Nhà nước đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng cống có tên Cống Bờ tại xóm 2, thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước (Bình Định) để phục vụ việc tưới, tiêu nước trong quá trình sản xuất muối và nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Thế nhưng, đơn vị thi công xây dựng cống một cách cẩu thả khiến người dân địa phương bức xúc, phản ứng.
Đơn vị thi công gia cố ta-luy bằng cách đóng cọc tre cách ta-luy khoảng 0,5 - 1m rồi đổ đá rối vào... |
Trong chương trình xây dựng các công trình bãi ngang, UBND xã Phước Thuận đầu tư tổng số tiền trên 370 triệu đồng xây dựng Cống Bờ nằm tại đường giao thông liên xóm thuộc xóm 2, thôn Diêm Vân để phục vụ tốt hơn việc sản xuất và nhu cầu đi lại của người dân địa phương. Khoảng cuối tháng 2/2013, cống chính thức được khởi công xây dựng, đơn vị thi công là Doanh nghiệp Hòa Thuận Phát (có địa chỉ tại xã Phước Thuận).
Lúc bắt đầu xây dựng, người dân địa phương hy vọng khi công trình hoàn thành, việc tưới, tiêu nước phục vụ quá trình sản xuất muối và nuôi trồng thủy sản sẽ thuận lợi; bên cạnh đó, việc lưu thông đi lại trong mùa mưa bão sẽ bớt nguy hiểm hơn. Thế nhưng, niềm hy vọng sớm trở thành nỗi thất vọng, bức xúc khi người dân phát hiện kiểu xây dựng cẩu thả của đơn vị thi công. Đặc biệt, người dân càng thất vọng hơn khi đã hơn 4 tháng trôi qua nhưng công trình vẫn còn dang dở; trong khi mùa mưa bão năm nay đã cận kề.
Theo một số người dân địa phương: Lẽ ra, quá trình xây dựng ta-luy ở 2 bên đầu cống, đơn vị thi công phải làm đê bao xung quanh, sau đó bơm hết nước ra ngoài rồi mới xây dựng. Đằng này, đơn vị thi công để nước lênh láng trong quá trình xây dựng; khi vữa hồ gặp nước thì nhanh chóng rã ra, không có tác dụng liên kết các viên đá chẻ với nhau, khiến ta-luy không đảm bảo chất lượng, có thể sạt lở bất cứ lúc nào.
Khi có ý kiến phản đối của người dân, đơn vị thi công khắc phục bằng cách cho đóng hàng cọc tre cách ta-luy khoảng 0,5 m - 1 m; sau đó bỏ đá rối vào với mục đích gia cố độ bền chặt của chân ta-luy (?!). Tuy nhiên, theo người dân, kiểu làm này không thể đảm bảo bởi chỉ một thời gian ngắn thì cọc tre sẽ mục, cộng với dòng chảy của nước khiến ta-luy bị xói mòn dần nên rất nguy hiểm.
Bên cạnh đó, việc đơn vị thi công sử dụng dầm gỗ để nâng đỡ mặt cống cũng khiến người dân địa phương nghi ngại chất lượng công trình. Theo người dân, dù có sử dụng loại gỗ tốt và bền chắc đến mấy để làm dầm đỡ thì qua thời gian gỗ cũng sẽ bị mục nát. Đến lúc đó, liệu số dầm gỗ còn có thể chịu lực và chống đỡ được mặt cống hay không. Đặc biệt, khu vực này thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa, nếu dầm đỡ không đảm bảo chất lượng thì sẽ rất nguy hiểm cho người dân mỗi khi qua lại cống.
Sử dụng các thanh gỗ dài để làm dầm đỡ mặt cống |
Ông Trần Viết Hiếu (80 tuổi, ở thôn Diêm Vân), nêu nghi vấn: “Tôi chưa thấy công trình nào mà người ta lại sử dụng cọc tre để gia cố ta-luy và dầm gỗ để nâng đỡ mặt cống như công trình này cả. Liệu các chất liệu đó có đảm bảo chất lượng?. Được bao lâu thì chúng bị hư hỏng, mục nát?. Theo tôi, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần làm rõ vấn đề này”.
Ông Lê Duy Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, cho biết: “Sau khi phát hiện đơn vị thi công xây dựng ta-luy không đảm bảo chất lượng, chúng tôi đề nghị họ phải khắc phục ngay. Đến nay, đơn vị thi công vẫn đang tiếp tục thực hiện việc khắc phục tình trạng này. Còn việc dùng dầm gỗ để nâng mặt cống, chi tiết này đã được thể hiện trong hồ sơ thiết kế bởi sử dụng dầm gỗ sẽ ít tốn kém nhằm mục đích đảm bảo kinh phí thi công. Nếu qua thời gian, dầm gỗ xuống cấp, ảnh hưởng sức chịu lực thì chúng tôi sẽ tiến hành gia cố, thay thế dầm gỗ bằng dầm bê tông cốt thép(?!)”.
Có thể thấy, bức xúc và những nghi vấn của người dân thôn Diêm Vân xung quanh chất lượng công trình Cống Bờ không phải là không có cơ sở. Hy vọng rằng, chính quyền địa phương và ngành chức năng huyện Tuy Phước sớm kiểm tra, đánh giá tổng thể chất lượng công trình; đồng thời, yêu cầu đơn vị thi công sớm hoàn thành công trình để phục vụ nhu cầu sản xuất, đi lại của người dân địa phương.
C.Luận