Dù là cộng đồng đông người hay rất ít người, bà con các dân tộc thiểu số Việt Nam đều có những ngày Tết để nhớ về tổ tiên, về trời, đất, thần rừng, đồng thời cầu mong năm mới được ấm no, hạnh phúc, mùa màng tốt tươi... Tuy nhiên, mỗi dân tộc lại có những tục lệ riêng, thể hiện bản sắc độc đáo của dân tộc mình.
Tết hoa mào gà của người dân tộc Cống
Hàng năm, cứ vào dịp cuối tháng 11, đầu tháng 12 dương lịch, cộng đồng dân tộc Cống ở tỉnh Điện Biên lại tổ chức Tết Hoa mào gà (Mền loóng phạt ái). Theo quan niệm của người Cống, hoa mào gà là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp. Loại hoa này được coi là cây cầu nối hai thế giới âm-dương.
Sáng sớm ngày diễn ra lễ chủ mỗi gia đình lên nương lúa hái hoa mào gà gieo quanh nương mang đến nhà thầy cúng và cùng nhau trang trí hoa từ gốc tới ngọn trên một cây tre ngọn cao tới sát nóc còn nguyên cành dựng giữa nhà .
Địa điểm diễn ra lễ cúng của Tết Hoa mào gà là tại nhà già làng (kiêm thầy cúng). Ngày diễn ra lễ cúng của Tết hoa, già làng, phát lệnh cấm bản, nếu ai làm trái lệ làng người Cống quan niệm sẽ bị ốm đau và gặp nhiều điều không may mắn.
Sau khi các nghi lễ của Tết Hoa mào gà kết thúc, thầy cúng lần lượt đi cúng cho từng nhà (mỗi gia đình kết sẵn một vòng hoa mào gà nhỏ đặt vừa đầu người treo trên một chiếc sào gác ngang xà gian chính giữa nhà).
Kết thúc phần lễ, phần hội diễn ra trong không khí tưng bừng, náo nhiệt cả bản, cả mường cùng hân hoan trong điệu xòe, họ cùng hát những làn điệu dân ca truyền trống. Họ cùng nhảy múa, hát ca và ném những hạt giống thóc, ngô ra khắp không gian xung quanh với mong ước bản mường bước sang một năm mới vạn vật sẽ sinh sôi nảy nở như những trận mưa hạt giống này.
Tết mừng cơm mới của người dân tộc Si la
Phụ nữ dân tộc Sila chuẩn bị gạo để nấu cơm mới |
Thời điểm vụ lúa đầu, người Si La sẽ lấy những hạt lúa chín đầu tiên của vụ mùa về cúng tổ tiên trước khi thu hoạch. Nghi lễ diễn ra tại gia đình trưởng họ của mỗi dòng họ. Lễ cúng thường được làm vào buổi chiều, bởi theo quan niệm của người Si La khi mặt trời lặn ông bà mới có thể về bên con cháu.
Lễ vật là những đồ ăn thức uống quen thuộc trong đời sống hàng ngày, được bà con chuẩn bị từ nhiều ngày trước đó. Trong đó, cơm nấu bằng gạo mới gói cẩn thận trong lá chuối, một nắm bông lúa cùng với 1 con sóc, 1 con cua, 1 con cá đã được chế biến, gói vào lá chuối, hấp chín bày lên mâm cúng.
Đối với các đồ cúng chính như: Thịt sóc phải được những người đàn ông trong gia đình chuẩn bị từ 3 tháng trước đem về sấy khô để dành đến ngày làm lễ; cua, cá được phụ nữ ra suối bắt từ hôm trước, họ chọn những con cua to, béo để chế biến lễ vật.
Đồ cúng phải đủ thực phẩm từ sông suối và trên nương, và đặc biệt không thể thiếu cơm được nấu bằng cơm mới. Khi mặt trời lặn, gia chủ tiến hành làm lễ cùng mời ông, bà, tổ tiên về ăn cơm mới. Đối với lễ chung của bản, thì cần có 1 thầy mo phụ, còn tại gia đình trưởng họ, phải có con trai để rót rượu mời ông bà, tổ tiên.
Tết nhảy của người Dao
Ở khắp các bản làng người Dao trên miền núi Tây Bắc, nhiều nơi ăn Tết từ tháng chạp. Người ta tổ chức nhảy múa trong tiếng trống, để tỏ lòng biết ơn trời đất, tổ tiên và cầu mong một năm mới mùa màng tốt tươi, thóc lúa đầy sân, trâu, lợn đầy đàn.
Người Dao nhảy múa vui vẻ trong Tết nhảy |
Chính vì thế mà những ngày đầu năm, họ không làm việc mà chỉ vui chơi, thăm hỏi và chúc tụng nhau. Tuy nhiên cũng tùy vào từng điều kiện của mỗi nơi, mỗi gia đình mà người ta mới tổ chức Tết nhảy. Có gia đình vài năm mới tổ chức. Thường Tết nhảy sẽ được tổ chức ở "Nhà cái" (con trưởng, trưởng họ). Việc ăn uống ngày Tết không phải quá câu nệ, mâm cỗ gồm thịt và rượu để dâng lên cúng tổ tiên. Sau đó, mọi người trong bản sẽ được thết đãi cơm.
Phần quan trọng nhất của ngày Tết là nhảy múa để tri ân. Mọi người cùng nhảy múa theo tiếng trống, tiếng kèn, tiếng chuông rộn rã. Trước tiên là các điệu múa đưa đường, bắc cầu để đón thần linh, tổ tiên về ăn Tết. Điệu chào bố mẹ, tổ tiên thì nhảy múa một chân, đầu cúi, ngón tay trỏ giơ cao. Điệu mời tiên nương giáng trần được mô phỏng theo điệu cò bay, hai tay dang ngang vẫy vẫy nhịp nhàng...
Lễ nhảy múa thường diễn ra trong vòng 3 ngày, mọi người thay phiên nhau để nhảy múa. Có người nhảy cả trăm lượt trong tiếng reo rộn rã của mọi người. Sau khi kết thúc Tết nhảy, mọi người sẽ tụ tập lại sau tiếng tù và, cùng nhau ăn uống.