Những buổi chiều vàng…
Buổi chiều tại cơ sở cách ly tập trung tỉnh Quảng Trị thật thanh bình. Dưới những vòm cây xanh mát, những người cách ly thư thả đọc sách. Cầm cuốn “Đắc nhân tâm”, chị Vũ Thị Bình, 36 tuổi (Đông Hà, Quảng Trị) cho hay: “Từ nhỏ, gia đình khó khăn, tôi đã bươn chải từ sớm. Năm 18 tuổi, tôi cùng bạn bè sang Lào mở nhà hàng ăn uống. Gần 20 năm trôi nổi xứ người, đầu tắt mặt tối, nấu nướng, bưng bê, dọn dẹp, tôi chẳng bao giờ có thời gian dành riêng cho mình. Bố mẹ tôi ốm, tôi về Việt Nam thăm đúng mùa dịch nên tôi được cách ly tại đây. Quanh năm phục vụ cho người khác, nay được các chiến sĩ giúp mình cơm 3 bữa, tôi có thời gian nghỉ ngơi thực sự. Nói thật, từ bé tới lớn, tôi rất lười đọc sách. Vào đây, thấy có thư viện mi ni với gần 1000 đầu sách, báo, tôi mừng lắm. Sẵn có thời gian nghỉ ngơi, tôi đọc sách. Trong tuần qua, tôi đã đọc 5 cuốn sách. Nhưng cuốn tôi thích nhất là “Đắc nhân tâm”. Tôi hiểu ra nhiều điều về ý nghĩa cuộc sống trong cuốn sách này”.
Tại cơ sở cách ly tập trung tỉnh Quảng Trị, người đọc báo, người đọc sách say mê. Thỉnh thoảng, họ lại cùng trao đổi những cuốn sách hay, những mẩu chuyện vui mình đọc được. Tiếng cười nói rôm rả vang cả khoảng sân gió nhẹ. Cũng như chị Bình, anh Hoàng Anh Quân, 28 tuổi (Diễn Châu, Nghệ An) vì hoàn cảnh gia đình nghèo, anh lại đi làm sớm nên không có thói quen đọc sách. Quen làm việc luôn tay, luôn chân, hôm mới vào, anh Quân thấy buồn buồn, đi ra đi vào mãi vẫn chưa hết ngày. Hôm sau, thấy mọi người chăm chú đọc sách báo, anh cũng lấy cuốn sách trinh thám thử đọc. Càng đọc, anh càng say mê. Được trải nghiệm và cảm nhận văn hóa đọc sách, anh Quân thấy thú vị. Thời khóa biểu của anh chuyển đổi tích cực. Anh không còn ra vào ngóng trời đất nữa. Thay vào đó là, sau khi ăn sáng, anh Quân mượn sách ở thư viện đọc. Trưa nghỉ ngơi, chiều chạy quanh sân tăng cường sức khỏe, chiều muộn, anh lại thư thả đọc sách. Tối, anh và mọi người trong phòng cùng chia sẻ những cuốn sách hay mình đã đọc. Hơn 10 ngày trôi qua đầy bình yên, sống chậm đầy thú vị. Anh tìm thấy nhiều kiến thức hay bài học bổ ích trong những cuốn sách đó. “Sau khi hết thời gian cách ly tại đây, khi về nhà, nhất định tôi sẽ mua nhiều sách và dành thời gian để đọc sách. Tôi cũng sẽ hướng dẫn các con đọc sách để con có thói quen văn hóa đọc. Tôi cám ơn những chiến sĩ, những ngày tháng ở khu cách ly cho tôi có thể sống chậm, hiểu thêm được ý nghĩa cuộc sống và tạo thói quen đọc sách đầy tích cực”- anh Anh Quân hào hứng.
Những khu cách ly, những hình ảnh người cách ly đọc sách không phải là hiếm nhất là những nơi có du học sinh về. Họ có thể thiếu những đồ dùng cá nhân nhưng không thể thiếu sách. Thậm chí, họ còn gọi điện cho gia đình mang sách tới. Bạn Vũ Huy Hoàng, 17 tuổi (du học sinh Anh) chia sẻ: “Một ngày em không có sách là không sống nổi. Mới 2 ngày tại khu cách ly mà em đã ngốn hết 4 cuốn sách mang từ Anh về. Em vừa gọi điện cho mẹ em gửi thêm vài cuốn sách nữa. Ngoài ra, ở các phòng, các bạn du học sinh cũng có sách nên chúng em trao đổi sách của nhau để đọc. Dĩ nhiên, mỗi lần mượn sách là chúng em đều phải khử trùng và rửa tay sạch sẽ”.
Học nhiều điều giá trị
Sau khi tham gia Tuần lễ thời trang Milan (Ý) trở về nước, người mẫu Châu Bùi đã lập tức phải cách ly tập trung do trở về từ vùng có dịch. Người đẹp Châu Bùi là điển hình của những người cách ly chăm chỉ đọc sách trong khu cách ly (Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh). Châu Bùi đúc kết: “Ngày hôm qua đọc lại cuốn này lần thứ n... Mỗi lần đọc lại nghĩ về những gì đang trải qua để hiểu được lý do và trân trọng cuộc sống hiện tại. Sự quý giá không phải ta đọc được bao nhiêu cuốn sách mà là ta học được bao nhiêu điều… Nếu nhìn theo hướng tích cực, bạn có thể ngồi thiền, thư thả đọc sách, coi phim, ngắm hoàng hôn, gọi điện hỏi thăm gia đình như Châu. Mong mọi người có cái nhìn tích cực hơn về việc cách ly. Hãy khai báo y tế một cách trung thực. Một người vì mọi người. Cảm ơn mọi người đã giúp Châu đưa tin tức hữu ích, hãy bắt đầu bằng một nụ cười”...
