Trước đó, Dự án Thủy điện Xekaman 3 do Công ty CP Điện Việt Lào (VLP) thuộc Tổng Công ty Sông Đà làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng vào ngày 5/4/2006, theo hình thức BOT (Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao). Dự án hoàn thành và phát điện từ tháng 6/2013, nhưng ngay sau thời gian vận hành ngắn, đường ống áp lực đã xảy ra lỗi kỹ thuật bị đứt lần 1 vào tháng 10/2013. Sau khi sửa chữa, tháng 12/2016, Dự án bị sự cố lần 2 và phải tạm dừng hoạt động đến nay.
Đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với một số bộ, cơ quan liên quan rà soát toàn bộ quy trình, hồ sơ để xác định rõ sự cố kỹ thuật của Dự án Thủy điện Xekaman 3 của VLP có là nguyên nhân bất khả kháng hay là do lỗi chủ quan, gây hậu quả. Tuy nhiên, đến nay, việc xác định chính xác nguyên nhân cũng như khắc phục sự cố gặp rất nhiều khó khăn khi VLP chưa thể huy động được nguồn vốn để tiến hành sửa chữa.
Cụ thể, theo tìm hiểu của PV, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) có văn bản gửi VLP, yêu cầu tiếp tục giải trình, bổ sung hồ sơ điều chỉnh Giấy chứng nhận Đăng ký đầu tư ra nước ngoài Dự án Nhà máy Thủy điện Xekaman 3 (lần 2), do giải trình trước đó của Công ty này chưa đáp ứng yêu cầu. Trong văn bản đang nói, Bộ KH&ĐT yêu cầu VLP bổ sung tài liệu nghị quyết cuộc họp HĐQT Công ty lần XI, nhiệm kỳ 2017 - 2020 ngày 15/11/2019; tài liệu cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản của tổ chức tín dụng được phép cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư.
Về điều chỉnh tăng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện Dự án, đối với nguồn vốn chủ sở hữu, văn bản của Bộ KH&ĐT còn cho biết, đến thời điểm hiện tại, VLP vẫn chưa thực hiện tăng vốn chủ sở hữu, đồng thời hồ sơ không có tài liệu về phương án huy động vốn từ cổ đông hoặc các nhà đầu tư khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đáng chú ý, cũng tại văn bản trên, Bộ KH&ĐT cũng thông tin chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ khi yêu cầu Công ty VLP triển khai các giải pháp tăng tăng vốn chủ sở hữu, trước mắt yêu cầu các cổ đông góp đủ vốn điều lệ theo cam kết. Đồng thời có phương án huy động vốn, bổ sung vốn từ cổ đông hiện hữu hoặc từ nhà đầu tư tiềm năng khác bảo đảm đủ nguồn vốn sửa chữa cho dự án nhà máy thủy điện Xekaman 3.
Trong văn bản gửi VLP, Bộ KH&ĐT cho rằng, để đảm bảo năng lực tài chính cho việc điều chỉnh tăng vốn thực hiện Dự án, Công ty CP Điện Việt Lào cần xây dựng phương án tăng vốn chủ sở hữu, tìm kiếm những nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm vận hành các dự án điện để tham gia cùng đầu tư hoặc chuyển nhượng Dự án theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ trước đó. Ngoài ra, Bộ KH&ĐT cũng đề nghị nhà đầu tư cung cấp cam kết của các tổ chức tín dụng về việc thu xếp khoản vốn vay cho dự án, dự kiến hơn 200 triệu USD.
Dự án thủy điện Xekaman 3 có tổng mức đầu tư 311,7 triệu USD với công suất lắp máy 250 MW, bao gồm 02 tổ máy. Công ty CP điện Việt Lào góp 100% vốn trong giai đoạn xây dựng, Chính phủ Lào sẽ tham gia góp 15% vốn bắt đầu từ khi dự án đi vào vận hành thương mại.
Để hoàn thành công trình này, các đơn vị thi công đã hoàn thành việc đào đắp hàng triệu m3 đất đá, đổ hàng trăm ngàn m3 bê tông các loại, lắp đặt hàng ngàn tấn máy móc, thiết bị từ đơn giản đến phức tạp, siêu trường, siêu trọng. Sau khi đưa 2 tổ máy vào vận hành phát điện vào năm 2013, sản lượng điện bình quân hàng năm của nhà máy đạt khoảng 1 tỉ kWh. Trong đó, 90% sản lượng điện được xuất khẩu về Việt Nam và 10% sản lượng phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa của Lào.