Được biết, mối liên kết giữa món Tteokguk và ngày Seollal (ngày đầu năm mới) lần đầu tiên được ghi lại vào giữa những năm 1800 trong một cuốn sách về phong tục Hàn Quốc gọi là Dongguk Sesigi. Nhưng theo tiến sĩ Yoon, món canh truyền thống này có lẽ còn lâu hơn nhiều so với những điều nói trong cuốn Dongsuk Sesigi, bởi chỉ bánh gạo không thôi đã là một món ăn chính của ẩm thực Hàn Quốc trong hơn 2.000 năm qua.
Ăn canh tính tuổi
“Tất cả các món ăn truyền thống của Hàn Quốc đều mang ý nghĩa tượng trưng”, Tiến sĩ Sook-ja Yoon, người sáng lập và giám đốc của Viện Bảo tàng Tteokguk, tác giả của hàng chục sách nấu ăn về ẩm thực hoàng gia và truyền thống Hàn Quốc có bằng tiến sĩ về lương thực và dinh dưỡng, vừa nói vừa thái thoăn thoắt bánh gạo thành các lát tròn và trải chúng ra bàn nhanh như một nhà trình diễn ảo thuật.
“Món Tteokguk này tượng trưng theo ba nghĩa. Dải bột gạo dài tượng trưng cho tuổi thọ. Các lát có hình tiền xu tượng trưng cho sự giàu có. Màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết và sự khởi đầu trong sạch của năm mới”.
Hình ảnh món canh Tteokguk |
Thời xưa, Hàn Quốc còn khá nghèo và gạo hay thịt bò đều là thực phẩm quan trọng nhất và rất hiếm hoi vào thời điểm đó. Chính vì vậy, người Hàn chỉ ăn bánh gạo vào những dịp đặc biệt như sinh nhật hay ngày lễ Tết. Điều này khiến cho canh tteokguk trở thành niềm vui lớn trong những ngày lễ với hy vọng hình dáng hài hòa và màu sắc trang nhã của món ăn này sẽ mang lại may mắn, sức khỏe trong năm mới cho các thành viên trong gia đình.
Thứ hai, người Hàn ăn canh tteokguk trong năm mới để mừng bản thân đã trưởng thành thêm 1 tuổi. Ở Hàn Quốc, một đứa trẻ khi sinh ra sẽ được tính là tròn 1 tuổi (do tính cả thời gian bé nằm trong bụng mẹ) và đứa bé sẽ được tính thêm 1 tuổi mỗi khi năm mới bắt đầu.
Chính do cách tính đặc biệt này, người Hàn ăn canh tteokguk như một cách thú vị để tính tuổi. Họ quan niệm nếu bạn không ăn canh tteokguk trong ngày đầu năm mới, có nghĩa là bạn đã không trưởng thành thêm trong năm qua. “Vai trò của súp trong lễ mừng năm mới không chỉ là điềm may mắn. Vào dịp Seollal chúng tôi ăn một bát tteokguk để ghi nhận mình đã thêm một tuổi mới”, Tiến sĩ Yoon giải thích.
Công thức đơn giản
Nguyên liệu cho món canh gồm: 1,9 lít nước; 300g thịt ức hoặc đùi bò; 1 hành củ (bỏ lá đi) + ¼ thìa muối tinh; 2 nhánh tỏi, bóc vỏ + ¼ thìa muối tinh; ½ thìa nước tương, chia; một nhúm tiêu đen; lát bánh gạo garaetteok, 600g; 1 hành lá xanh thái lát; 1 ½ thìa muối.
Lau sạch nước đỏ của thịt bò bằng vải. Cắt và rửa sạch các loại rau gia vị. Tiếp theo cho thịt bò và nước vào nồi, đun sôi ở lửa to khoảng 11 phút thì giảm xuống lửa vừa, đun trong 30 phút. Sau đó, cho rau gia vị vào, đun thêm khoảng 30 phút nữa. Vớt thịt bò ra, xé thành miếng dài 5cm, rộng và dày khoảng 0,5cm rồi ướp gia vị (160g).
Phần nước luộc sau khi nguội thì lọc qua vải, lấy làm nước canh (1,6kg). Tiếp tục cắt vát bánh gạo trắng thành miếng dài 4cm, dày khoảng 0,2cm. Hành rửa sạch và cắt vát thành miếng dài 2cm, dày khoảng 0,2cm. Tách lòng trắng và lòng đỏ trứng, thái thành hình tứ giác dài khoảng 2cm. Ớt đỏ thái chỉ dài khoảng 2cm.
Đổ nước canh vào nồi, đun sôi ở lửa to trong 8 phút rồi thả bánh gạo trắng vào đun khoảng 3 phút cho đến khi bánh gạo nổi lên. Khi bánh gạo chín và nổi lên thì cho hành, nêm nếm gia vị với nước tương và muối rồi đun thêm 2 phút nữa. Múc canh ra bát, bày thịt bò (80g), lòng trắng và lòng đỏ trứng, ớt thái nhỏ lên trên cho đẹp mắt.
