Đông Nam Á - Mặt trận thứ hai của IS?

Hình ảnh đăng trên mạng xã hội của Lữ đoàn Al-Khansa của IS
Hình ảnh đăng trên mạng xã hội của Lữ đoàn Al-Khansa của IS
(PLO) - Sự gia tăng liên kết giữa các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Philippines, Malaysia và Indonesia có thể dẫn đến hình thành một “Mặt trận Hồi giáo thống nhất” ở Đông Nam Á, điều khiến nhiều người lo ngại về cái gọi là “IS Đông tiến”. 

Tư lệnh quân đội Indonesia Gatot Nurmantyo ngày 13/6 tiết lộ, lực lượng chức năng nước này phát hiện mầm mống của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại hầu hết các tỉnh thành ở quốc gia châu Á này. 

Cảnh báo nguy cơ

Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Jakarta, ông Gatot Nurmantyo khẳng định các mầm mống IS ở Indonesia đều đang trong trạng thái "ngủ", song cũng cảnh báo chúng có thể thức tỉnh bất cứ thời điểm nào để hành động nhằm đạt được mục đích.

Tư lệnh quân đội Indonesia cảnh báo hiện nhiều nhóm vũ trang ở nước này đã phối hợp với các tay súng có quan hệ với IS đang âm mưu một số kế hoạch tấn công, do đó cần nâng cao cảnh giác. Ông cũng lưu ý tới khả năng những tay súng có quan hệ với IS hiện có mặt tại thành phố bất ổn Marawi, miền Nam Philippines sẽ đặt chân đến Indonesia và cấu kết với đồng đảng khủng bố tại đây. 

Trong khi đó, cũng trong ngày 13/6, người phát ngôn lực lượng cảnh sát quốc gia Indonesia xác nhận cảnh sát đã thu giữ được lô hàng gồm 500 thiết bị có chức năng kích nổ tại sân bay chính của tỉnh Nam Sulawesi.

Theo điều tra, lô hàng dự kiến được chuyển đến đảo Borneo. Hiện lực lượng chức năng Indonesia đang xác định mục đích của vụ vận chuyển này. Vụ việc trên diễn ra trong bối cảnh giới chức an ninh Indonesia đã nâng mức cảnh báo về nguy cơ xảy ra các vụ tấn công do phiến quân tiến hành, cụ thể là những đối tượng có liên quan đến IS.

Indonesia lần đầu tiên hứng chịu vụ tấn công do IS thực hiện vào năm 2016 tại thủ đô Jakarta, khiến 4 người thiệt mạng.

Bắt giam nữ công dân định gia nhập IS

Trong khi đó, Singapore cho biết nước này lần đầu tiên đã bắt giam một nữ công dân có tư tưởng cực đoan và việc bắt giữ này được thực hiện theo Luật An ninh nội địa (ISA) nước này. 

Syaikhah Izzah Zahrah Al Ansari vừa bị Singapore bắt giữ
Syaikhah Izzah Zahrah Al Ansari vừa bị Singapore bắt giữ

Ngày 12/6, Bộ Nội vụ Singapore (MHA) thông báo đã bắt giữ Syaikhah Izzah Zahrah Al Ansari, 22 tuổi, là trợ giáo trông trẻ tại hệ thống trường công lập PCF, Singapore. Theo điều tra của MHA, đối tượng này đã nhiễm tư tưởng cực đoan từ năm 2013 thông qua các bài viết tuyên truyền của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên Internet.

Năm 2014, Izzah viết và chia sẻ nhiều tài liệu ủng hộ IS trên Internet, đồng thời bày tỏ ý định gia nhập IS và tìm cách tới Syria. Năm 2015, nữ công dân này thậm chí còn tìm kiếm ý trung nhân là người ủng hộ IS hoặc một tay súng IS, tìm cách định cư tại Syria. Izzah cho biết sẵn sàng tham gia huấn luyện quân sự và chiến đấu cùng IS, nếu được yêu cầu.

Điều tra của MHA cho thấy cha mẹ của Izzah đã cố gắng căn ngăn các tư tưởng cực đoan của con gái mình song không thành công. Hồi tháng 4 vừa qua, Izzah không chỉ tiếp tục theo đuổi chủ nghĩa cực đoan mà còn khoe khoang rằng chính quyền Singapore không phát hiện ra hành vi cực đoan của mình. 

MHA khuyến cáo các thành viên gia đình và bạn bè của những người có tư tưởng cực đoan cần thông báo với nhà chức trách về bất kỳ biểu hiện cực đoan nào, hoặc những mưu toan khủng bố mà những kẻ cực đoan ấp ủ.

Đông Nam Á - Mặt trận thứ hai?

Trên mạng Thayer Consultancy, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia vừa có đánh giá về thực trạng chủ nghĩa khủng bố quốc tế hiện nay ở Đông Nam Á.

Theo đó, tôn giáo gây ra bạo lực chính trị - hay chủ nghĩa khủng bố - không phải là mới đối với khu vực Đông Nam Á. Không lâu sau khi Indonesia tuyên bố độc lập, các phần tử Hồi giáo cực đoan đã tìm cách thành lập một Nhà nước Hồi giáo hay còn gọi là Darul Islam và kích động một cuộc nổi dậy ở Java kéo dài tới vài năm mới chấm dứt.

Trong nhiều thập kỷ, cộng đồng Hồi giáo ở miền Nam Philippines - tổ chức Moros - đã tiến hành đấu tranh vũ trang để đòi tự trị nếu không được tách khỏi Philippines. Và các tỉnh có đông người Hồi giáo Malay ở miền Nam Thái Lan cũng gây ra các vụ bạo lực chống nhà nước Thái Lan trong những năm 1960. 

