Khách nội đô đìu hiu
Hà Nội là một địa điểm thu hút khách du lịch lớn của cả nước với kỳ vọng đạt 10 triệu lượt khách trong năm 2022, trong đó có khoảng 1,2 – 2 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, tình hình dịch bùng phát trên diện rộng ở Thủ đô với hơn 20.000 ca/ngày gần đây khiến lượng khách chưa đạt kỳ vọng. Những địa điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng như hồ Gươm, Văn Miếu đều vắng du khách.
Mỗi ngày Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón từ 120 - 300 khách, Hoàng thành Thăng Long đón trên 100 khách, di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng đón khoảng 100 khách. Bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng Phòng Hướng dẫn - Thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, thông thường những tháng đầu năm là mùa của du lịch Hà Nội, khách quốc tế cũng như khách trong nước đến Hoàng thành Thăng Long rất đông. “Nhất là dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ - 8/3, phụ nữ các cơ quan, ban ngành thường đến tham quan và chụp ảnh nhưng năm nay không khí vắng lặng, lượng người đến tham quan sụt giảm mạnh”, bà Yến cho biết. Dù đã mở cửa hoạt động trở lại từ sớm, mỗi ngày ở đây vẫn chỉ có lác đác vài chục khách.
Tại chùa Hương cũng chứng kiến tình trạng tương tự. Từ khi mở cửa trở lại, mỗi ngày chùa Hương đón khoảng 5.000 khách nhưng đến thời điểm này chỉ đón khoảng 1.000 khách. Tính đến nay, lượng khách tham quan, trẩy hội chùa Hương mới đạt 6 vạn khách, bằng một ngày cao điểm của những năm trước.
Ông Vương Toàn Long (Hưng Yên), 46 tuổi, đạp xích lô quanh hồ Gươm tìm khách. “Đã hơn 10 năm tôi làm nghề chở khách du lịch tại khu vực quận Hoàn Kiếm nhưng chưa khi nào thấy vắng khách như thế này. Mỗi ngày tôi đều ra đây từ 10h sáng – 10h đêm nhưng nhiều ngày liền không kiếm nổi một cuốc xe” – ông Long chia sẻ.
Thời điểm này, lượng khách giảm hơn so với trước đó, trong đó không thể không nhắc tới nguyên nhân dịch bệnh và tâm lý dè dặt của du khách. Hiện nay, số ca nhiễm mới của Hà Nội vẫn tăng cao khiến tâm lý khách nội đô và khách tỉnh e ngại đến Hà Nội du lịch. Trong khi đó, lượng khách quốc tế - bộ phận lớn khách tại các di sản – chưa cao, vì vậy các điểm di tích vẫn chứng kiến tình trạng vắng khách.
Tâm lý lo ngại dịch bệnh của du khách là điều dễ hiểu. Thực tế cho thấy, các di tích thường là những điểm đến ưa thích của du khách như: Chùa Hương, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long... đa phần có không gian rộng, hạn chế được việc tiếp xúc gần của khách. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn rất e ngại đến các điểm du lịch trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phức tạp như địa bàn Hà Nội hiện nay.
Kỳ vọng lượng khách tăng sau khi Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế. |
Mong chờ khách quốc tế
Ngày 15/3, Việt Nam đã chính thức mở cửa du lịch. Đây là cơ hội để du lịch di sản Hà Nội đón thêm lượng khách mới. Anh Phí Quang Sơn, quản lý khách sạn đứng trước cửa nhìn con phố Cầu Gỗ vắng tanh. Khách sạn của anh có 20 phòng với giá tiền 2 triệu đồng/đêm và thường kín phòng du khách quốc tế những năm trước. “Đầu năm nay thì chưa có một khách quốc tế nào book phòng, khách Việt cuối tuần cũng chỉ đạt 30% công suất”, anh nói. Anh hy vọng tới đây, Việt Nam mở cửa hoàn toàn ngành du lịch, lượng khách du lịch đến Hà Nội sẽ khởi sắc.
Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định: “Thời gian qua, chúng tôi đã đi rất nhiều địa phương, nhưng “không gian vắng lặng như tờ”, tất cả các hoạt động đóng cửa, chỉ có thể nói một câu rằng: không có khách. Vì không có khách nên không mở cửa, không hoạt động, không làm gì cả... Vì vậy, mở cửa cho ngành du lịch ngày 15/3 thực chất là mở cửa cho toàn ngành kinh tế của chúng ta. Khi chúng ta đấu tranh làm rõ các vấn đề để du lịch mở cửa được cũng là giải quyết cho tất cả các ngành kinh tế khác”, ông Bình chia sẻ.
Nhận định với cơ hội mở cửa lần này, du lịch di sản sẽ cần có động lực bứt phá, thật sự có điểm nhấn để níu chân du khách, nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã chuẩn bị các sản phẩm thu hút. Ông Phạm Hà, CEO Lux Group chia sẻ, trong bối cảnh mới của giai đoạn phục hồi, du lịch di sản chính là tài nguyên du lịch và “mỏ vàng” lớn nhất. Vì vậy, thay vì “ăn mày di sản”, Việt Nam cần nâng tầm, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên để thu hút du khách.
Tại Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã triển khai chương trình “Check in ngay nhận quà hay” với hàng nghìn phần quà để tặng khách đến tham quan khu di sản. Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng cho biết đang triển khai sản phẩm du lịch đêm: “Đêm thiêng liêng: Sáng ngời tinh thần Việt”, “Đêm thiêng liêng 2: Sống như những đóa hoa”. Trong đó “Đêm thiêng liêng 2” được làm mới theo hướng lắng đọng, giàu cảm xúc hơn. Trung tâm di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đang triển khai phục dựng không gian trưng bày Trường Quốc Tử Giám, xây dựng sản phẩm du lịch đêm tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phục dựng Phương Đình tại đảo Kim Châu thuộc hồ Văn…
Hiện nay, các đơn vị quản lý đều thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho khách và chính những người làm công tác quản lý, phục vụ tại di sản. Trong thời gian tới, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, hoạt động du lịch mở cửa hoàn toàn, khách quốc tế trở lại Việt Nam sẽ là cơ hội tốt cho các di tích thu hút khách đến đông hơn.