VFF quá hiểu rõ người hâm mộ đang háo hức trận đấu bán kết lượt về giữa Việt Nam – Philippines và tấm vé đến tay người hâm mộ là điều hàng triệu người mơ ước. VFF cũng quá hiểu đây là cơ hội lớn để “phân chia vé theo cách của họ”. Quan hệ ngoại giao, đối tác, công văn, biếu tặng,…thứ còn lại số ít là cho cổ động viên. Những người yêu đội tuyển Việt Nam trung thành nhất.
Sẽ có khoảng 25 ngàn vé được bán online trong khoảng 40 ngàn vé, đó là thông tin từ VFF, nhưng con số 25 ngàn vé được bán đúng như thông báo hay không thì không ai biết, chỉ biết rằng thời điểm 10h10 sáng 28/11, tất cả các mệnh giá vé đều được hệ thống bán vé của VFF thông báo đã hết vé hoặc đang chờ thanh toán.
Đó là điều khiến người ta có quyền nghi ngờ VFF đã găm vé bán ra bằng con đường “chợ đen”, và đã có thế lực rất mạnh khống chế việc bán vé online. Chỉ mang ra vài ngàn vé 'nhử' người hâm mộ và sau đó thông báo sập mạng.
Sau khi cộng đồng lên tiếng dữ dội và cho rằng VFF đã mập mờ trong chuyện bán vé online, thì VFF đã lên tiếng chống chế một cách thô vụng.
Thông tin từ VFF cho biết: “trong buổi sáng đã có gần 5.000 vé được đặt mua thành công. BTC khẳng định vé bán online vẫn còn và sẽ bán cho đến khi hết vé. Trong quá trình khách hàng đặt mua, do lượng truy cập cùng lúc rất lớn nên chỉ có một số lượng nhất định có thể cùng lúc tiến hành các bước thanh toán. Những khách hàng vượt quá ngưỡng của cổng tiếp nhận thanh toán sẽ tiếp tục chờ và cập nhật để có thể vào giao dịch."
Thực tế khi hệ thống mở bán thì lượng người truy cập lên tới gần 100 nghìn người truy cập, BTC đã triển khai ngay phương án bổ sung và hệ thống đã hoạt động ổn định. BTC khẳng định hệ thống chỉ bị tắc nghẽn và gián đoạn tạm thời, không có tình trạng sập.
VFF cũng cho biết là: “đến 17 giờ chiều nay (28/11/2018), BTC cho biết 85% số vé bán online đã được giao dịch thành công qua thanh toán chuyển khoản; đang có hơn 500 lệnh chờ thanh toán giao dịch”.
5 phút sau khi giao dịch thông báo hết vé, nhưng bây giờ VFF lại thông tin lại như trên thì cộng đồng không thể không nghi ngờ số lượng vé được bán ra là bao nhiêu, bao nhiêu đang được phân chia theo kiểu “sân sau”?
Cách bán vé mà bấy lâu VFF đang làm là bán vé theo đường công văn nên dẹp bỏ. Vì sao? Vì đó là cách bán vé lạc lậu, thiếu minh bạch, công bằng.
Sự hâm mộ bóng đá là bình đẳng, nên cách bán vé theo đường công văn sẽ tạo nên cách bất bình đẳng. Đó là kiểu ai có quan hệ tốt với VFF thì sẽ được phân phối vé nhiều hơn người không quan hệ và VFF có quyền “sinh sát” trong chuyện “xin cho” này.
Ví như một cơ quan không có quan hệ gì với VFF thì chuyện gửi công văn đến mua vé coi như không bao giờ có hồi âm, nhưng một doanh nghiệp, cơ quan có tiếng nói, quan hệ mật thiết có công văn đến thì chuyện vé đến tay như “lấy đồ vật trong túi”.
Đây là cơ chế cần dẹp bỏ khi mà Chính phủ đang xây dựng nền kinh tế 4.0, thì VFF vẫn đi theo con đường cũ và “độc tài” trong cách phân phối nhỏ giọt.
Một trang bán hàng trên mạng mà vài trăm ngàn người mua hay cả triệu người truy cập mà nghẽn mạch là chuyện “ba láp”. Chuyện ở đây là VFF biết chuyện đó và để thí vậy, chỉ vài ngàn vé bán ra cho gọi là có bán vé online.
Ai kiện, ai dám sát chuyện bán vé, bao nhiêu vé được bán bằng đường online, công văn, bán theo kiểu truyền thống..? Chả ai biết hay yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ. Một trận bóng thắng hay thua rồi cũng qua, và khi cảm xúc giận dữ hay vui sướng sẽ hết thì chả ai quan tâm chuyện bán vé của VFF nữa.
Đó là tâm lý mà lãnh đạo VFF cần để họ coi những trận đấu đỉnh cao, sống còn của bóng đá Việt Nam là cơ hội để đầu cơ vé.
Nếu trang web bán vé online yếu, VFF cần nâng cấp và giao hẳn chuyện bán vé cho một công ty độc lập, tuyên bố dẹp bỏ cách bán vé theo đường công văn. Tất cả vé sẽ bán trên mạng và theo cách truyền thống là xếp hàng ở sân vận động. Số lượng vé bán ra phải công khai, đã bán được bao nhiêu, còn lại bao nhiêu phải có trên sơ đồ.
Nếu VFF vẫn đi theo con đường cũ thì công chúng hâm mộ sẽ tiếp tục đau khổ trong chuyện săn vé, còn VFF sẽ vẫn vui và an toàn vì họ cho rằng đã “hoàn thành nhiệm vụ” với người hâm mộ./.