Điều đáng nói, dù vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh như vậy nhưng hiếm thấy trường hợp nào bị xử phạt.
Ban tổ chức “khản cổ” nhắc nhở
Ngày 14/3/2021, du khách thập phương nườm nượp đổ về chùa Tam Chúc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam). Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó trụ trì chùa Tam Chúc cho biết, qua thống kê có khoảng 50.000 du khách đổ về chùa Tam Chúc trong ngày 14/3.
Tại các điểm như cổng Tam Quan, vườn cột kinh, điện Quan Âm, điện Pháp Chủ, điện Tam Thế và chùa Ngọc đều chật kín du khách. Nhiều người không đeo khẩu trang phòng dịch dù hệ thống loa phát thanh liên tục nhắc nhở khách phải rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang và đứng giãn cách. Họ nhích từng bước, sát vai nhau, người đeo khẩu trang, người không, nói cười rôm rả.
Trước sự “thất thủ” ở chùa Tam Chúc, dư luận lo lắng, bức xúc: “Nếu một số người trong 50 nghìn người bị mắc Covid-19 và 50 nghìn người ấy tỏa về các tỉnh, thành thì không thể tưởng tượng nổi dịch bệnh lan đến đâu. Và mọi công tác phòng dịch của Trung ương và địa phương bị trôi xuống sông, xuống biển”.
Ông Tạ Đình Quyền - Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hà Nam cho biết, sau khi nhận được phản ánh lượng khách đi chùa Tam Chúc quá đông, phía Sở đã lập tức yêu cầu Ban Quản lý khu du lịch Tam Chúc thực hiện nghiêm việc đo thân nhiệt, khai báo y tế, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách; tăng cường đội tình nguyện viên hướng dẫn, tuyên truyền trực tiếp tại chỗ.
Trên những hướng phân luồng xe máy, ô tô con, xe khách đi theo tuyến khác nhau, không tập trung một điểm, tránh tình trạng không đảm bảo khuyến cáo 5K. “Trước sự việc này, nhà chùa mong phật tử, khách thập phương xa gần nếu có điều kiện nên sắp xếp thời gian đi những ngày trong tuần sao cho hợp lý vừa an toàn, vừa thảnh thơi chiêm bái, ngắm cảnh” - Thượng toạ Thích Minh Quang mong mỏi.
Chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cũng là nơi hàng vạn du khách thập phương tới đây tham quan và lễ bái khi ngày 13/3 bắt đầu mở cửa đón du khách xuân Tân Sửu. Năm nay, Lễ hội chùa Hương lấy chủ đề “Chùa Hương điểm đến an toàn, văn minh và thân thiện”, tập trung vào các giải pháp về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, ngăn chặn ách tắc giao thông và phòng, chống cháy nổ, vận động thực hiện nếp sống văn minh mùa lễ hội.
Trong đó, chú trọng tuyên truyền việc phòng chống dịch bệnh Covid-19. Hành khách không đeo khẩu trang sẽ không được phép lên thuyền, đò. Ngoài ra, tất cả du khách đến chùa Hương phải tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế như đeo khẩu trang, sát khuẩn, đo thân nhiệt và khai báo y tế bằng việc quét mã QR và hạn chế tập trung đông người.
Nhiều du khách không đeo khẩu trang và mặc áo phao khi đi đò vào chùa Hương. Ảnh: Dân Việt |
Tuy nhiên, trên thực tế, dù Ban tổ chức liên tục phát loa nhắc nhở nhưng các khu vực đền Trình, bến Yến, chùa Thiên Trù, bến đò... và các khu bán đồ lưu niệm, nhiều du khách vẫn “tảng lờ” đeo khẩu trang. Ban Tổ chức đã in các mã QR để khai báo online nhưng cũng rất ít người “quét” để khai báo y tế. Tình trạng vi phạm phòng chống dịch như vậy nhưng hiếm khi khách thập phương bị xử phạt.
Ông Nguyễn Bá Hiền - Trưởng ban Quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cho rằng, Ban Quản lý chỉ nhắc nhở, tuyên truyền, chưa xử phạt trường hợp nào. “Đi lễ chùa mà bị xử phạt thì... kỳ lắm. Vì thế chúng tôi nhắc nhở.
Nhiều người không đeo khẩu trang, nhưng khi nhắc nhở thì họ rút trong túi ra đeo ngay. Đương nhiên, những ai cố tình không đeo khẩu trang, sẽ có lực lượng xử phạt tại chỗ” - ông Hiền cho biết.
Tránh “vỡ trận” ngày cao điểm
Tại các điểm di tích, cơ sở tín ngưỡng ở Hà Nội và các địa phương như chùa Hương, phủ Tây Hồ, đình Kim Liên, chùa Quán Sứ, chùa Hà, chùa Phúc Khánh, chùa Trăm Gian, chùa Bái Đính… lượng khách đến chiêm bái chỉ bắt đầu đông từ đầu tháng 2 âm lịch, trước đó rất thưa vắng. Những ngày cuối tuần, các cơ sở tâm linh lượng khách thập phương sẽ tăng đột biến so với ngày thường. Vì vậy, Hà Nội và các địa phương đang lên kế hoạch để tránh tình trạng “vỡ trận”.
Ngày 15/3/2021, Bộ VH-TT&DL đã có công văn gửi các UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp an toàn phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện nếp sống văn minh trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Công văn nêu rõ: “Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên cả nước cơ bản đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh do hiện tượng người dân chủ quan, chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch khi tham gia các hoạt động tập trung đông người, đặc biệt là tại các địa điểm du lịch, di tích, danh lam thắng cảnh”.
Để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực văn hóa - thể thao và du lịch, Bộ yêu cầu Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án đảm bảo an ninh, an toàn phòng chống dịch cho khách du lịch; người tham gia hoạt động văn hóa, thể thao; khách tham quan bảo tàng, di tích, danh lam thắng cảnh; người tham gia lễ hội. Chỉ tổ chức đón khách khi đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.