Mới đây, tại Quảng Bình, cộng đồng mạng lại xôn xao trước một vụ nghi bắt cóc trẻ em. Theo một video clip được chia sẻ trên mạng xã hội, người bị nghi bắt cóc trẻ em đã bị đám đông vây lại hành hung, đấm đá, thậm chí nghi phạm sau khi bị người dân áp tải lên xe máy để chở đến công an còn bị nhiều người đánh ngã xuống xe lần nữa dù đã lạy lục van xin đám đông tha cho mình…
Thế rồi, chính quyền xã cho biết, người thanh niên này vốn bị tâm thần, đang điều trị, không liên quan gì đến chuyện bắt cóc và cũng không có vụ bắt cóc trẻ em nào, chỉ là do người dân quá sợ hãi trước nhiều tin đồn nên “thần hồn nát thần tính”. Trước đó, cũng tại Quảng Bình, trong vụ bé trai 6 tuổi bị bắt cóc và sát hại, người dân cũng vì quá phẫn uất, đã bắt và hành hung nhầm hai người đi phun thuốc diệt muỗi.
Tại TP HCM cũng đã có một vụ hành hung lầm xảy ra gần bến xe miền Tây thời gian trước. Theo clip được chia sẻ, vụ ồn ào xảy ra khi người nhà cháu bé chở cháu bé đi chơi, nhưng đi nửa đường cháu quấy khóc, giãy giụa, người dân tưởng cháu bị bắt cóc nên xúm vào… giải thoát. May mắn là sự việc chưa có hệ quả gì.
Cũng trong nỗi hoang mang lo lắng con trẻ bị bắt cóc, không ít gia đình nhanh chóng báo đến cơ quan chức năng, thông tin lên mạng xã hội khi sự việc chưa xác định rõ ràng. Mới đây nhất, hai trẻ sống trong chung cư ở Hà Đông, Hà Nội được thông báo mất tích, nhờ cư dân mạng tìm giúp. Nhưng cuối cùng, sự việc là hai cháu bị mắng, tạm bỏ nhà đến nhà người khác ở nhờ. Còn có nhiều sự việc có những nguyên nhân khác nhau, nhưng nội bộ những người trong gia đình không thông báo thông tin cho nhau biết, hoặc lên thông báo rộng rãi việc trẻ bị bắt cóc khắp nơi …
Có thể nói, thông tin “trẻ bị bắt cóc” là thông tin gây hoang mang và cũng tạo ra nhiều tin đồn thất thiệt nhất cho cộng đồng thời gian qua. Nhiều gia đình, người quen, ngay khi nghe sự việc chưa đến đầu đến đũa đã vội báo hoảng, vội tung tin nhờ cậy cộng đồng mạng tìm kiếm, để rồi thông tin nhanh chóng lan truyền chóng mặt, ngay cả khi cơ quan chức năng hoặc người nhà xác nhận sự thật không phải thế, thì tin đồn thất thiệt vẫn tiếp tục lan truyền với nhiều “dị bản” khác nhau.
Giữa cơn bão thông tin về trẻ bị bắt cóc xuất hiện khắp nơi, từ truyền miệng đến mạng xã hội, thực tế có bao nhiêu thông tin là sự thật, bao nhiêu là tin đồn thất thiệt, không ai biết được. Nhưng nó cũng đủ gieo rắc nỗi lo sợ, bất an cho các bậc cha mẹ và khiến nhiều người trở nên manh động, chỉ vì sợ hãi, muốn bảo vệ trẻ.
Điều người dân cần lúc này không phải là thông tin lúc bảo có, lúc bảo không, cơ quan này nói có tình trạng trẻ bị bắt cóc, cơ quan khác phủ nhận. Người dân thực sự cần đến một sự minh bạch về thông tin, để biết thực tế của tình trạng này là gì, không phải để lo sợ mà để nhận thức đúng. Người dân càng cần hơn những hướng dẫn đúng đắn, cụ thể từ cơ quan chức năng và các hội, đoàn thể liên quan về cách thức ứng xử để phòng, tránh nguy cơ trẻ bị bắt cóc, hoặc trong trường hợp không may xảy ra thì nên làm gì để bảo vệ trẻ an toàn tối đa có thể…
Người dân cần minh bạch, có minh bạch sẽ bớt sự hoang mang và liều lĩnh không đáng có.