Đừng để nước mắt lăn dài theo tiếng chuông

Đừng để nước mắt lăn dài theo tiếng chuông
(PLO) - Một mái ấm gia đình đang yên vui bỗng dưng bị xé toang, chỉ còn đọng lại toàn nỗi đau. Một cuộc đời đang đẹp bỗng dưng rớt xuống “hố sâu” của sự nghiệt ngã.  Nó đến từ những chiếc xe, từ những vụ tai nạn giao thông oan nghiệt, lao vào nghiền nát những số phận không may mắn. Và rồi, để bây giờ nước mắt của người còn sống cứ chảy dài trên khóe mắt. Vợ mất chồng, cha mẹ mất con, con mất mẹ cha… 
“Từ nơi xa xăm kia anh vẫn lắng nghe mẹ con tôi”
Ngồi chăm chú thành tâm niệm Phật, đôi mắt đỏ quạch, hàng mi thâm quầng, chị Nguyễn Thị Hà ở Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc kể, suốt 3 năm qua, chưa bao giờ nỗi đau mất chồng trong một vụ tai nạn khiến chị nguôi ngoai. Trong giấc ngủ mỗi đêm, chị luôn bị giật mình bởi ký ức kinh hoàng đeo bám trong tâm trí. 
“Cách đây 3 năm, anh đã rời xa mẹ con tôi mãi mãi sau một vụ tai nạn. Cũng như mọi người, khi hay tin chồng qua đời, tôi chìm trong đau khổ và không thể nghĩ được gì khác ngoài việc muốn theo chồng ra đi. Ngày 26/12/2012 là cái ngày mà có lẽ đến chết tôi cũng không thể quên, trên đường trở về từ buổi trực ban thay cho bạn đồng nghiệp, một chiếc xe tải cùng chiều bị mất lái đã cướp anh khỏi vòng tay tôi.”
Ngày chồng vào viện, gia đình chị Hà đã phải chạy vạy vay tiền khắp nơi để lo chữa trị cho chồng nhưng rồi anh cũng bỏ mẹ con chị ra đi để lại món nợ lớn mà chị phải lo kiếm trả. Chị mượn nợ 100 triệu từ vay lãi, cứ một triệu thì họ lấy lãi 60 ngàn đồng/tháng, nhưng giờ không ai cho vay nữa. Nội ngoại ai cũng khổ hết, không lo được gì, cuộc sống của mẹ con chị kể từ ngày đó cùng cực hơn nhiều. 
“Tôi vẫn nói với cô con gái 4 tuổi là bố đi làm xa để gửi tiền về nuôi con. Tôi nói với con là bố yêu và mong con ngoan ngoãn, vâng lời ông bà và mẹ, học giỏi, mặc dù trong tim tôi vẫn đau và nước mắt tôi vẫn chảy khi con hỏi đến bố.. ” - chị Hà hướng đôi mắt sang phía khác rồi lấy vạt áo lau nước mắt.
Kinh tế gia đình kể từ khi vắng anh Hoài khó khăn gấp bội, bởi sạp quần áo lề đường của chị Hà không thể nào lo nổi cho cô con gái đang tuổi ăn tuổi lớn. Nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, chị và con vẫn phải nương tựa nhau mà sống nhưng nỗi mất mát người chồng, người cha thì không gì có thể bù đắp được.
Gắng gượng nuôi dạy, chăm bẵm con trong vài năm, mỗi tối trước khi đi ngủ, chị vẫn lật mở từng bức ảnh chụp chung gia đình, tận tay vuốt qua tấm ảnh có bóng hình người chồng để cảm nhận được hạnh phúc từ kỷ vật duy nhất còn lại. “Như lúc này đây, có thể, anh ấy đang ngồi một nơi nào đó trong ngôi chùa này để lắng nghe tôi nói chuyện về việc chăm sóc và nuôi dạy con cái, những vất vả của việc làm mẹ đơn thân…” - chị Hà nghẹn ngào chia sẻ.
Những chén cơm không có hơi người
Những bữa cơm gia đình giờ đây chỉ còn 2 người, nhưng chị Hà vẫn lấy 3 chiếc bát, vẫn nấu những món ăn mà chồng chị ăn thường ngày như là một niềm an ủi “sống sao, chết vậy”. Đến giờ, chị Hà vẫn chưa thể tin được chỉ trong chốc lát, người chồng của chị đã yên nghỉ dưới đám cỏ xanh chỉ vì sự thiếu trách nhiệm của người cầm lái chiếc xe định mệnh.
Kể từ khi những người thân ra đi, cuộc sống của tất cả các gia đình nạn nhân đều thay đổi quá lớn. Những bữa cơm đầm ấm cả gia đình, những tiếng cười nói của ba, của mẹ, của những đứa con không còn được vẹn toàn. Hà Ngọc Linh (15 tuổi ở Vụ Bản – Nam Định) có mặt tại buổi lễ cầu siêu cho người cha của mình. Phút đứng tưởng niệm, không kìm nén được nỗi mất mát quá lớn, em đã khóc, gọi tên cha thật to. 
“Ngày trước, em luôn đi học đúng giờ nhưng từ ngày bố mất, em đi học muộn hơn bởi mỗi bữa cơm trưa, em thắp hương mời cơm bố, đợi hương tàn em mới ăn. Mẹ em giờ cũng đi vào Nam làm ăn, em ở cùng bà nội, mỗi bữa cơm chỉ có hai bà cháu buồn lắm nên lại nhớ bố. Ngày bố còn, ngày nào em cũng được uống sữa, ăn bánh bố mua về, cả gia đình quây quần bên nhau, khi đó nhà em hạnh phúc lắm” - Hà Linh rưng rưng nước mắt. 
Ngồi lặng lẽ trong góc, bà Đỗ Thị Bích 62 tuổi ở Phúc Thọ, Hà Nội hướng ánh mắt xa xăm về khoảng không trước mặt. Đôi mắt bà nhòe đi khi nhắc về kỉ niệm đau buồn. Mở chiếc ba lô đã sờn màu, bà cho chúng tôi xem tấm ảnh về người con trai duy nhất đã về với ông bà, tổ tiên và bảo rằng, nó chưa làm tròn bổ phận một người cha và người con báo hiếu với bố mẹ. 
Cách đây 3 tháng, trong lần đi chơi, tử thần trong vai người tài xế xe tải do uống rượu bia, không làm chủ được tốc độ đã cướp đi đứa con trai duy nhất của vợ chồng bà. 
Ngày hôm đó, nhá nhem tối, một giọng nói lạ điện về nhà, bà Bích không dám tin vào tai mình khi nghe tin, đứa con xấu số đã bỏ lại cha mẹ và người vợ trẻ trên thế gian này mà ra đi không một lời từ biệt. “Nó là đứa ngoan ngoãn, chịu khó làm ăn và thương yêu vợ con, chưa bao giờ khiến chúng tôi phải thất vọng. Có ai ngờ rằng, người cha già run run bên tấm thân con không còn nguyên vẹn, trên vai vợ phủ mảnh khăn trắng, trên đầu con trẻ là chiếc khăn tang” - bà Bích ngậm ngùi khóc.
Kế bên bà Bích, những người thân của các nạn nhân tai nạn giao thông nước mắt lưng tròng bởi những ký ức rợn người vẫn đeo đuổi và ám ảnh họ đến hiện tại. Anh Trần Văn Tường quê xã Yên Mỹ, huyện Ý Yên Nam Định có hai con tử vong vì tai nạn giao thông trong tháng 2 và tháng 5/2015, nghẹn giọng: “Mất mát, đau thương của gia đình tôi là không gì bù đắp được. Bây giờ tôi chỉ muốn nhắn nhủ với mọi người, hãy tham gia giao thông trách nhiệm, vì tính mạng bản thân mình và vì tính mạng của mọi người”.
… Mỗi năm nước ta có gần 10.000 người chết và hơn 20.000 người bị thương do tai nạn giao thông. Trong tận cùng sự đau đớn, đã có rất nhiều người hối hận: “Giá mà tôi cẩn thận hơn”, “Giá như tôi không uống rượu bia trước khi lái xe”... vì thực tế có người đã “nhanh một phút để chậm cả đời”. 
Với những người mẹ, người vợ, người con...những giọt nước mắt và vành tang trắng vẫn là một lời nhắc nhở, tử thần tai nạn giao thông có thể gõ cửa bất cứ gia đình nào chỉ vì thiếu ý thức chấp hành Luật Giao thông. Tham gia giao thông là quyền và nhu cầu chính đáng của mỗi người theo luật định. Tuy nhiên, vì ý thức kém mà tai nạn giao thông giờ đây không còn là nỗi đau của riêng ai…

