Người dân đề nghị bảo tồn di tích
Dự án xây dựng đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (DA HTK) hiện đang ở giai đoạn thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) để triển khai khi đã được UBND TP.Hà Nội phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), giao BQLDA quận Đống Đa thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư.
Thế nhưng, theo phản ánh của người dân, để thực hiện dự án trên, theo quy hoạch chỉ giới đường đỏ xây dựng tuyến từ đường Thái Hà kéo dài đến Voi Phục tỷ lệ 1:500 do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập vào tháng 5/2003, được Sở Quy hoạch – Kiến trúc chấp thuận và được UBND TP.Hà Nội phê duyệt vào tháng 2/2004 thì phải thu hồi một phần đất thuộc khu Di tích Pháo Đài Láng. Ngày 18/1/1993, di tích này được Bộ VHTT&DL xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.
Theo bản thiết kế, dự án sẽ cắt qua ½ Di tích Pháo Đài láng, cắt gần như toàn bộ nhà trưng bày - là nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý như: Mô hình Hà Nội xưa, danh sách cán bộ, chiến sỹ Đại đội Pháo binh Thủ đô đã tham gia chiến đấu bảo vệ Hà Nội trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, bằng công nhận pháo đài là di tích lịch sử - văn hóa và nhiều kỷ vật, tranh ảnh, tư liệu lịch sử của quân và dân pháo đài. Đặc biệt, quả bom ba càng và năm đạn pháo cao xạ 75mm, một mã tấu là vũ khí tự vệ mà bộ đội pháo đài sử dụng trong những ngày toàn quốc kháng chiến.
Cho rằng bản quy hoạch thiết kế quá lâu và không còn phù hợp với tình hình thực tế, trong đơn gửi tới các cơ quan chức năng của Hà Nội, người dân sinh sống tại khu vực Pháo Đài Láng đề nghị xem xét điều chỉnh hướng tuyến của con đường sao cho hợp lý đi qua những phần đất trống để vừa có thể xây dựng được tuyến đường to đẹp hơn, nhưng vẫn bảo tồn được di tích lịch sử.
Chưa hỏi ý kiến Bộ VHTT&DL?
Theo hồ sơ đề nghị xếp hạng Di tích Pháo Đài Láng còn lưu ở Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL cho thấy, Di tích này bao gồm 2 khu vực: Khu vực I là bản thân di tích, đây là khu vực bất khả xâm phạm; khu vực II gồm các thửa đất từ khu vực I kéo ra mỗi phía 20m, bao quanh, tiếp giáp ngay với di tích, có quan hệ trực tiếp với yếu tố gốc, cần được bảo vệ không làm ảnh hưởng đến giá trị, vẻ đẹp của di tích. Trong khu vực II có thể được phép xây dựng những bia tượng đài hoặc những công trình văn hoá khác nhưng phải nhằm mục đích tôn tạo khu vực di tích.
Luật Di sản văn hóa 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2009, quy định khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích; khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I. Theo quy định của luật này, các khu vực bảo vệ phải được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định trên bản đồ địa chính, trong biên bản khoanh vùng bảo vệ của hồ sơ di tích và phải được cắm mốc giới trên thực địa.
Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL; không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích. Việc làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích được coi là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Theo hồ sơ DA HTK mà cơ quan chức năng đã công bố cho thấy, quá trình xây dựng, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường từ hàng loạt sở ngành không hề thấy đề cập đến sự tác động, ảnh hưởng của DA HTK đến Di tích Pháo Đài Láng. Vì thế người dân nghi ngờ DA HTK chưa được Bộ VHTT&DL cho ý kiến như quy định và chưa coi trọng việc bảo vệ di tích này.
Một số chuyên gia về lĩnh vực văn hóa cũng cho rằng, việc thực hiện DA HTK theo quy hoạch chỉ giới đường đỏ đã được phê duyệt có nguy cơ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện chính sách bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa. Vì thế, Hà Nội cần thận trọng trong thực hiện dự án này.