Đồn đoán về vụ ám sát tổng thống do dân bầu trẻ nhất nước Mỹ

Vợ chồng tổng thống Kennedy gần 1 phút trước khi ông Kennedy bị bắn.
Vợ chồng tổng thống Kennedy gần 1 phút trước khi ông Kennedy bị bắn.
(PLO) -Ngày 22/11/1963, khi mới tại nhiệm chưa được 1.000 ngày, tổng thống thứ 35 của nước Mỹ John F. Kennedy đã bị ám sát ở Dallas, Texas. Ông vừa là tổng thống dân bầu trẻ nhất của Mỹ đồng thời cũng là tổng thống qua đời khi còn ít tuổi nhất.

Cậu học sinh bình thường

John F. Kennedy sinh ngày 29/5/1917 ở Brookline, thuộc bang Massachusetts trong một gia đình có địa vị và rất giàu có ở địa phương. Những người bạn của gia đình Kennedy kể lại rằng trong khi những ông bố ở thời đó chẳng mấy quan tâm đến con cái thì ông Joseph và cả vợ là bà Rose Kennedy lại gần như dõi theo mọi hành động của con trẻ.

Đặc biệt, ông Joseph đặt rất nhiều kỳ vọng vào các con của mình, hướng các con đến việc cạnh tranh khốc liệt trong mọi vấn đề, khiến chúng nghĩ rằng chiến thắng là tất cả trong cuộc sống. Mỗi khi các con không giành được vị trí thứ nhất, ông lại không tiếc lời quở trách.

“Mãi đến khi 24 tuổi tôi mới biết được rằng tôi không cần phải chiến thắng trong một việc gì đó mỗi ngày” – người em gái Eunice của ông Kennedy về sau kể lại. 

Tuy nhiên, bất chấp việc bị cha rầy la thường xuyên, cậu bé Kennedy lại không mấy để tâm. Ở trường, cậu chỉ thực sự chăm chỉ học những môn mà cậu yêu thích như tiếng Anh và lịch sử, và lơ là những bộ môn còn lại. Kennedy cũng được nhiều bạn bè quý mến vì tính cách sôi nổi, tích cực tham gia các hoạt động thể thao dù thể chất tương đối yếu ớt, thường xuyên bị bệnh.

Tốt nghiệp trung học, năm 1936, Kennedy ghi danh vào trường Harvard – nơi người anh cả Joe cũng đang theo học. Cả Joe và Kennedy đều được cha đặt nhiều kỳ vọng nhưng Joe mới là người đã tuyên bố với tất cả mọi người từ khi còn nhỏ rằng cậu sẽ là người Công giáo đầu tiên trở thành tổng thống Mỹ.

Còn Kennedy tỏ ra ít tham vọng hơn. Ở trường đại học, cậu tích cực tham gia các nhóm sinh viên, chăm chỉ chơi thể thao và chỉ tập trung học các môn lịch sử và chính quyền dù thành tích học tập vẫn chỉ ở mức trung bình. 

Tổng thống do dân bầu trẻ nhất

Ít lâu sau khi tốt nghiệp trường Harvard, Kennedy gia nhập lực lượng hải quân và được giao chỉ tàu tuần tra PT-109 ở phía Nam Thái Bình Dương với nhiệm vụ ngăn tàu Nhật Bản tiếp tế cho binh sỹ của họ.

Đêm 2/8/1943, khi tàu PT-109 đang thi hành nhiệm vụ thì một tàu khu trục của Nhật đột ngột xuất hiện rồi lao với tốc độ tối đa, đâm thẳng vào thân tàu của nhóm ông Kennedy. Vận tốc lớn cộng với việc tàu của Nhật quá to đã khiến thủy thủ đoàn trên tàu của ông Kennedy không thể tránh kịp, con tàu vỡ làm đôi trước khi ngùn ngụt bốc cháy. 

Vụ việc đã khiến 2 binh sỹ trên tàu của Mỹ thiệt mạng. Ông Kennedy cũng bị quật ngã và bị thương ở lưng. Một thủy thủ tên Patrick McMahon thì bị bỏng nặng ở mặt và tay còn những người khác đã nhảy được xuống biển. Dù cũng bị thương nhưng Kennedy vẫn cố tìm cấp dưới của mình để rồi vừa cõng người này trên lưng vừa cố bơi đến mảnh vỡ của tàu đang trôi trên biển.

Khi mặt trời lên, Kennedy đã dẫn những binh sỹ khác tới một đảo nhỏ ở gần đó, bản thân ông dù cũng bị thương nhưng đã cố dùng răng ngoạm vào áo phao để kéo người đồng đội cũng bị thương của mình vào bờ.

6 ngày sau, nhóm người này được 2 người dân trên đảo phát hiện và giúp truyền tin cứu nạn. Một ngày sau, họ được cứu và đưa về bờ. Với sự việc này, ông đã được Hải quân Mỹ trao huân chương vì hành động đặc biệt dũng cảm của mình. 

Tuy nhiên, anh trai của ông lại không may mắn như vậy. Là một phi công, ông đã tử nạn khi chiếc máy bay của ông nổ tung vào tháng 8/1944, bỏ lại giấc mơ tổng thống còn dang dở của mình. Ít lâu sau đó, Kennedy cũng rời quân ngũ.

Sau cái chết của anh trai, ông đã có cuộc nói chuyện thẳng thắn với cha và được cha khuyên nên tranh cử vào Hạ viện bang Massachusetts trong năm 1946. Đây cũng là khởi đầu của sự nghiệp chính trị của ông.

