Chậm triển khai vì thiếu vốn
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về việc huy động vốn để đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu đến hết ngày 15/7/2015 nếu các cổ đông vẫn không góp đủ vốn theo quy định, Bộ Công Thương chỉ đạo phương án cho phép cổ đông hiện hữu điều chỉnh tỷ lệ góp vốn để bảo đảm vốn huy động cho dự án.
“Trường hợp các cổ đông hiện hữu không huy động đủ vốn, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam góp tăng vốn để thực hiện dự án. Phần góp tăng vốn của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam giao Bộ Công Thương xem xét, xử lý cụ thể”- chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.
Lãnh đạo Chính phủ cũng đồng ý nguyên tắc việc lựa chọn đơn vị tư vấn nước ngoài có đủ năng lực, kinh nghiệm để thẩm định thiết kế kỹ thuật theo hình thức chỉ định thầu. Bộ Công Thương chỉ đạo chủ đầu tư lựa chọn đơn vị tư vấn theo các quy định của Luật Đấu thầu và các quy định hiện hành và chịu trách nhiệm toàn diện về việc lựa chọn đơn vị thực hiện.
Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do Cty CP Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư được khởi công từ năm 2009. Mặc dù đây là dự án trọng điểm quốc gia với mục tiêu là khai thác và chế biến quặng sắt cung ứng nguyên liệu quặng sắt cho nhà máy thép tại Hà Tĩnh và các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu, nhưng sau 7 năm khởi công, mỏ sắt Thạch Khê vẫn loay hoay tìm nguồn vốn đầu tư.
Tái cơ cấu cổ đông
Tìm hiểu của PLVN được biết, dự án có tổng đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng, trong đó 30% cổ đông góp vốn và 70% nguồn vốn huy động khác. Theo tiến độ, dự án được chia làm 2 giai đoạn thời gian thực hiện 9 năm, trong đó 7 năm xây dựng cơ bản và khai thác 5 triệu tấn mỗi năm, 2 năm tiếp theo nâng công suất lên 10 triệu tấn.
Để triển khai dự án này, TIC được thành lập từ năm 2007, với vốn điều lệ 2.400 tỷ đồng với 9 cổ đông, gồm: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Tổng Công ty Thép Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Tổng Công ty Sông Đà, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Công ty TNHH Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Minh và Công ty Cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Thăng Long.
Tuy nhiên, năm 2010 ngoài Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam gặp khủng hoảng, không thể góp vốn, một số cổ đông khác cũng lờ nghĩa vụ của mình. Do vậy, chỉ hơn 221 tỷ đồng được góp vào thay vì 1.300 tỷ đồng cam kết trước đó. Với việc giảm số lượng cổ đông, cũng như khó khăn trong việc huy động vốn, dự án cũng đã phải điều chỉnh về quy mô vốn hồi cuối năm ngoái.
Đáng chú ý, một báo cáo vào năm 2013 của TIC cho hay, các cổ đông vẫn còn nợ 1.210 tỷ đồng, bằng 45% vốn điều lệ công ty. Trao đổi với PLVN ngày (24/6), một lãnh đạo của TIC cho hay “đến giờ thì tất nhiên là không còn như thế nữa” nhưng vị này từ chối cung cấp chi tiết thực trạng tài chính của doanh nghiệp này tại thời điểm hiện tại.
Liên quan tới chỉ đạo mới nhất của Phó Thủ tướng, trao đổi với PLVN, ông Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Dự án mỏ sắt Thạch Khê là dự án đặc biệt quan trọng. Dự án chậm tiến độ nhiều năm có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó đúng là có nguyên nhân các cổ đông chậm góp vốn.
Được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, lần này có thể có cơ hội tốt để tái cơ cấu lại thành viên cổ đông góp vốn. Chỉ đạo này chắc chắn là điều kiện tích cực để huy động các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ khai thác mỏ sắt Thạch Khê.
“Trong thẩm quyền, trách nhiệm của địa phương, phía tỉnh sẽ chấp hành tổ chức thực hiện tốt chỉ đạo để tạo điều kiện cho phía TIC thực hiện tốt các nội dung tiếp theo” - ông Sơn nói.
Mỏ Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh) là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, được phát hiện từ năm 1960, với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn. Mỏ nằm cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 8km về phía Đông Bắc, cách bờ biển Đông 1,6km và cách cảng Vũng Áng 66km. Theo đánh giá, tổng sản lượng quặng khai thác từ mỏ Thạch Khê có thể đạt mức 370 - 400 triệu tấn. Thời gian đầu có thể khai thác 10 - 15 triệu tấn mỗi năm.