Đức: Cuộc đua quyết liệt trước thềm tổng tuyển cử

Ông Schulz (trái) được đánh giá sẽ là đối thủ nặng ký của bà Angela Merkel (phải) trong cuộc đua vào ghế Thủ tướng Đức
Ông Schulz (trái) được đánh giá sẽ là đối thủ nặng ký của bà Angela Merkel (phải) trong cuộc đua vào ghế Thủ tướng Đức
(PLO) - Vị thế của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) ở Đức đang ngày càng được củng cố khi tỷ lệ cử tri ủng hộ SPD tăng nhanh, đặc biệt sau khi đảng trung tả này lựa chọn cựu Chủ tịch Nghị viện Châu Âu (EP) Martin Schulz, làm ứng cử viên tranh cử chức Thủ tướng Đức nhiệm kỳ tới. 

Với kinh nghiệm chính trị và uy tín, ông Schulz được đánh giá sẽ là đối thủ nặng ký của bà Angela Merkel trong cuộc đua vào ghế Thủ tướng Đức trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 9/2017.

Tỷ lệ cử tri ủng hộ đảng SPD tăng nhanh

Kết quả một cuộc thăm dò dư luận do hãng Infratest thực hiện cho kênh truyền hình ARD được công bố ngày 26/2 cho biết, Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã lần đầu tiên vượt lên trên đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) theo đường lối bảo thủ của Thủ tướng Đức Merkel trong suốt một thập kỷ qua.

Theo kết quả thăm dò, SPD nhận được sự ủng hộ của 32% cử tri, tăng tới bốn điểm so với ba tuần trước, trong khi CDU mất ba điểm và chỉ còn 31% cử tri ủng hộ. Trong khi đó, đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) từng nhận được tới 16% sự ủng hộ của cử tri Đức sau các vụ tấn công khủng bố do người tị nạn gây ra, nhưng nay tụt xuống chỉ còn 11%. Tỷ lệ ủng hộ các đảng khác ở mức khá thấp: Đảng Xanh 8%, đảng Cánh tả 7%, Đảng Dân chủ Tự do 6%.

Trước đó, theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do Forschungsgruppe Wahlen (FW) tiến hành cho hãng truyền hình ZDF công bố ngày 17/2, đảng SPD của ứng cử viên Schulz đã nhận được sự ủng hộ của cử tri, trong khi tỷ lệ ủng hộ đảng CDU sụt giảm. Cụ thể, tỷ lệ ủng hộ SPD đã tăng thêm 6 điểm% lên 30%, trong khi tỷ lệ ủng hộ CDU lại giảm 2 điểm% xuống còn 34%.

Kết quả thăm dò cũng cho thấy ông Schulz có thể giành tới 49% số phiếu ủng hộ nếu tiến hành cuộc bầu cử trực tiếp chọn Thủ tướng, trong khi bà Merkel chỉ giành được 38%. Kết quả thăm dò này phản ánh sự “bứt phá” của đại diện đảng SPD, khi cuộc thăm dò hồi cuối tháng 1 vừa qua cũng của FW, cho thấy bà Merkel dẫn trước ông Schulz tới 4 điểm với tỷ lệ ủng hộ chênh lệch là 44%/40%.

“Cuộc đua” khó khăn

Cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang Đức theo kế hoạch diễn ra vào ngày 24/9 tới, có nghĩa còn chưa đầy 8 tháng nữa cử tri Đức sẽ phải lựa chọn người tiếp tục chèo lái nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong 4 năm tới. Đảng hoặc liên đảng nào giành số phiếu quá bán trong cuộc tổng tuyển cử có thể đứng ra thành lập chính phủ và đảng giành được nhiều phiếu nhất có quyền chỉ định thủ tướng. Trong bối cảnh đó, tình hình chính trường Đức ngày càng khó lường khi sự ủng hộ dành cho hai đảng lớn nhất là SPD và CDU/CSU bám đuổi nhau khá sát nút.

