học như mọi ngày. Sau đó chúng giả vờ ốm để ra khỏi trường vào giữa trưa để chạy ra bìa rừng gần trường học, chỗ đậu chiếc xe tải. Đến 12 giờ 41 phút khi thầy giáo và các bạn bắt đầu lớp học thể dục, Johnson và Golden bấm còi inh ỏi tiến vào trường. 

Chẳng nói chẳng rằng, chúng lập tức khai hỏa bằng loạt đạn liên hồi khiến 4 nam học sinh chết ngay lập tức. Đám đông hoảng loạn tháo chạy nhưng không thể thoát khỏi làn đạn đang bắn ra. Giáo viên Shannon Watts dùng cơ thể bảo vệ một học sinh nên bị bắn trúng và tử vong. 10 người khác, trong đó có 9 học sinh và 1 giáo viên cũng bị thương nặng.

Khi loạt các âm thanh ghê rợn của cuộc nổ súng lắng xuống cũng là lúc chúng hết đạn, Golden và Johnson cố gắng chạy về chiếc xe tải để lái xe trốn thoát nhưng cảnh sát đã kịp thời bắt chúng. Theo Trung úy của Sở Cảnh sát Jonesboro, hai đứa trẻ này rõ ràng đã lập kế hoạch kỹ càng vụ nổ súng , sau đó tháo chạy vì trên xe có đầy đủ thức ăn, túi ngủ và những đồ cần thiết cho cuộc đi xa.

Vụ án “hình phạt không phù hợp với tội ác”

Đây là vụ thảm sát kinh hoàng nhất tại một ngôi trường trung học ở Mỹ. Cả nước Mỹ đã rung chuyển và choáng váng vì vụ án này. Không khí tang tóc bao trùm. Nhà trường sau đó đã cho xây dựng một đài tưởng niệm và khắc tên những nạn nhân xấu số. 

Trong suốt phiên tòa xét xử, Johnson luôn lắc lắc cái đầu và đọc bức thư hắn viết sẵn để xin lỗi gia đình các nạn nhân. “Chúng tôi đến trường nổ súng không nhằm vào bất cứ ai. Tại vì chúng tôi chỉ có ý định dọa nên nổ súng. Tôi xin lỗi. Tôi hi vọng mọi người nghe những lời này để biết tôi thực sự hối hận như thế nào”.

Trong khi bị giam giữ đang chờ xét xử, Johnson cũng đã viết một bức thư: “Xin chào mọi người. Tôi là Mitchell Johnson. Tôi luôn suy nghĩ và cầu nguyện cho những người đã qua đời hay bị thương trong vụ nổ súng và cho cả người thân của họ. Tôi thực sự hối hận về hành động của mình. Tôi mong một ngày nào đó mọi người sẽ biết con người thực của tôi không độc ác như vậy. Chân thành, Mitchell Johnson.”

5 nạn nhân xấu số
5 nạn nhân xấu số

Dù mới hai cậu bé chỉ mới hơn 10 tuổi, nhưng tòa vẫn tuyên án với 5 tội danh giết người. Tên của chúng nằm trong danh sách những kẻ giết người trẻ tuổi nhất lịch sử nước Mỹ. Luật sư yêu cầu mức án cao nhất, tử hình, tuy nhiên tòa đã bác bỏ vì trái với luật liên bang. 

Tháng 8/1998, 2 cậu nhóc bị giam tù cho khi tròn 21 tuổi. Đây là mức hình phạt cao nhất áp dụng cho 2 cậu bé theo luật pháp ở bang Arkansas. Thẩm phán Ralph Wilson tuyên bố: “Đây là vụ án mà mức hình phạt không phù hợp với tội ác mà các bị cáo đã gây ra”. Mức án tưởng chừng như “quá nhẹ” này đã khiến cho dư luận vô cùng bức xúc và biểu tình đòi thay đổi luật. Sau một thời gian, luật pháp về tội phạm trẻ em đã được thay đổi ở bang Arkansas.

