Đa dạng các loại hình du lịch
Xu hướng du lịch thế giới giờ đây phân chia rất nhiều loại hình du lịch khác nhau: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm, du lịch tham quan, du lịch tâm linh… Mỗi một loại hình “đánh” vào các tầng lớp, nhu cầu, sở thích khác nhau. Sự phân chia này đã giúp ngành du lịch có thể đi vào phát triển ở chiều sâu hơn.
Trước đây, du lịch tham quan là loại hình “phổ thông”, chiếm ưu thế nhất. Du khách đơn giản là đến những danh thắng, di tích nổi tiếng để tham quan, kết hợp thưởng thức văn hóa, ẩm thực… Ngày nay, cách làm du lịch này vẫn phổ biến và chiếm số đông. Tuy nhiên, những năm gần đây, sự phân hóa dựa theo nhu cầu du khách ngày một mạnh lên. Du lịch nghỉ dưỡng có lẽ là ngành đi “tiên phong” khi hàng loạt công trình du lịch phục vụ nhu cầu “nghỉ ngơi và thưởng thức” ra đời.
Trong xã hội hiện đại, nhịp sống hối hả, căng thẳng, du lịch nghỉ dưỡng ra đời nhằm giúp người dân hóa giải những mệt mỏi, lấy lại năng lượng, phục hồi tinh thần… Du lịch nghỉ dưỡng hướng đến tầng lớp khách hàng trung lưu, thượng lưu với những loại hình resort, khách sạn cao cấp, khu homestay hay khu lưu trú kết hợp cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, kết hợp trị liệu như yoga, tắm khoáng bùn…
Những năm gần đây, có thêm những khái niệm mới về du lịch mạo hiểm, du lịch trang trại… du nhập từ các nước phát triển đến Việt Nam. Sinh sau đẻ muộn, nhưng du lịch mạo hiểm lại là một trong những loại hình du lịch nhiều tiềm năng với tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới.
Theo Tổ chức Thương mại (ATTA), du lịch mạo hiểm là hành trình có chứa ít nhất hai trong ba yếu tố sau: Vận động thể lực, môi trường tự nhiên và trải nghiệm về các nền văn hóa. Du lịch mạo hiểm hướng đến đối tượng là những người trẻ, có sở thích khám phá, phiêu lưu, thích cảm giác mạnh. Du lịch mạo hiểm giúp họ thỏa được cảm giác chinh phục và chiến thắng, khẳng định bản lĩnh của mình trước thiên nhiên.
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới, bên cạnh mô hình du lịch tham quan, nghỉ dưỡng đã tận dụng địa hình tự nhiên để đầu tư, phát triển mạnh hướng du lịch mạo hiểm, trong đó có Việt Nam, dựa vào khai thác các hang động, thác, biển, núi…
Trong khi đó, du lịch trang trại (farmstay) là một hướng đi khá mới mẻ của ngành du lịch trong những năm gần đây. Đối tượng của farmstay khá rộng rãi, từ người trẻ, người già, từ độc thân đến gia đình, từ người lớn đến trẻ con.
Đó là các trang trại được xây dựng tại các ngoại ô thành phố hoặc vùng quê, khu du lịch, dựa vào địa hình thiên nhiên hoặc có cách xây dựng thẩm mỹ, kết hợp giữa trồng trọt, chăn nuôi với nghỉ dưỡng. Farmstay giờ đây là hình thức được nhiều cư dân đô thị lựa chọn để tìm lại được cảm giác gần gũi thiên nhiên, sống mộc mạc, lành sạch, chân phương.
Tìm thế mạnh để phát triển
Những năm gần đây, các loại hình du lịch phổ biến trên thế giới cũng đã trở nên phát triển mạnh tại Việt Nam. Ngành du lịch trong nước đã khá nhạy bén khi nắm bắt những xu thế của du lịch thế giới và có những bước đi đột phá để bắt kịp nhịp.
Về du lịch nghỉ dưỡng, trong nước hiện đã có những khu vực nổi tiếng thế giới, lý tưởng cho du khách nghỉ dưỡng như Phú Quốc, Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Nẵng… Các dự án resort, khu tích hợp lớn nhỏ được đầu tư mạnh mẽ trên khắp cả nước với chất lượng dịch vụ ngày một cao, nhiều sáng tạo độc đáo về kiến trúc, tính năng.
Du lịch mạo hiểm tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá mạnh. |
Chỉ trong thời gian ngắn, số lượng cơ sở lưu trú du lịch chủ yếu là khách sạn, khách sạn nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn, nhà phố thương mại du lịch đã tăng lên nhanh chóng. Năm 2011, cả nước có 13.756 cơ sở lưu trú du lịch với trên 256.000 buồng. Năm 2018, con số đã đạt 28.000 cơ sở với 550.000 buồng lưu trú, tốc độ tăng trưởng về quy mô buồng bình quân 12%/năm.