Canh phải ăn khi còn nóng, có thể ăn cùng kim chi và các món ăn phụ khác. Đặc biệt phải ăn hết khẩu phần của mình và không được phép để thừa thì mới được tính là “sang tuổi mới”.
“Quá trình làm tteokguk rất đơn giản”, tiến sỹ Yoon nói, chỉ tay vào danh sách thưa thớt của các thành phần chế biến. “Cái khó nhất là làm bánh gạo”. Tất cả các thành viên trong gia đình đều sẽ tham gia vào công việc chuẩn bị và chế biến canh tteokguk. Để làm phần bánh gạo, người Hàn sẽ đem xay gạo trắng, cho qua rây, nhào, hấp.
Sau đó đàn ông và phụ nữ thay nhau cầm chày đá hoặc gỗ giã bột gạo nếp và tra nước để bột nhào được đều và nhuyễn. Truyền thống lao động của người Hàn Quốc là cùng nhau chia sẻ công việc, sau đó cùng nhau hưởng thụ thành quả làm ra. Do vậy, món tteok rất đặc biệt và có thể nói là một món ăn mà người Hàn Quốc lấy làm tự hào.
Ở mỗi khu vực của đất nước lại có kiểu làm riêng món tteokguk với các thành phần chế biến địa phương, ví như kiểu súp gà của tỉnh Jeolla ở phía Tây Nam Hàn Quốc hay kiểu rong biển của đảo Jeju ngoài khơi phía nam của đất nước này. Một số vùng Bắc Triều Tiên lại thêm vằn thắn vào tteokguk. Còn công thức nấu ăn của bà Yoon được làm bằng nước luộc thịt bò là phương pháp truyền thống ở Seoul. Nhưng cho dù có nhiều khẩu vị khác nhau, tất cả các kiểu làm tteokguk đều có cùng một biểu tượng.
Mang ý nghĩa đặc biệt
Được biết, bánh gạo được dùng để nấu canh là loại bánh gạo dạng thỏi, được thái vát chéo. Người Hàn hy vọng nặn bánh thành từng dải dài tượng trưng cho công việc được thuận lợi, làm ăn phát đạt. Trong khi đó, hình bầu dục của các miếng bánh thái lát lại tượng trưng cho hình tròn của đồng tiền xu, mang ý nghĩa phát lộc cả năm.
Vì miếng Tteokguk thường rất dài và có màu trắng, nước xương bò hầm cũng có màu trắng và vị rất thanh nên món ăn này tượng trưng cho sự thanh khiết với ý nghĩa giúp thanh lọc cơ thể và tâm hồn con người.
Ngoài ra, canh Tteokguk cũng đồng thời mang ý nghĩa cầu mong cho sự tái sinh và dư dôi của cải. Nhà sử học Choi Nam Seon (1890-1957) đã viết trong cuốn “Joseon Sangsik Mundap”, ghi chép lại các tập tục, văn hoá truyền thống và lịch sử của Hàn Quốc rằng, “Canh bánh gạo Tteokguk bắt nguồn từ món ăn dùng để cúng bái tổ tiên từ thời xa xưa.
Trong món ăn có ẩn chứa ý nghĩa tôn giáo rằng món ăn màu trắng bắt đầu năm mới tượng trưng cho sự tái sinh của vạn vật trên thế gian”. Theo cuốn sách, bánh gạo tteokguk trắng là sự khởi đầu mới, là những điều mới mẻ. Vì vậy, ăn món canh bánh gạo Tteokguk có ý nghĩa rằng bạn sẽ bắt đầu năm mới với một tinh thần trong trẻo, thuần khiết.
Người Hàn Quốc có xu hướng quý trọng quá khứ mặc dù họ hướng tới tương lai. Nhiều gia đình làm lễ tưởng niệm (charae sang) trong ngày Seollal của họ. Canh bánh gạo được dâng cúng tổ tiên để xin lời chỉ bảo và phù hộ cho năm tới. Sau khi được tổ tiên chia sẻ thức ăn, các thành viên trong gia đình ăn canh tteokguk, chia tay năm cũ và chào đón năm mới.
“Hàn Quốc nổi tiếng về văn hóa cộng đồng. Người Hàn Quốc hiếm khi dùng từ ‘tôi’, mà thích ‘chúng tôi’ hoặc ‘của chúng tôi’. Các món ăn trong bữa là cùng thưởng thức chia sẻ giữa các bạn bè. Thậm chí uống rượu là một việc chung, người Hàn Quốc không tự rót cho mình và rót cho cho người bên cạnh, và biết rằng thiện ý sẽ được đáp lại”,
Bà Yoon nói, “Cùng ngồi bên nhau ở một cái bàn tròn. Hơi súp bốc lên trong không khí lạnh của những ngày đầu năm mới. Mọi người vừa ăn canh tteokguk vừa nói cười tạo nên không khí thật sự đầm ấm và vui vẻ”.