Năm 1952, nhờ danh tiếng anh hùng chiến tranh cùng ảnh hưởng và khối tài sản lớn của gia đình, Kennedy được bầu làm Thượng nghị sỹ, đại diện cho đảng Dân chủ từ Boston. Ít lâu sau đó, ở tuổi 36, ông kết hôn với nữ phóng viên 24 tuổi của tờ Washington Times-Herald Jacqueline Bouvier.

Ông John F. Kennedy
Ông John F. Kennedy

Năm 1957, ông được trao giải Pulitzer ở hạng mục tiểu sử với cuốn sách Những chân dung về lòng dũng cảm viết về những chính trị gia đã mạo hiểm cả sự nghiệp để chiến đấu cho những lý tưởng của họ.

Với những nền tảng như vậy, sự nghiệp chính trị của ông Kennedy F. Kennedy lên như diều gặp gió. Năm 1960, ông được đảng Dân chủ đề cử làm ứng viên tổng thống và tại cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 8/11 cùng năm, ông đánh bại Phó Tổng thống của đảng Cộng hòa Richard M. Nixon với tỉ lệ sít sao.

Ở tuổi 43, ông trở thành tổng thống do dân bầu trẻ tuổi nhất và cũng là tổng thống Công giáo đầu tiên. Bài diễn văn nhậm chức của ông cho đến nay được nhắc đến nhiều với câu nói: “Đừng hỏi đất nước có thể làm gì cho bạn mà hãy hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước của mình?” 

Sau khi lên nhậm chức, thực hiện cam kết khi tranh cử, ông John F. Kennedy đã thực thi nhiều biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng như giảm thuế thu nhập, tăng lương tối thiểu, thực hiện nhiều chương trình xã hội mới để cải thiện giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Ông cũng rất tích cực trong các hoạt động đấu tranh vì quyền bình đẳng giữa các nhóm người trong xã hội, tăng cường vai trò của văn hóa và nghệ thuật trong xã hội. Tổng thống Kennedy cũng là người tích cực để đưa Mỹ trở thành nước tiên phong trong cuộc khám phá vũ trụ.

Trên lĩnh vực đối ngoại, ông chính là người khởi xướng thành lập Tổ chức Hòa bình hay Liên minh tiến bộ để thúc đẩy quan hệ kinh tế với khu vực Mỹ - Latin, đặc biệt là việc giải quyết cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba vào năm 1962. Ông cũng chính là người cho phép thực hiện âm mưu lật đổ nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro được biết đến với tên Sự kiện Vịnh con lợn nhưng không thành.

Vụ ám sát gây tranh cãi

Mùa thu năm 1963, dù chưa chính thức thông báo sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 2 nhưng ông John F. Kennedy và các cố vấn chính trị của ông đã rất tích cực chuẩn bị cho một chiến dịch vận động tranh cử mới. Ngày 21/11/1963, Tổng thống Kennedy bay tới Texas để có một số bài phát biểu chính trị quan trọng.

Khoảng 12h30 ngày 22/11/1963, khi chiếc xe chở ông Kennedy đang chậm rãi len giữa đám đông những người dân đang nhiệt tình vẫy chào ở Dallas thì những tiếng súng chói tai vang lên. Ông Kennedy bị thương nặng do trúng đạn vào cổ và đầu và được đưa tới bệnh viện gần nhất nhưng vẫn không qua khỏi.

Ông được tuyên bố tử vong vào lúc 13h00. Chỉ ít giờ sau vụ xả súng cảnh sát đã bắt giữ đối tượng Lee Harvey Oswald – một người làm công tại một trường học ở Texas và khởi tố ông ta về vụ giết người.

Song, đến ngày 24/11, khi Oswald đang được đưa từ trụ sở cảnh sát về nhà tù của hạt thì một người đàn ông khác đã xuất hiện, bắn chết Oswald, bịt miệng người duy nhất có thể cung cấp thêm thông tin về vụ ám sát tổng thống. Người giết Oswald là Jack Ruby – chủ một câu lạc bộ đêm.

Ngày 29/11/1963, Tổng thống Lyndon B. Johnson đã lập một ủy ban để điều tra về vụ ám sát tổng thống Kennedy, được gọi là Ủy ban Warren theo tên của Chủ tịch Ủy ban Earl Warren. Kể từ đó cho đến nay, đã có rất nhiều giả thuyết về vụ ám sát ông Kennedy được lưu truyền. Đa số các thuyết này cho rằng Oswald có đồng phạm.

Về thủ phạm, CIA, KGB, mafia cùng vô số nhân vật khác từng bị quy kết đứng sau vụ việc nhưng cho đến nay ghi chép chính thức cho rằng Oswald đã hành động một mình vẫn là giả thuyết được cho là hợp lý nhất.

Cái chết của ông John F. Kennedy được nhiều người đánh giá là một thảm kịch quốc gia không thể kể xiết và nhiều người hiện nay cho biết họ vẫn nhớ chính xác thời điểm họ nhận được thông tin về cái chết của ông.

Với nhiều người Mỹ, ông là một người anh hùng, một chính trị gia có tầm nhìn mà theo họ nếu ông không qua đời sớm thì có thể ông đã giải quyết được những bất ổn chính trị và xã hội của Mỹ cuối những năm 1960.

Trong các cuộc thăm dò dư luận, ông Kennedy liên tục xếp cùng với các ông Thomas Jefferson và Abraham Lincoln trong danh sách những tổng thống Mỹ được yêu thích nhất mọi thời đại.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.