Luật quy định người lái xe phải hiểu luật giao thông, đủ sức khỏe... Tuy nhiên, một số người và cơ quan quản lý đã bất chấp trách nhiệm, phù phép mua bán giấy phép lái xe (GPLX) bằng nhiều thủ thuật, khiến việc thi bằng lái chỉ là cơ hội bán mua, chỉ cần tiền, không phải học hay thi.
Trong "vai" một người khách có nhu cầu làm giấy phép lái xe, chúng tôi tấp vào một trung tâm nhận hồ sơ làm GPLX trên Khu phố 3 (phường An Phú, Thuận An, Bình Dương). Gọi là trung tâm chứ thực chất chỉ là một căn phòng trọ rộng chưa đến 30m2.
Dễ dàng gặp những “trường” dạy lái xe như thế này tại Bình Dương |
900.000 đồng cho gói "chống trượt"
Vừa dừng xe, một phụ nữ, khoảng dưới 30 tuổi đon đả chào mời “Chắc em thi lấy bằng A1 đúng không? Chị nói thẳng cho em biết nhé. Ở chỗ chị có hai gói, gói tự học tự thi và gói bao trọn. Gói tự học tự thi giá 350 ngàn đồng, các em sẽ được bên chị lo đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, sách học… để các em ôn luyện và đi thi. Tuy nhiên với gói này, việc thi rớt hay đậu là hoàn toàn do các em, bên chị không có trách nhiệm. Còn gói bao trọn giá 900 ngàn đồng, các em không phải lo lắng. Dù các em làm bài có tệ như thế nào, bên chị cũng có thể giúp các em đạt 15/15 điểm”.
Thấy chúng tôi bán tín bán nghi, người phụ nữ “giảng giải” thêm: “Rất nhiều người làm công nhân, phải tăng ca không có thời gian học, họ chọn phương án bao trọn cho an toàn. Có hai phần thi là thi lý thuyết và thi thực hành. Phần thi lý thuyết phải học thuộc 120 câu. Khi thi chỉ có 15 câu. Em phải làm đúng 12/15 câu mới đủ điểm qua. Nếu em không qua thì đã có người sửa bài dùm em trên máy tính luôn.
Còn phần thi thực hành, em cũng chỉ đi cho lấy lệ thôi, chứ kết quả đã được sắp xếp đâu vào đấy cả rồi. Em yên tâm là hồ sơ của em đã được đánh dấu, nên không có chuyện nhầm đâu mà sợ. Nếu nhầm thì bên chị sẽ bỏ tiền ra cho em thi lại”.
Cũng theo lời người phụ nữ này thì người thi chỉ cần đưa trước 200 ngàn đồng làm hồ sơ và nộp lệ phí thi. Số tiền còn lại sẽ đưa nốt sau khi thi xong phần thi lý thuyết hoặc phần thi thực hành.
Trong 5 phút cuối cùng phần thi lý thuyết, giám khảo sẽ kiểm tra bài, sau đó sẽ gọi ra thi thực hành. Trong thời gian này, thí sinh sẽ đưa nốt số tiền cho người trong trung tâm đăng ký hồ sơ, không được đưa tiền trực tiếp cho giám khảo. Vì nếu nhận tiền trực tiếp mà để người khác phát hiện, giám khảo sẽ bị kỷ luật và cho thôi việc. Dù có hai mức giá khác nhau nhưng giấy tờ, hồ sơ, địa điểm thi, thời gian lấy bằng đều giống nhau hết.
Đa số những người chọn hình thức trọn gói là người tuổi đã cao, không thuộc lý thuyết hoặc mới biết đi xe, “tay lái” còn yếu.
Vào cơ sở có bảng hiệu tên D. tại ấp Đông Chiêu (xã Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An), chúng tôi gặp một người đàn ông tự xưng là giáo viên của một trường dạy lái xe bên Quận 12 (Tp. HCM).