Trở về từ Myanmar sau khi tham gia hai sự kiện, Nam vương thế giới Cao Xuân Tài và Á vương Người mẫu thể hình Tạ Công Phát cùng ê kíp đang trong thời gian cách ly tại Ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM. Trong những ngày ở đây, ngoài việc sống chậm lại thì anh cũng bắt đầu tập thể thao và đặc biệt đọc sách. Nam vương tâm sự thêm: “Ngoài ra Tài và bạn Tài ở trong khu cách ly còn tranh thủ được tập thể dục, thư thả đọc sách trong khoảng khuôn viên quy định vừa để nâng cao đề kháng và nâng cao sự hiểu biết. Nhìn người qua lại, vừa tận hưởng cái không khí “yên ả đến bất ngờ” dù đang ở trong khu cách ly. Tài thật sự thấy bất ngờ và vui mừng vì trong những lúc hoạn nạn như vậy thì mọi người càng biết thông cảm với nhau nhiều hơn.
Để đảm bảo đời sống văn hóa cho những người cách ly, ngoài chăm lo ăn uống, nghỉ ngơi, hiện nay, có rất nhiều khu cách ly đã trang bị nhiều thư viện mini cho những “cư dân” ở đây.
Đọc sách báo tại khu cách ly |
Ngày 22/3, ông Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: “Từ ngày 19/3 đến ngày 21/3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh Quảng Trị đã tiếp nhận 1.350 công dân từ Lào về Việt Nam qua 2 cửa khẩu quốc tế La Lay và Lao Bảo. Để phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho công dân, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị cũng đã tổ chức chỉ đạo các cơ quan, đơn vị ủng hộ nhiều sách báo, tạp chí, các loại vật chất, trang thiết bị giải trí khác, bố trí phòng đọc cho bà con trong thời gian cách ly. Đoàn cán bộ Tỉnh đoàn do đồng chí Trần Thị Thu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Quảng Trị làm trưởng đoàn cùng các thành viên trong đoàn đã đến trao tặng 850 đầu sách, báo, tạp chí cho Bộ CHQS tỉnh để phục vụ người dân đang được cách ly tập trung tại trụ sở Bộ CHQS tỉnh cũ.
Tại Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng- ông Huỳnh Đức Thơ vừa có văn bản chỉ đạo thực hiện việc thành lập các tủ sách mini để đưa đến các địa điểm cách ly tập trung cho người dân Việt Nam và nước ngoài đọc.
“Tại các địa điểm tập trung của người Việt Nam còn có không gian sân vườn thoáng mát, có thể đi dạo bộ, còn đối với người nước ngoài đang cách ly trong khách sạn, không gian bó hẹp trong căn phòng nên sẽ có phần bức bối, nhàm chán. Do vậy, chúng ta nên nghiên cứu, thực hiện việc thành lập các tủ sách mini để đưa đến các địa điểm tập trung”, ông Thơ chỉ đạo. Theo văn bản, ông Thơ yêu cầu, việc triển khai tủ sách phải bảo đảm các yêu cầu về y tế như lập đề mục các đầu sách đưa cho khách lựa chọn, sách phải bỏ vào các túi zip và sau khi sử dụng sẽ thực hiện các biện pháp khử trùng…
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng mong muốn các nhà sách trên địa bàn thành phố tham gia việc tặng sách tiếng Việt và sách ngoại văn đến các địa điểm cách ly tập trung để hỗ trợ đời sống tinh thần cho những người đang thực hiện việc cách ly.
Cùng với thư viện mini và đọc sách online, những “cư dân” thư giãn, vui tươi, thoải mái, không chút lo âu của các công dân tại khu cách ly. Họ luôn cập nhật tin tức, số liệu về dịch bệnh cho bạn bè cùng biết, cùng nhau chia sẻ kiến thức, cùng nhau bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, cùng vượt qua mùa dịch Covid-19.
Trong thời gian cách ly tại TP.HCM, Thùy Dung - một du học sinh trở về từ Hàn Quốc, luôn có những chia sẻ về cuộc sống trong khu cách ly, mang lại năng lượng tích cực đến mọi người. Sau khi kết thúc việc cách ly, cô viết: “Sống luôn biết ơn từ những điều nhỏ bé, tinh thần lạc quan, nếu có thể thì chia sẻ với mọi người xung quanh. Hãy sống kiên định như vậy dù có dịch hay là không có dịch, lan tỏa sự tích cực đi khắp mọi nơi thì lúc nào bạn cũng sẽ thấy yêu đời và hạnh phúc”.
…Thư viện mi ni, đọc sách mỗi ngày đã biến những ngày cách ly thành những ngày sống chậm đầy sắc màu…