Lộc Thiện và Lộc Thành là 2 xã thuộc huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, nằm trong khu vực rừng phòng hộ do Ban quản lý rừng Tà Thiết quản lý. Cư dân 2 xã chủ yếu là người dân tộc Stieng, Khơme và số ít người Kinh sống trong các Sóc Bưởi, Sóc Ông Nẵng, Sóc Măng Cải…
Cuộc sống đổi thay, nhưng…
Theo nhiều người dân, 10 năm trước, khu vực này được xem là rừng phòng hộ, nhưng dần dân bị lâm tặc phá gần chỉ còn trơ trọi gốc và đất hoang hóa. Từ năm 2002, nhiều hộ gia đình trong 2 xã được phân đất theo chủ trương của huyện và tỉnh để khai hóa, canh tác cây lâm nghiệp như cao su, điều hoặc các cây mùa vụ như sắn, lúa, ngô… Những tưởng cuộc sống của người dân được thay đổi, bình yên và từng bước phát triển, nhưng chúng tôi vô cùng bất ngờ khi ghé thăm bà con nơi đây vào những ngày cuối năm này.
Chị Nguyễn Thị Quy (ấp Tà Tê, xã Lộc Thành) cho biết, đầu năm 2000, gia đình khai phá được 9,6 ha đất rừng cạn kiệt thuộc tiểu khu 208, Đồn Biên phòng Tà Pét và các cấp xã đều biết nhưng không có ý kiến nên gia đình vay mượn ngân hàng mấy trục triệu đồng để mua cây giống điều về trồng. Khi điều được 4 năm tuổi, đột nhiên bị chính quyền cưỡng chế phá bỏ hoàn toàn với lý do đất lấn chiếm?. Anh Nguyễn Văn Thủy (chồng chị Quy) tiếc của nên phản ứng thì bị “đưa” về trụ sở UBND xã xử lý. Đến giờ thì nợ nần chồng chất.
Gia đình anh Nguyễn Ngọc Bình tương tự. Năm 2005, vợ chồng anh Bình làm đơn gửi Ban quản lý rừng Tà Thiết và được cấp cho 2ha đất tại suối Lang để khai hoang, đắp bờ, khơi mương trồng lúa, nhưng bỗng nhiên Công ty Bình Long cho người vào cưỡng chế và nhổ bỏ hết lúa và hoa màu. Chị Thanh Trúc, vợ anh Bình vừa khóc vừa cho chúng tôi biết, gia đình đã vay mượn bạn bè, đầu tư hết vào số lúa và hoa màu với niềm hy vọng năm nay được đón tết no đủ, nhưng giờ thì tay trắng, hai đứa con còn đi học lấy gì để nuôi chúng?.
Mất đất nên cả gia đình ông Trà Minh Thanh phải đi làm thuê, ba con đang đi học, nhưng đứa lớn 15 tuổi phải nghỉ để làm thêm kiếm tiền. Trước đó, vì không biết chữ, gia đình phải nhờ ông Đỗ Thanh Sơn (Cán bộ chốt quản lý rừng Tà Thiết, chốt Tà Nốt) làm đơn xin đất trồng lúa và trồng rừng hộ. Năm 2005, gia đình trồng hơn 800 cây điều, song toàn bộ số điều trên cũng bị chặt bỏ. Mặc dù được giao 8 sào lúa nước, nhưng không có ăn nên đành bán hết. Giờ cả 5 miệng ăn nhà ông Thanh phải nhờ bà con hàng xóm.
Gia đình bà Thị Hưởn thì “cười ra nước mắt”. Nằm trong danh sách 82 hộ của xã được cấp đất năm 2004, gia đình bà Hưởn trồng hơn 800 cây cao su được 5 năm tuổi cũng bị cưỡng chế thu hồi đất. Sau đó làm đơn, gia đình được Ban quản lý rừng Tà Thiết và UBND xã Lộc Thiện cấp cho 1 ha, nhưng lại bị Chủ tịch Hội CCB và một cán bộ Phòng TBXH xã Lộc Thiện nhận là đất của họ?.
Trong những hộ bị cưỡng chế thu hồi, thảm hại nhất là hộ bà Nguyễn Thị Ngạn (ấp Vườn Bưởi, xã Lộc Thiện). Năm 2007 bà mua 3 mảnh đất của đồng bào dân tộc thiểu số, mua xong bà vay cả tỷ đồng đầu tư trồng cây cao su, nhưng cũng vô cớ bị cưỡng chế và tất cả cây cối đều bị cày xới, không thể thu hoạch. Số nợ ngày một tăng, khiến bà Ngạn suy sụp và đau ốm triền miên.
Người dân trông cậy vào ai?
Nhiều hộ gia đình ở ấp Măng Cải, xã Lộc Thiện như hộ gia đình Thị Đơm, Điểu Nia, Điểu Bè… nằm trong diện 82 hộ dân được Ban quản lý rừng Tà Thiết phân đất năm 2004, khoanh vùng để khai hoang trồng lúa. Nhưng họ vẫn bị chính quyền huyện cưỡng chế thu hồi đất, mà không cho người dân tận thu lúa và hoa màu.
Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, hầu hết người dân đều thiếu hiểu biết, cán bộ cấp xã cũng còn chưa thật sự sâu sát với dân nên việc phổ biến và định hướng cho những hộ dân phát triển kinh tế và khai hoang vỡ hóa chưa được chú ý. Phần ít con em các gia đình được đến trường, nhưng 11, 12 tuổi đã phải theo cha mẹ làm thuê, phá rẫy trồng ngô, tỉa bắp.
Điều đáng nói, người dân bị cưỡng chế phá bỏ hàng trăm cây cao su và điều, hàng chục ha mỳ đang vụ thu hoạch…, sau đó lại cho các công ty cao su có tiếng tăm, hoặc như các “đại gia đất phương Nam” vào canh tác.
Xin gửi những phản ánh, bất bình của người dân nơi đây đến các cấp chính quyền huyện Lộc Ninh và tỉnh Bình Phước để có hướng xử lý giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, đón cái tết no đủ.
Hoài Hoa