Báo PLVN ngày 17/4/2010 có bài “Đứng tên một hay cả hai?” phản ánh trường hợp khi làm thủ tục tặng cho, mua bán tài sản mà giấy chứng nhận tài sản đứng tên cả hai vợ chồng thì phải chứng minh quan hệ vợ chồng bằng văn bản, phải có sự đồng ý của cả hai... rắc rối cho bản thân người có tài sản, người mua tài sản và cả cơ quan có thẩm quyền (như công chứng...).
Theo ý của bài viết, nếu giấy chứng nhận tài sản đứng tên một người thì, khi thực hiện các giao dịch đối với tài sản đó chỉ cần sự đồng ý của người đứng tên.
Tôi xin trao đổi như sau: Pháp luật hiện hành quy định:“Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung”, (khoản 3 Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình). “Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng đã đăng ký quyền sở hữu trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà chỉ ghi tên của một bên vợ hoặc chồng, thì vợ chồng có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp lại giấy tờ đăng ký quyền sở hữu tài sản đó để ghi tên của cả vợ và chồng; nếu vợ chồng không yêu cầu cấp lại giấy tờ đăng ký quyền sở hữu tài sản, thì tài sản đó vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng; nếu có tranh chấp, bên nào cho đó là tài sản thuộc sở hữu riêng của mình, thì có nghĩa vụ chứng minh” (Khoản 3 Điều 5 Nghị định 70/2001/NĐ-CP ngày 3/10/2001 quy định chi tiết thi hành Luật HN & GĐ).
-“Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên, trong trường hợp tài sản do vợ, chồng có được trong thời kỳ hôn nhân mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng trong giấy chứng nhận quyền sở hữu chỉ ghi tên của vợ hoặc chồng, nếu không có tranh chấp thì đó là tài sản chung của vợ chồng, nếu có tranh chấp là tài sản riêng thì người có tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải chứng minh (...). Trong trường hợp không chứng minh được tài sản đang có tranh chấp này là tài sản riêng thì theo quy định tại Khoản 3 Điều 27 tài sản đó là tài sản chung của vợ chồng” (Tiểu mục b Điểm 3 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật HN&GĐ).
Như thế, rõ ràng là, dù giấy tờ tài sản đứng tên một người nhưng đó vẫn có thể là tài sản chung của vợ chồng. Do đó, khi làm thủ tục giao dịch đối với tài sản đó vẫn gặp những rắc rối về giấy tờ như: Người đứng tên phải có giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nếu là người độc thân); có văn bản của vợ hoặc chồng xác nhận đây là tài sản riêng của người đứng tên; xuất trình giấy chứng nhận kết hôn (trường hợp là tài sản chung)...
Để khắc phục những phiền toái nói trên, theo chúng tôi, pháp luật cần quy định rõ ràng và nhất quán về việc ghi tên vợ chồng trên giấy chứng nhận tài sản theo hướng, đứng tên ai thì tài sản là của người ấy.
Vương Tất Đức (Phòng Tư pháp Đức Trọng, Lâm Đồng)