Tốn kém, chậm tiến độ và xấu
Để giảm thiểu ùn tắc giao thông cũng như phục vụ nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân, ngày 26/12/2008 Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt Dự án đường sắt đô thị, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông.
Tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm Chủ đầu tư. Tuyến có chiều dài 13.1 km, được khởi công xây dựng vào ngày 10/10/2011, dự kiến hoàn thành công tác xây dựng vào 30.9.2017, đưa vào vận hành thương mại trong Quý I/2018.
Tuyến Cát Linh - Hà Đông là tuyến số 3 trong hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội, và là tuyến thứ hai của dự án được đề xuất, sau tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi, trong số 8 tuyến được quy hoạch. Tuyến này được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc.
Vốn của Chính phủ Việt Nam là 133,86 triệu USD. Thêm vào đó là nguồn vốn vay ưu đãi của Trung Quốc 419 triệu USD. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, do năng lực quản lí yếu kém cùng nhiều lí do khác, số vốn đã đội lên so với ban đầu gần 300 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đầu tư dự án đường sắt trên cao tuyến Cát Linh – Hà Đông cho tới thời điểm hiện tại là gần 800 triệu USD.
Theo nhận định của một số người dân sống xung quanh nhà ga La Khê (Hà Đông) trong thời gian mở cửa nhà ga kiểu mẫu, rất nhiều người tới tham quan đã không hài lòng về chất lượng.
Lan can cầu thang đúng tầm mắt, nhiều người đã bị tai nạn khi sử dụng dùng cầu thang bộ. |
Chị Đỗ Thị Hán (55 tuổi) ở 256 Quang Trung – Hà Đông cho biết: “Nhà tôi ở cạnh công trường tôi biết, lãng phí quá, vật liệu xây dựng bề bộn, rồi lại thành phế thải, thi công thì trì trệ, bụi bẩn. Nghe nói công trình đội vốn, nhưng chú thấy đấy công trình xấu quá, trụ cột và nhà ga to, thô, không đẹp như những tuyến khác tôi từng thấy”.
Theo báo cáo tại cuộc họp kiểm điểm dự án Cát Linh – Hà Đông chậm tiến độ diễn ra chiều 4/5/2017 thì hạ tầng chạy tàu cơ bản hoàn thành. Toàn bộ 13 nhà ga trên cao của tuyến đường sắt cũng đã hoàn thành kết cấu chính và cơ bản hoàn thành công tác trang trí, hoàn thiện. Nhìn tổng thể có thể thấy dự án đã hoàn thành tới 93%.
Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng cho thấy vẫn còn nhiều hạng mục thi công còn dang dở. Chị Hán chia sẻ thêm: “Tôi thấy bảo tháng 9 sẽ chạy thử, nhưng với tiến độ này tôi nghĩ không khả thi.”
Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, dự án chưa chắc hiệu quả?
Đó là ý kiến của rất nhiều người dân khi chúng tôi hỏi về hiệu quả của dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông.
“Chúng tôi rất quan tâm tới dự án lớn này. Đây là dự án rất tốt để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân cũng như giảm ùn tắc giao thông, đóng góp cho sự hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đô thị. Nhưng tôi thấy tốn nhiều tiền mà chưa chắc đã hiệu quả. Câu hỏi đặt ra là chúng tôi đi tàu đường sắt trên cao rồi khi tới các nhà ga, chúng tôi đi bằng gì tới công sở, địa điểm muốn tới?”. Đó chính là câu hỏi mà bác Trương Quốc Hiến (74 tuổi) ở 133 Hào Nam, nơi tuyến đường sắt trên cao đi qua chia sẻ.
Bác Trương Quốc Hiến tỏ vẻ không hài lòng về dự án khi chia sẻ với phóng viên. |
Đồng quan điểm với bác Hiến, một số người dân cho biết, nếu không đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, thiết lập ngoại tuyến ngoài tuyến chính Cát Linh – Hà Đông thì tuyến đường sắt trên cao khó mà hoạt động hiệu quả được. Thực tiễn đã thấy, không phải các cơ quan tổ chức, trụ sở nào cũng nằm ngoài mặt đường chính để tiện đi giao thông, có rất nhiều trụ sở tận trong ngõ, hoặc cách xa nhà ga của tuyến đường sắt, vậy cần một lượng phương tiện để trung chuyển các hành khách này tới trụ sở, hoặc tuyến đường cố định nào đó để người dân chủ động hơn trong việc di chuyển bằng đường sắt trên cao. Nếu không làm được điều này thì đồng nghĩa với việc hiệu quả của đường sắt trong việc giảm ùn tắc là con số không.
Hơn nữa những nhà ga, trụ cầu của tuyến đường sắt trên cao được thiết kế khá to, cồng kềnh, vô hình dung đó cũng là một nguyên nhân tăng thêm tình trạng ùn tắc giao thông trong nội thành.
Bác Hiến cho biết thêm: “Nếu không làm được như vậy thì tình trạng ùn tắc không những giảm đi mà còn trầm trọng hơn, dự án này nếu không được đồng bộ hơn, khép kín hơn, thì sẽ rơi vào tình trạng kém hiệu quả.”.
Có thể thấy rằng, việc thắc mắc của người dân là vô cùng hợp lí. Bởi nếu các cơ quan ban nganh liên quan không sớm có phương án khắc phục thì câu hỏi đặt ra rằng, liệu dự án đường sắt trên cao tuyến Cát Linh – Hà Đông có thể hoạt động hiệu quả được tốt nhất hay không?! Đặc biệt đây lại là tuyến đường sắt nằm trong mạng lưới đường sắt đô thị, một trong những mạch máu góp phần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đô thị./.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu