Việc mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế về pháp luật nhằm khai thác sự hỗ trợ quốc tế để hoàn thiện hệ thống pháp luật từ đó đến nay luôn là mối quan tâm lớn, thường xuyên và là một trong những chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước, được ghi nhận trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và thể chế hóa bằng pháp luật của Nhà nước. Hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật của Bộ Tư pháp đã ngày càng được mở rộng và phát triển cả về quy mô lẫn nội dung hợp tác.
Trong giai đoạn 2013-2016, những định hướng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại, tiếp tục đổi mới việc xây dựng và thực thi luật pháp, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã được đề ra trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2010 - 2020 được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI thông qua, cũng như tiến trình hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đang đòi hỏi công tác của ngành Tư pháp từ Trung ương đến cơ sở phải vươn lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu cao hơn của đất nước. Bên cạnh đó, trước những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với các nền kinh tế, cùng với việc Việt Nam đã và đang đạt được nhiều tiến bộ trong phát triển kinh tế, trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình, nên chính sách ODA dành cho Việt Nam đang được các nhà tài trợ xem xét, thay đổi, quan hệ hợp tác quốc tế sẽ chuyển dần theo xu hướng hợp tác đối tác bình đẳng, cùng có lợi và cùng chia sẻ hợp tác giữa các quốc gia. Đặc biệt trong giai đoạn tới, ngoại giao đa phương ngày càng được các quốc gia coi trọng, nhu cầu hợp tác đa phương ngày càng đa dạng và phong phú, nên vai trò của các thiết chế đa phương cũng sẽ ngày càng được nâng cao, nhiều diễn đàn, tổ chức mới có thể sẽ ra đời.
Do vậy, công tác hợp tác quốc tế về pháp luật của Bộ Tư pháp cũng đòi hỏi phải được nâng cao cả về chất và lượng, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, có tính chiến lược dài hạn và phù hợp hơn đối với từng giai đoạn phát triển của Bộ, ngành nói riêng và của đất nước nói chung.
Trước tình hình đó, Đề án định hướng tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế về pháp luật giai đoạn 2013-2016 đã được xây dựng và ban hành nhằm từng bước khắc phục được những tồn tại, bất cập trong công tác hợp tác quốc tế về pháp luật, đồng thời đưa công tác hợp tác quốc tế về pháp luật của Bộ Tư pháp lên một tầm cao mới, xứng tầm với vị thế của Bộ, ngành trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Đề án được xây dựng trên cơ sở bám sát các định hướng lớn của Đảng và Nhà nước về chính sách đối ngoại, thể hiện trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Chiến lược vận động, thu hút ODA của Chính phủ, định hướng phát triển của ngành Tư pháp; đảm bảo khai thác và phát huy có hiệu quả thế mạnh của từng đối tác, phù hợp với xu hướng mới trong hợp tác quốc tế nói chung, hợp tác về pháp luật nói riêng giai đoạn hiện nay; đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ và khả thi, có lộ trình cụ thể đối với các định hướng, giải pháp đã được đề xuất. Đề án đã đưa ra các định hướng, giải pháp làm cơ sở để thiết lập, củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế giữa Bộ Tư pháp Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật giai đoạn 2013-2016 nhằm chủ động, tích cực nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật của Bộ Tư pháp, đưa các mối quan hệ đi vào thực chất và có chiều sâu, hỗ trợ đắc lực cho việc thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của Bộ, ngành đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách pháp luật và tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tăng cường hội nhập khu vực và quốc tế.
Đề án sẽ được sử dụng để thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác quốc tế về pháp luật song phương giữa Bộ Tư pháp với các đối tác nước ngoài, có tính đến chính sách hợp tác, đối ngoại của các đối tác nước ngoài, việc chuyển từ hợp tác phát triển sang hợp tác đối tác; đưa ra các định hướng cho việc nghiên cứu đề xuất tham gia, gia nhập các định chế và điều ước quốc tế đa phương cũng như việc cử cán bộ làm việc và thực tập tại các tổ chức pháp lý quốc tế và khu vực; tăng cường hợp tác trên bình diện đa phương ở tầm khu vực và quốc tế. Đặc biệt, Đề án là cơ sở cho việc xây dựng các chương trình, kế hoạch hợp tác quốc tế về pháp luật trong giai đoạn 2013-2016 nhằm đưa công tác hợp tác quốc tế về pháp luật của Bộ Tư pháp theo những định hướng thống nhất.