Các điểm nóng khủng bố ở Đông Nam Á được tái kích động bởi sự trở về của các chiến binh tham chiến ở Afghanistan, nơi chúng được tổ chức khủng bố al-Qaeda huấn luyện. Tổ chức Jemmah Islamiyah (JI) đã tìm cách thống nhất người Hồi giáo ở Malaysia, Singapore, miền Nam Philippines và thậm chí cả ở Australia.

Sự nổi lên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và việc tuyên bố lập một Vương quốc Hồi giáo (Caliphate) đã thu hút hàng trăm tình nguyện viên từ Đông Nam Á và Australia tới chiến đấu ở Syria và Iraq. Nhóm Abu Sayaaf và các tổ chức Hồi giáo cực đoan khác ở Philippines đã tuyên bố trung thành với IS.

Các quan chức an ninh tin rằng khi IS bị mất quyền kiểm soát lãnh thổ và suy yếu do thương vong lớn trên những chiến trường chính ở Trung Đông, thì các chiến binh Đông Nam Á sẽ trở về quê hương của mình, mang trong mình những kỹ năng chiến đấu và khả năng tổ chức để kích động lại các điểm nóng. 

Sự gia tăng liên kết giữa các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Philippines, Malaysia và Indonesia có thể dẫn đến hình thành một “Mặt trận Hồi giáo thống nhất” ở Đông Nam Á, điều khiến nhiều người lo ngại về cái gọi là “IS Đông tiến”.

Thực tế, từ những năm 1990, các chiến binh Hồi giáo được al-Qaeda huấn luyện trở về từ Afghanistan đã “thai nghén” một phong trào liên Đông Nam Á, trải dài từ Malaysia tới Indonesia và miền Nam Philippines. Mạng lưới JI sau đó phần lớn bị sụp đổ nhờ hoạt động chống khủng bố hiệu quả của các nước liên quan.

Hiện vẫn luôn có một mối liên kết giữa miền Nam Philippines với Đông Malaysia thông qua biển Sulu. Trong những tháng gần đây, các hoạt động khủng bố đã được khôi phục. Sự trở lại của các chiến binh từ Trung Đông thực sự gây quan ngại cho các quan chức an ninh bởi những phần tử này có kiến thức về chất nổ và có thể tiến hành các vụ tấn công cướp đi sinh mạng của nhiều dân thường vô tội.

Tuy nhiên, ở thời điểm này vẫn chưa thể nổi lên một mặt trận thống nhất mới. Các quốc gia ở Đông Nam Á nay đã có kinh nghiệm và kiến thức để đối phó với chủ nghĩa khủng bố trên cơ sở hợp tác toàn khu vực. 

Hiện không có tổ chức khủng bố nào được tổ chức theo mô hình quân đội lớn ở Malaysia hay Indonesia. Ở miền Nam Philippines có vài nhóm Hồi giáo vũ trang, song cũng chỉ được hình thành từ các phe phái khác nhau và khác cả về mục tiêu hoạt động.

Để đối phó, theo giáo sư Carl Thayer, các quốc gia Đông Nam Á cần ban hành hai loại chiến lược. Đầu tiên là phải có một luật phù hợp bởi việc thực thi luật để đối phó với bạo lực vũ trang giúp giảm thiểu thương vong cho dân thường. Chiến lược thứ hai là cần giải quyết những mối bất bình trong dân chúng mà các phần tử khủng bố đang nhấn mạnh đến để huy động sự ủng hộ cho các mục tiêu của chúng.

Điều này có nghĩa phải cải thiện sự quản trị, luật pháp, công bằng xã hội và sự không phân biệt đối xử. Sự khác nhau giữa cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông và Đông Nam Á là những kẻ khủng bố ở Trung Đông đã thành lập được cái gọi là Nhà nước Hồi giáo trên một diện tích lãnh thổ rộng lớn với dân số rất đông.

Còn ở Đông Nam Á, các nhóm này nhỏ hơn nhiều, hoạt động ở những vùng riêng lẻ và không kiểm soát được phần đông dân số.../.

IS kêu gọi tấn công một loạt  khu vực

Một đoạn tin nhắn bằng âm thanh được cho là của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã kêu gọi những kẻ đi theo tổ chức khủng bố này tiến hành các vụ tấn công ở Mỹ, châu Âu, Nga, Australia, Iraq, Syria, Iran và Philippines trong tháng lễ Ramadan. 

Đoạn tin này được đăng tải vào ngày 12/6 trên kênh của IS ở ứng dụng nhắn tin Telegram. Đoạn tin này được cho là cuả người phát ngôn chính thức của IS, tên Abi al-Hassan al-Muhajer. Đối tượng này nói: "Gửi tới các anh em đức tin và tín ngưỡng ở châu Âu, Mỹ, Nga, Australia và các nơi khác, những người anh em của các bạn tại nơi của các bạn đã làm tốt, bởi vậy hãy xem họ với vai trò kiểu mẫu và làm như những gì họ đã làm". Hiện tính xác thực của đoạn tinh này chưa thể được xác nhận, tuy nhiên giọng trong đoạn tin này giống với đoạn tin nhắn trước đó được cho là của al-Muhajer./.

Đọc thêm

Những lý do đằng sau việc Mỹ muốn đòi lại Kênh đào Panama?

Những lý do đằng sau việc Mỹ muốn đòi lại Kênh đào Panama?
(PLVN) - Tổng thống đắc cử Donald Trump mới đây đã tuyên bố sẽ mở rộng lãnh thổ và sự kiểm soát của quốc gia này, trong đó bao gồm việc sẽ giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama. Tầm ảnh hưởng của Kênh đào Panama lớn tới đâu và lý do của Mỹ khi bày tỏ mong muốn “đòi lại” con kênh đào này là gì?

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.