Dường như để nâng cao “mác” giáo viên của mình, D nâng mức giá lên 400.000 đồng và 900.000 đồng. Tinh quái và đắt đỏ hơn, D. bắt thí sinh phải nộp trước cho mình một nửa số tiền, đến khi lấy GPLX mới nộp nốt số còn lại. Giả bộ chê đắt, chúng tôi đề nghị nếu giới thiệu thêm hai người làm hồ sơ thi thì được giảm bao nhiêu tiền, D. cho biết chỉ giảm được nhiều lắm là 20.000 đồng/bộ 400.000 đồng.
Không cần thi vẫn có GPLX
Ngoài hai mức giá trên, vẫn còn một mức giá thứ 3 “ác chiến” hơn cho “thí sinh” là... không đi thi mà vẫn có GPLX. Tuy nhiên, ngoài mức tiền cao hơn, điều kiện để lấy GPLX dạng này cũng khắt khe hơn.
Thời gian lấy từ 1,5 tháng đến hơn 2 năm, người đứng tên phải trên 25 tuổi, phải đưa chứng minh thư gốc cho người đi thi hộ. Khoảng 3 năm trước, loại hình này hoạt động khá nhộn nhịp, nhưng gần đây thì im ắng hơn do sự siết chặt quản lý của các cấp chính quyền.
Ông D. ỏng eo chảnh chọe một lúc lâu mới đồng ý nhờ người thi giúp với giá 1,8 triệu đồng. D. còn nói với vẻ ra ơn: “Anh sẽ nhờ bạn làm giúp em chứ anh không làm loại này. Anh không ăn chia hoa hồng gì ở đây, chỗ anh em thì anh giúp thôi. Anh sẽ cho em số điện thoại rồi em liên lạc với người ấy, anh không liên quan. Và người này cũng chỉ giao dịch với em qua điện thoại, không gặp mặt. Tiền thanh toán trước một nửa”.
Không chỉ với xe máy, mô tô, với bằng B, C dành cho người lái xe ô tô, cũng có những cung cách "bao trọn gói" như thế với khung giá cao hơn. Nhưng với bằng A có thể “qua mặt” cả phần thi lý thuyết và thực hành thì bằng B, C chỉ có thể qua được phần lý thuyết nhờ vào mẹo riêng của "cò".
Ở phần thi thực hành ô tô, do đối chiếu chứng minh thư gốc và siết chặt công tác quản lý nên tình trạng thi hộ, nâng điểm rất hiếm khi có thể xảy ra. Mức giá cho bằng ô tô dao động từ 6,5 – 7 triệu đồng (bằng B2) đến 10 triệu đồng (C).
Với mức giá này "cò" sẽ lo phần giấy tờ, hồ sơ, tiền “hối lộ” cho cán bộ chấm thi và tiền cho "cò" kèm cho chính thí sinh trong 2 giờ trước khi thi.
Nếu thí sinh muốn “ôn thực hành” từ trước đó mấy ngày, "cò" sẵn sàng bỏ thời gian đi dạy, nhưng ô tô phải do thí sinh bỏ tiền ra thuê. Nếu vẫn bị đánh rớt phần thực hành thì thí sinh phải bỏ tiền túi ra để thi lại, "cò" không chịu trách nhiệm.
Những cơ sở mà nhóm phóng viên có dịp tìm hiểu đều cho biết đã có thâm niên hoạt động trên dưới 10 năm. Một nam thanh niên vừa đăng ký dịch vụ của "cò" rụt rè tâm sự với chúng tôi: “Em chọn gói 900 ngàn cho chắc ăn. Vì thực hành thì không lo, chứ còn lý thuyết thì sợ không học thuộc được, đến lúc thi rớt lại mất công, mất tiền thi lại. Vì đã bao trọn gói nên lý thuyết em chẳng cần học làm gì cho mất công”.
Chiến Thắng