Đến dự có Bà Lê Thị Ái Nam – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu; Ông Phạm Văn Thiều – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu; Ông Phan Thanh Duy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu…
Bà Lê Thị Ái Nam – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu và Ông Phạm Văn Thiều – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu trao cờ lưu niệm cho các đội tham gia Liên hoan Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Bạc Liêu. |
Phát biểu khai mạc, Bà Trần Thị Lan Phương - Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Đờn ca tài tử Nam bộ là kết quả hội tụ dòng chảy âm nhạc từ nhiều vùng, miền khác nhau của Nam bộ, được hình thành từ cuối thế kỷ 19 và đã nhanh chóng phát triển mạnh trong phong trào văn hoá, văn nghệ và đã thấm sâu vào lòng người hâm mộ khắp cả vùng đất Nam bộ trong nhiều thập kỷ qua.
Bạc Liêu là một trong những chiếc nôi của phong trào đờn ca tài tử Nam bộ. Ông Nhạc Khị là người đầu tiên thành lập Ban cổ nhạc ở Bạc Liêu. Nhạc Khị có một câu nói rất nổi tiếng mà nhiều thế hệ nghệ nhân đờn ca tài tử Nam bộ ngày nay vẫn thường nhắc đến “Chơi đờn ca tài tử là coi như ra trận; hễ ca sai lời, sai nhịp, sai giọng; đờn sai nhạc, sai nhịp là coi như không phải đờn ca tài tử”. Bạc Liêu rất tự hào về những thành tích của các nghệ nhân, nghệ sĩ cổ nhạc Bạc Liêu qua các thời kỳ như: Sáu Lầu, Mười Khói, Ba Chột, Tư Bình, Trịnh Thiên Tư, Mộng Vân, Năm Nhỏ, Lư Hòa Nghĩa,… và đặc biệt là bản Dạ cổ hoài lang. Chính bản Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã mở ra một trào lưu sáng tác mới, đồng thời đã bắt mạch, khơi nguồn thêm cho dòng chảy âm nhạc cổ truyền của dân tộc và năm nay tròn 100 năm ra đời của Bản nhạc lòng bất hủ này”.
Bà Trần Thị Lan Phương - Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu phát biểu khai mạc. |
“Mong muốn phát huy những tài năng nghệ thuật, tạo điều kiện để các CLB Đờn ca tài tử trong tỉnh có dịp giao lưu, cùng nhau học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động biểu diễn, nhằm nâng cao chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh” - Bà Trần Thị Lan Phương chia sẻ.
Ông Trương Quốc Lâm – Trưởng phòng Văn hoá huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, Trưởng đoàn CLB ĐCTT huyện Đông Hải, dự thi Liên hoan Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Đến Hội thi Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Bạc Liêu lần này, đơn vị đã đem đến những sáng tác lời mới với chủ đề “Đông Hải ngày ấy – bây giờ” mong muốn góp phần bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử nam bộ đã được USNESSCO công nhận, loại hình văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bên cạnh đó mong muốn bạn bè gần xa biết đến Đông Hải với một vùng đất giàu tiềm năng, có nghĩa có tình”.
Tiết mục dự thi của CLB ĐCTT huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. |
Tiết mục dự thi của CLB ĐCTT Sân khấu Dạ cổ hoài lang tỉnh Bạc Liêu. |
Liên hoan lần này, được diễn ra từ ngày 23/11 đến ngày 25/11/2022, tại Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sỹ Cao Văn Lầu (đường Ninh Bình, phường 2, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Với sự tham gia của 10 CLB Đờn ca tài tử thuộc 07 huyện, thị xã, thành và 2 câu lạc bộ thuộc đơn vị Ban Quản lý di tích tỉnh Bạc Liêu và Hội văn nghệ dân gian, 01 câu lạc bộ thuộc địa bàn dân cư Đồng Nọc Nạng thị xã Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu).
Đờn ca tài tử là tài sản tinh thần vô giá mà cha ông ta để lại. Trải qua hơn 100 năm ra đời và phát triển, đờn ca tài tử gắn bó máu thịt với đời sống người dân Nam Bộ. Các làn điệu phong phú như: ca ra bộ, vọng cổ, cải lương... phát triển trên nền nghệ thuật đờn ca tài tử làm phong phú thêm kho tàng âm nhạc dân gian nhưng đờn ca tài tử vẫn tuân thủ nghiêm và giữ gìn tinh tuý của 20 bài bản Tổ.
Cuối năm 2013, nghệ thuật đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, âm nhạc đờn ca tài tử trở thành tài sản không chỉ của người Việt Nam mà còn là di sản chung của nhân loại.