Những kết quả nổi bật
Trong thời gian qua, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã chú trọng, quan tâm thực hiện công tác củng cố, kiện toàn và xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và những người làm công tác PBGDPL ngày càng đông đảo về số lượng, nâng cao về chất lượng.
Đồng Nai là tỉnh công nghiệp có dân số gần 03 triệu người, tỷ lệ dân theo đạo chiếm hơn 65% và có hơn 01 triệu công nhân lao động. Vì vậy, đội ngũ làm công tác PBGDPL của tỉnh luôn được quan tâm, củng cố, kiện toàn, có 96 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; 236 báo cáo viên pháp luật cấp huyện; 1.728 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã; 70 cán bộ pháp chế các sở, ban, ngành, doanh nghiệp; 692 giáo viên giảng dạy giáo dục công dân tại các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở. Về chất lượng, đã đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định như: có phẩm chất đạo đức tốt, lập trường tư tưởng vững vàng, có uy tín trong công tác; có khả năng truyền đạt; có bằng tốt nghiệp đại học luật hoặc đại học chuyên ngành khác.
Đối với đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, toàn tỉnh có 1.070 tổ hòa giải với 6.018 hòa giải viên. Các tổ viên đa số đều là những người có kinh nghiệm trong công tác hòa giải ở cơ sở, hiểu biết pháp luật và có uy tín trong cộng đồng dân cư. Nhờ vậy, số vụ việc hòa giải thành tại các ấp, khu phố ngày càng tăng, tỷ lệ hòa giải thành luôn chiếm trên 75%.
Công tác bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật cũng như kỹ năng phổ biến, tuyên truyền pháp luật luôn được chú trọng thực hiện thông qua các hội nghị tập huấn các luật, văn bản quy phạm pháp luật; lồng ghép, phối hợp thực hiện các chương trình PBGDPL với các chương trình giáo dục chính trị. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp còn chủ động phối hợp các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh trong việc xây dựng, thực hiện chế độ đối với những người tham gia công tác PBGDPL đã trình UBND tỉnh thông qua HĐND tỉnh Đề án “Quy định về nội dung chi, mức chi có tính chất đặc thù thực hiện công tác PBGDPL và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân; công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”.
Một số kinh nghiệm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Qua thực tiễn hoạt động trong công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Sở Tư pháp nhận thấy, để nâng cao chất lượng này cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đơn vị trong việc triển khai thực hiện, để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chính quyền các tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò công tác PBGDPL trong đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện phải bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, đồng thời phải đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, cùng với đó đội ngũ thực hiện công tác PBGDPL cần được kiện toàn, thường xuyên tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ.
Liên quan đến hoạt động tuyên truyền PBGDPL, đối với kinh phí thực hiện cần huy động từ nhiều nguồn nhằm nâng cao quy mô và chất lượng của hoạt động PBGDPL. Việc xây dựng và phân bổ kinh phí phải kịp thời, công tác lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán phải được hướng dẫn cụ thể và thực hiện đúng quy định pháp luật.
Đặc biệt, để phát huy hiệu quả hoạt động tuyên truyền này cần phát huy tính năng động, sáng tạo của cơ sở, ở mỗi địa phương, có những đặc thù, điều kiện riêng. Chính từ cơ sở, đơn vị, mỗi một hình thức, cách làm riêng phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tế và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân sẽ đem lại hiệu quả thiết thực hơn.