Đọc thêm

TP Hồ Chí Minh: Khuyến cáo tuân thủ văn hóa metro

Metro số 1 bắt đầu vận hành thương mại từ 22/12/2024.
(PLVN) - Cty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 (HURC 1) vừa tổng kết 2 tuần đầu vận hành thương mại metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tuân thủ văn hóa Metro.

Giá vé máy bay Tết tăng, chặng TP.HCM đi các tỉnh miền trung “cháy vé”

Giá vé máy bay Tết tăng, chặng TP.HCM đi các tỉnh miền trung “cháy vé”
(PLVN) - Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết đến thời điểm hiện tại, giá vé máy bay dịp Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20% so với trước kỳ nghỉ, tỷ lệ đặt chỗ trên các đường bay từ TP.HCM đến các địa phương đang tăng nhanh chóng trong giai đoạn bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 22-28/1.

'Ẩn họa' trên tuyến đường thuộc dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam

'Ẩn họa' trên tuyến đường thuộc dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam
(PLVN) - Dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam được đầu tư nhằm hoàn thiện mạng lưới kết nối giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tuy nhiên, dự án này đang chậm tiến độ, mặt đường xuất hiện chi chít “ổ voi, ổ gà” sau mưa lớn gây nguy hiểm cho người đi đường.

Tăng mức phạt có đủ để xây dựng văn hoá giao thông?

Ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân có sự chuyển biến rõ rệt sau khi Nghị định 168 có hiệu lực. (Ảnh: QĐND)
(PLVN) - Những ngày qua, việc tăng nặng mức xử phạt và áp dụng cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe bước đầu tạo hiệu quả tích cực, nâng cao ý thức chấp hành của người dân. Tuy nhiên, để thực sự xây dựng văn hóa giao thông cần nhiều hơn thế.