Phần lớn các cơ sở lưu trú du lịch có quy mô nhỏ, khoảng 20 buồng trên một cơ sở. Riêng cơ sở lưu trú du lịch hạng cao cấp được xếp hạng từ 4 - 5 sao có 423 cơ sở với 86.015 buồng. Những con số biết nói ấy đã cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của du lịch nghỉ dưỡng trong vòng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, đại dịch xảy ra, tốc độ tăng trưởng đứng chựng lại cũng dần dà cho thấy những “lổ hỗng” trong quy hoạch du lịch nghỉ dưỡng: Tình trạng xây dựng khu nghỉ dưỡng tràn lan, tận dụng triệt để thiên nhiên nhưng thiếu sáng tạo, thiếu bản sắc riêng, chạy theo thị hiếu nhưng không có sự phân tích ở chiều sâu, xây dựng hàng loạt nhưng bỏ quên chất lượng dịch vụ…
Nhiều nguyên do đã dẫn đến tình trạng “cung - cầu không gặp nhau”, nhu cầu vẫn có nhưng sản phẩm du lịch lại không được du khách lựa chọn. Hệ quả thấy rõ nhất là hiện tượng những khu resort chạy dài từ Nam chí Bắc bị ngưng hoạt động, hoang phế hoặc phải sang tay.
Về phần du lịch mạo hiểm, du lịch trang trại, đây là những loại hình rất mới mẻ tại Việt Nam thời gian qua, đồng thời kết quả tăng trưởng của nó đã cho thấy sự phù hợp của du lịch Việt với các loại hình quốc tế này. Với du lịch mạo hiểm, Việt Nam tận dụng được thế mạnh thiên nhiên phong phú, hoang dã, khung cảnh đẹp.
Rất nhiều điểm du lịch mạo hiểm của Việt Nam đã nổi tiếng tầm quốc tế, như khu quần thể các động Sơn Đoòng, Hang Én… ở Quảng Bình; chuỗi các suối thác hoang dã tại Lâm Đồng, Đà Lạt, hay du lịch khám phá đảo cùng các trò chơi dưới nước tại các bãi Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc… Những điểm đến nổi tiếng về du lịch mạo hiểm cũng góp phần đưa tên tuổi của du lịch Việt đến với du khách quốc tế.
Tuy nhiên, thời gian qua, cũng có không ít những rủi ro liên quan đến du lịch mạo hiểm mà chúng ta vẫn chưa kiểm soát hết được. Điều này phụ thuộc vào chất lượng của những phương tiện sử dụng trong du lịch mạo hiểm và hơn hết là các quản lý có chặt chẽ, quy trình có đảm bảo hay không. Nếu làm tốt được vấn đề an toàn, đồng thời biết cách đầu tư khai thác tốt các ưu thế thiên nhiên cho du lịch mạo hiểm, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành điểm đến yêu thích cho giới du lịch trên toàn thế giới.
Về phần mình, farmstay hiện đang có tốc độ phát triển khá chậm so với các loại hình du lịch khác. Có một sự khác biệt không nhỏ trong sự vận hành giữa farmstay quốc tế và trong nước. Nếu như farmstay nước ngoài có những nền tảng khá sâu, đã phát triển từ vài chục năm trước tại đất nước phát triển thì Việt Nam, mô hình này gần như mới xuất hiện, dù Việt Nam là nước nông nghiệp.
Tại các nông trại du lịch ở nước ngoài, du khách không chỉ được tham quan, nghỉ dưỡng và khám phá mô hình nông trại; mà còn được thưởng thức nhiều món ăn dân dã, rau sạch và các nguồn thực phẩm được nuôi trồng, chế biến tại nông trại. Ngoài ra, có thể tham gia các hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng cây.
Khi về Việt Nam, farmstay lại mang tính nghỉ dưỡng, lưu trú hơn. Nhiều du khách nước ngoài đã chia sẻ, mô hình farmstay tại Việt Nam còn nặng tính “trình diễn cuộc sống nông trại” hơn là trải nghiệm đời sống nông trại thật sự. Chính vì thế, nó gần như là hình thức homestay mở rộng hơn là farmstay đích thực và như thế, khó giữ chân du khách lâu dài, hoặc trở lại.
Đây là một điều rất đáng tiếc, bởi Việt Nam có nền văn hóa nông nghiệp, người làm du lịch có thể đem đời sống nông nghiệp, nét đẹp của văn hóa nông nghiệp vào làm du lịch, để du khách có sự trải nghiệm chân thực, thú vị. Đồng thời thông qua kênh du lịch có thể góp phần tiêu thụ nông sản, phần quảng bá văn hóa nông nghiệp và chất lượng nông sản Việt.
Còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết để Việt Nam có thể bắt kịp nhịp của ngành du lịch thế giới. Nhưng nhìn vào sự đa dạng trong các loại hình du lịch, nhìn vào tốc độ tăng trưởng du lịch, cũng như mức độ hài lòng ngày một tăng lên của du khách, hoàn toàn có thể tin rằng, Việt Nam đang bước những bước đi mạnh mẽ, bước qua cánh cửa mở rộng để trở thành một điểm đến hút khách toàn cầu.