Trải qua 7 năm tù giam, Johnson được tự do vào 11/8/2005, đúng vào sinh nhật lần thứ 21 theo luật của liên bang. Đáng lý Johnson chỉ phải ở tù cho tới khi 18 tuổi. Tuy nhiên cậu bé phải ngồi tù thêm 2 năm nữa cho mỗi mạng người trong vụ xả súng.

Golden được tự do vào ngày 25/5/2007 cũng vào sinh nhật lần thứ 21. Sau đó không ai biết Golden đi đâu cho tới khi Golden làm đơn xin được sử dụng vũ khí ở Arkansas vào ngày 7/10/2008 dưới cái tên Drew Douglas Grant. Tuy nhiên, đơn này bị sở cảnh sát Arkansas từ chối.

Theo thống kê mới nhất của Small Arms Survey (SAS), một tổ chức Thụy Sĩ chuyên nghiên cứu và phân tích dòng chảy toàn cầu của các loại vũ khí, 90% người dân Mỹ đều có súng. Đây là tỷ lệ sở hữu súng cá nhân cao nhất trên thế giới, vượt xa nước đứng thứ hai là Serbia với 58,2 %. 

Trung bình hàng năm, tại Mỹ, khoảng 100.000 người thương vong do súng. Đây cũng là quốc gia có tỷ lệ giết người liên quan tới loại vũ khí này cao nhất trên thế giới. 6 trong số 44 tổng thống Mỹ đã trở thành nạn nhân của các vụ ám sát bằng súng.

6 người chết và 3 người khác bị thương trong vụ xả súng kinh hoàng vừa xảy ra tại 3 địa điểm gần Philadelphia hôm 15/12. Đây là sự cố mới nhất trong hàng loạt thảm kịch liên quan tới súng trong năm 2014 tại Mỹ. 

Bất chấp những lời kêu gọi sau mỗi vụ xả súng kinh hoàng, có vẻ như nước Mỹ vẫn không sẵn sàng chấm dứt tình trạng sa lầy kéo dài lâu nay quanh vấn đề toàn dân sở hữu súng. Thậm chí người dân còn đổ xô đi mua súng để phòng thân sau mỗi vụ thảm sát. Đối với họ, từ bỏ việc sử dụng loại vũ khí này là điều không dễ dàng.

Các nhà lập pháp Mỹ coi việc sở hữu súng là quyền cơ bản của con người, chỉ sau quyền tự do ngôn luận. Hiến pháp Mỹ thông qua Luật sở hữu súng thuộc Luật về Quyền cá nhân vào năm 1791, cho phép người dân có thể mang chúng tới bất cứ đâu. 

Ngày nay, quyền sở hữu súng vẫn luôn nhận sự đồng tình của một bộ phận lớn người dân Mỹ bởi họ coi đây là cách thể hiện quyền tự do dân chủ. Hơn một nửa số tiểu bang đã thông qua Luật sở hữu súng. Ở một số bang khác, người dân chỉ được dùng loại súng có tính sát thương thấp và phải giữ chúng tại nhà.

Đọc thêm

Triệt phá đường dây chế độ vũ khí quân dụng

Các đối tượng bị bắt giam về tội "Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng" cùng tang vật (Ảnh: CACC).
(PLVN) -  Cơ quan CSĐT quận 4 (TP HCM) vừa triệt phá đường dây “độ, chế”, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ liên tỉnh/thành; khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng về tội “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật đối với Phó Chủ tịch và nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Bắt đối tượng vận chuyển gần 12.000 viên ma túy tổng hợp

Tang vật vụ án.

(PLVN) - Ngày 13/1, thông tin từ Công an huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) thuộc đơn vị đang tiếp tục mở rộng điều tra về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với Lê Văn Q (SN 1980, trú tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ).

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.