Hiện nay, các tỉnh tham gia vào Liên minh kích cầu du lịch đang cho tạm dừng các hoạt động du lịch do các cơ sở du lịch đang tạm thời đóng cửa và không nhận khách tham quan.
Điển hình như Bình Định không cho khách đến Cù Lao Xanh; Phú Yên không đón khách tới gành Đá Đĩa, nhà thờ Mằng Lăng; Gia Lai dừng hoạt động tham quan thủy điện Ialy... Nhiều địa phương cũng lần lượt đóng cửa điểm đến như Quảng Ninh (Hạ Long, Cát Bà, Yên Tử...), Ninh Bình (Cố đô Hoa Lư, Vườn quốc gia Cúc Phương), Hà Nội (Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu – Quốc Tử Giám), Thanh Hóa, Quảng Nam (Hội An, Cù Lao Chàm), Quảng Ngãi (Lý Sơn), Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu (Côn Đảo), Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp...
Tại một số tỉnh, chính quyền kêu gọi cơ sở lưu trú không tiếp nhận du khách đến ở. Đồng thời, các địa điểm vui chơi, giải trí như rạp chiếu phim, karaoke, trung tâm vui chơi,…cũng đều tạm dừng hoạt động để đề phòng nguy cơ dịch SARS-CoV-2.
Bên cạnh đó, Hiệp hội du lịch các tỉnh cũng đã đề nghị Hiệp hội Du lịch Việt Nam tạm dừng đưa đón khách tham quan đến các địa điểm du lịch của tỉnh theo Chương trình kích cầu du lịch Việt Nam 2020. Nhiều tỉnh thành nằm trong Chương trình kích cầu du lịch cũng đã đề nghị tạm dừng đưa đón khách tham quan.
Cụ thể, Hiệp hội Du lịch tỉnh Đắk Lắk đề nghị tạm thời chưa thực hiện việc đưa các đoàn khách du lịch đến tỉnh Đắk Lắk bởi tỉnh đang trong đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19, hoạt động này sẽ thực hiện trở lại khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt.
Như vậy, cho đến nay, việc tạm dừng chương trình kích cầu du lịch và đóng cửa các địa điểm tham quan cho thấy thị trường du lịch Việt Nam đang trong trạng thái “đóng băng”.
Nhiều địa điểm du lịch dừng nhận khách nhằm tránh dịch |
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch TP HCM Nguyễn Thị Khánh cho biết, việc tạm dừng tour kích cầu nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách. Tuy nhiên, hiệp hội vẫn tiếp nhận các doanh nghiệp tham gia nhóm kích cầu và xây dựng sản phẩm, chương trình kích cầu sẽ khởi động trở lại khi dịch được kiểm soát.
Ông Nguyễn Công Hoan chia sẻ về phương án xử lý đối với khách đã mua tour: "Việc dừng chương trình liên minh kích cầu thì chúng tôi thống nhất được. Tuy nhiên, phương án hoàn tiền đối với khách đã mua tour phải họp bàn vì còn phụ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ, trên tinh thần hỗ trợ tối đa cho khách".
Như vậy, sau giai đoạn 1 chống dịch Covid-19, nhờ nỗ lực phục hồi du lịch và thực hiện Chương trình kích cầu du lịch Việt Nam 2020, thị trường du lịch đang có dấu hiệu “ấm trở lại”.
Tuy nhiên, chỉ khoảng hơn một tuần sau trường hợp “bệnh nhân số 17” được công bố, gần như mọi hoạt động du lịch đều trong trạng thái “đóng cửa” do lo sợ dịch bệnh. Các hoạt động đón khách trở lại theo chương trình kích cầu cũng “phá sản” bởi khách đồng loạt hủy tour, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.
Tình hình này có thể sẽ kéo dài đến hết tháng 3, hiệp hội du lịch các tỉnh cũng đang khẩn trương họp bàn đề ra những phương án cứu nguy cho du lịch, và chú trọng, nâng cao công tác phòng chống dịch SARS-CoV-2 trong hoạt động du lịch trong giai đoạn 2.