Hình thức phân phối rượu: tạo ra tình trạng thao túng?
Theo quy định tại Dự thảo, để kinh doanh theo hình thức phân phối rượu, thương nhân được lựa chọn các hình thức: phân phối; bán buôn, bán lẻ, bán rượu tiêu dùng tại chỗ.
Tùy theo từng hình thức kinh doanh này thương nhân sẽ có những quyền và nghĩa vụ tương ứng quy định tại Điều 16, theo đó: Thương nhân phân phối rượu: được nhập khẩu rượu, bán buôn, bán lẻ, bán rượu tiêu dùng tại chỗ; Thương nhân bán buôn: được bán buôn, bán lẻ, bán rượu tiêu dùng tại chỗ; Thương nhân bán lẻ: được bán lẻ, bán rượu tiêu dùng tại chỗ; Thương nhân bán rượu tiêu dùng tại chỗ: được bán rượu tiêu dùng tại chỗ.
Như vậy, dựa vào các hình thức phân phối trên, thì thương nhân của mỗi loại hình sẽ bị giới hạn nhất định trong nguồn cung sản phẩm. Chẳng hạn, thương nhân bán buôn thì không được phép nhập khẩu rượu, muốn kinh doanh rượu nhập khẩu, chỉ có thể mua thông qua thương nhân phân phối rượu – tức là họ sẽ bị giới hạn nguồn cung rượu trực tiếp từ các nhà sản xuất, kinh doanh rượu ở nước ngoài.
Điều này đồng nghĩa với việc, các mặt hàng rượu nhập khẩu có thể rất đa dạng phải phụ thuộc vào một số thương nhân phân phối rượu. Mặt khác, với những điều kiện khá khắt khe, chỉ có những doanh nghiệp lớn mới có thể tham gia vào hình thức kinh doanh phân phối rượu thì có thể dẫn tới sự thao túng thị trường của các thương nhân phân phối rượu và ảnh hưởng đến quyền lợi của các thương nhân kinh doanh rượu ở các hình thức khác, nguy cơ làm méo mó thị trường cạnh tranh.
Trong khi, về mặt quản lý nhà nước, chưa rõ mục tiêu của việc giới hạn về chủ thể có quyền nhập khẩu rượu. Tại sao các thương nhân bán buôn, bán lẻ, bán rượu tiêu dùng tại chỗ lại không được nhập khẩu rượu để kinh doanh mà phải thông qua thương nhân phân phối rượu?
Rượu là mặt hàng có tác động đến sức khỏe của con người, vì vậy cần kiểm soát về mặt an toàn của loại hàng hóa này khi đến người tiêu dùng. Điều này có thể thực hiện theo các quy chuẩn kỹ thuật hoặc các quy định về an toàn thực phẩm áp dụng đối với sản phẩm hàng hóa này.
“Do Dự thảo đã bỏ giới hạn về giấy phép phân phối rượu và cũng không có quy định về hạn chế số lượng rượu tiêu thụ ở thị trường, điều này được hiểu, rượu là loại hàng hóa được phép kinh doanh tương tự như các loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện (đối với chủ thể kinh doanh) khác trên thị trường.
Vì vậy, việc phân chia theo nhiều cấp độ phân phối rượu như tại Dự thảo dường như là chưa hợp lý, chưa thuyết phục. Ban soạn thảo chưa giải trình về tính đặc thù của loại hàng hóa này so các loại hàng hóa khác để phải phân theo các cấp độ phân phối trong thị trường” – các chuyên gia pháp luật của VCCI nhận định.
“Cần cân nhắc, xem xét thiết kế lại về các hình thức kinh doanh phân phối rượu, đó là chỉ quy định về điều kiện kinh doanh chung về mua bán rượu, trong đó thương nhân kinh doanh mua bán rượu có thể bán buôn, bán lẻ hoặc bán tiêu dùng tại chỗ mà không phải xin giấy phép riêng cho mỗi hình thức phân phối khi muốn kinh doanh theo hình thức đó”, VCCI kiến nghị.
Mệnh lệnh hành chính đang can thiệp vào quy luật thị trường
Điều kiện đối với thương nhân phân phối rượu (Điều 9 của Dự thảo) cũng đang gây nên nhiều phân vân. Điều 9 Dự thảo quy định, thương nhân phân phối rượu phải đáp ứng các điều kiện: (1) Vốn điều lệ từ 02 tỷ đồng trở lên; (2) Có năng lực tài chính bảo đảm cho hoạt động phân phối rượu tối thiểu 02 tỷ đồng; (3) Kho hàng hoặc hệ thống kho hàng với tổng diện tích sàn sử dụng từ 150 m2 trở lên; Địa điểm trưng bày rượu với tổng diện tích sàn sử dụng từ 30m2 trở lên; (4) Có hệ thống phân phối rượu trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên, tại địa bàn mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có ít nhất 01 thương nhân bán buôn rượu; (5) Có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu hoặc thương nhân phân phối rượu khác hoặc nhà cung cấp rượu ở nước ngoài; (6) Trường hợp thương nhân phân phối rượu trực tiếp bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ tại các điểm kinh doanh của mình thì phải đáp ứng các điều kiện về bán lẻ rượu và bán rượu tiêu dùng tại chỗ.
Theo giải trình của Ban soạn thảo thì yêu cầu về năng lực tài chính để đảm bảo hoạt động ổn định của cơ sở bán buôn và bán lẻ. Tuy nhiên, giải trình này bị các doanh nghiệp và chuyên gia pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh – thương mại cho rằng “dường như chưa phù hợp với mục tiêu quy định về điều kiện kinh doanh tại Điều 7.1 Luật Đầu tư”.
Hơn nữa, đứng dưới góc độ quản lý thì Nhà nước không cần thiết ban hành quy định để đảm bảo ổn định hoạt động của doanh nghiệp, bởi đây là vấn đề của thị trường. Những doanh nghiệp yếu kém về năng lực sẽ tự động bị đào thải và những doanh nghiệp thực sự có năng lực sẽ đứng vững và phát triển ở thị trường.
Cũng không rõ về mục tiêu chính sách đối với yêu cầu phải có phòng trưng bày sản phẩm và đảm bảo diện tích sàn tối thiểu là 30m2. Mặt khác, trên thực tế, phương thức kinh doanh thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, việc giới thiệu sản phẩm không nhất thiết phải theo cách thức truyền thống là tại phòng trưng bày.
Doanh nghiệp có thể giới thiệu thông qua các website điện tử, các kênh bán hàng trên mạng. Do vậy, yêu cầu thương nhân phải có phòng trưng bày sản phẩm và đảm bảo về diện tích tối thiểu của phòng trưng bày là chưa phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
“Quy định này là cản trở đáng kể đối với các doanh nghiệp chưa có tiềm lực tài chính tham gia vào thị trường phân phối rượu, tạo ra thuận lợi cho sự độc quyền của các doanh nghiệp lớn. Điều này dường như đi ngược lại chính sách của Chính phủ trong hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh” – VCCI nhận định.