Điều đáng nói là cho tới trước khi đảng SPD thông báo ứng cử viên thủ tướng của mình, uy tín của đảng trung tả này luôn kém liên đảng bảo thủ khoảng 10%. Lần gần đây nhất, SPD đứng trên CDU/CSU trong các cuộc thăm dò dư luận là vào thời điểm tháng 11-2006. Tuy nhiên, ngay sau khi SPD thông báo ứng cử viên thủ tướng của đảng và Chủ tịch đảng tới đây là cựu Chủ tịch EP Martin Schulz, uy tín của SPD bất ngờ tăng mạnh, thậm chí vượt cả liên đảng bảo thủ CDU/CSU.

Chỉ trong vài ngày, uy tín của SPD tăng liên tục và đảng này tiếp nhận thêm hàng nghìn đảng viên mới. Điều đó cũng nói lên một điều rằng một bộ phận cử tri đang “khát” ở SPD một gương mặt sáng giá có thể “đánh bại” bà Merkel, nữ chính trị gia 63 tuổi liên tiếp trong nhiều năm được mệnh danh là “người phụ nữ quyền lực nhất thế giới”.

Tuy nhiên, theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận của Viện thăm dò Civey được báo chí Đức đăng tải, có tới 56% số người được hỏi cho rằng đà phục hồi này của SPD chỉ là ngắn hạn, trong khi chỉ có khoảng 1/3 số người nói vị thế của đảng trung tả này sẽ tăng bền vững.

Cho tới thời điểm hiện tại, hai lực lượng chính trị lớn nhất ở Đức là CDU/CSU và SPD đã chính thức bầu được ứng cử viên thủ tướng, tuy nhiên cương lĩnh tranh cử của cả hai bên vẫn chưa được công bố. Đây là những vấn đề liên quan tới quyền lợi của người dân Đức bên cạnh các vấn đề quan trọng khác như chính sách an ninh và người tị nạn. Các cuộc bầu cử đã qua cho thấy việc chọn người đứng đầu dẫn dắt chiến dịch tranh cử cùng với một cương lĩnh tranh cử đúng đắn là vấn đề chiến lược quyết định sự thành bại của mỗi đảng trong các kỳ bầu cử.

Vấn đề tới đây là liệu ông Schulz và êkíp tranh cử có khả năng thuyết phục cử tri Đức tin vào một sự thay đổi hay một làn gió mới cho nước Đức hay không, điều mà nhiều người dân Đức đang trông chờ để có thể giải quyết những vấn đề mà nước này đang phải đối mặt. Đây sẽ là một bài toán không dễ dàng với chính trị gia Schulz khi đối thủ rất nặng ký của ông là bà Merkel - người từng kinh qua các vị trí bộ trưởng từ năm 1991, đứng đầu CDU từ năm 2000 và lãnh đạo nước Đức từ năm 2005.

Trong khi đó, sự nghiệp chính trị của ông Schulz phát triển chủ yếu từ EP và ông thực sự được dư luận biết tới từ khi được bầu làm Chủ tịch EP năm 2012 và tái cử năm 2014. Trên cương vị Chủ tịch EP, ông Schulz khá tích cực trong các sứ mệnh ngoại giao của châu Âu, như trong quan hệ với Cuba, Iran, hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn, chủ trương độc lập về quân sự với Mỹ. Ông từng tuyên bố sẽ “đánh bại” bà Merkel để nước Đức không còn những “chia rẽ sâu sắc”, điều theo ông đã châm ngòi cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy ở Đức trong vài năm gần đây.

Các nhà phân tích cho rằng, nhìn chung, so với nữ Thủ tướng Merkel, ông Schulz chưa có dịp thể hiện được nhiều quan điểm trong các vấn đề đối nội để thu hút cử tri trong khi những vấn đề ở Đức hiện nay như chính sách người tị nạn, nguy cơ khủng bố, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy,… vẫn thực sự phức tạp. 

Lợi thế dành cho bà Merkel hay ông Schulz trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9 tới sẽ phụ thuộc nhiều vào các diễn biến liên quan tới vấn đề an ninh và giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn trong thời gian tới. Chính Thủ tướng Merkel cũng từng thừa nhận chiến dịch tranh cử của bà tới đây sẽ là cuộc đua khó khăn. 

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.