Chiều nay, Quốc hội bước vào phiên làm việc thảo luận về Dự thảo Luật du lịch. Trước khi các đại biểu tham gia thảo luận, UBTVQH đã trình bày ý kiến thẩm tra về Dự thảo này.
Thay mặt UBTVQH, Ủy viên UBTV Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Du lịch (sửa đổi).
Ông Bình cho biết: Sau kỳ họp, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật, gửi Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành có liên quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội cho ý kiến.
Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các bộ, ngành, tại Phiên họp thứ 8, UBTVQH tiếp tục chỉ đạo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp này.
Theo báo cáo thẩm tra, có ý kiến cho rằng, nội dung quy định về hành vi bị nghiêm cấm còn chung chung, chưa chặt chẽ, khó thực hiện và cần quy định rõ chế tài đối với hành vi vi phạm các điều cấm trong Luật.
Ông Bình giải thích: Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) chỉ có thể quy định hành vi bị cấm, còn chế tài sẽ được thực hiện theo quy định của các luật chuyên ngành khác có liên quan như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự...
Bên cạnh đó, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo đã được điều chỉnh, bổ sung quy định những hành vi bị nghiêm cấm có tính đặc thù trong lĩnh vực du lịch. Về cơ bản, các hành vi bị nghiêm cấm trong Điều 9 dự thảo Luật đã bao quát nhiều nội dung, thống nhất với quy định của Hiến pháp 2013 trên nguyên tắc tôn trọng quyền con người, quyền công dân và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Về ý kiến đề nghị bổ sung nội dung “xuyên tạc lịch sử”, “thông tin sai sự thật”, “chèo kéo, tranh giành”, “hành vi lừa đảo khách”, “các hành vi làm tổn hại đến danh dự và thể diện quốc gia”, “lợi dụng hoạt động du lịch hành nghề mê tín dị đoan, buôn bán người, vi phạm bình đẳng giới, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và sự phát triển toàn diện của trẻ em”, UBTVQH cho biết: một số nội dung đã được quy định tại Điều 9 dự thảo Luật, một số nội dung khác đã được quy định tại Bộ luật Hình sự, Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 và các luật khác có liên quan.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, khoản 9 Điều 9 dự thảo Luật Du lịch đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Dự kiến, sau khi lấy ý kiến đóng góp của các ĐBQH trong phiên họp này, Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi sẽ được thông qua trong tháng 6, tức tại Kỳ họp thứ 3, Quốc Hội khóa XIV.