Độc đáo phiên chợ 'chung tình' trong bóng đêm

Chợ nón lá Gò Găng trong bóng đêm (ảnh tư liệu)
Chợ nón lá Gò Găng trong bóng đêm (ảnh tư liệu)
(PLO) - “Nón lá Gò Găng đã trở thành vật dụng thân thiết cho người lao động một nắng hai sương, cho các cô, các chị đi chợ, đi chùa. Hình ảnh những cô gái, các bà, các chị miệt mài với từng mũi kim mũi chỉ, bàn tay mềm mại vuốt từng thếp lá nên thành thơ ca: Gò Găng có nón chung tình/ Ở đây có thiếp một dạ với mình mình ơi!”, ông Trần Hữu Lĩnh - cán bộ Phòng Kinh tế thị xã An Nhơn (Bình Định) cho biết.

Ðộc đáo nón lá Gò Găng

Theo ông Lĩnh, gọi là nón lá Gò Găng, bởi nón được bán sỉ ở chợ nón Gò Găng của phường Nhơn Thành (thị xã An Nhơn); còn nghề làm nón truyền thống thì trải khắp các địa bàn, nhiều nhất là phường Nhơn Thành (với hơn 1.000 hộ gắn bó với nghề) và xã Nhơn Mỹ. 

Một thời sản phẩm nón lá Gò Găng tiêu thụ rất tốt, nên mới có chuyện chiều dài xe tải ở An Nhơn được “độ” theo cây nón. Bây giờ, nón làm ra đến đâu cũng được tiêu thụ đến đó, người dân từ đó cũng ăn nên làm ra.

“Từ trước đến nay, người dân làng nghề vẫn coi nghề làm nón là nghề phụ, không đáng kể. Nhưng trên thực tế thì ngược lại, nghề này rất hợp với chị em phụ nữ ở nông thôn trong lúc nông nhàn vì công việc nhanh có tiền lại không nhiều vốn”, ông Lĩnh cho hay.

Người dân khu vực Vạn Thuận chằm nón lá.
Người dân khu vực Vạn Thuận chằm nón lá.

61 tuổi, bà Mai Thị Thu (ngụ khu vực Vạn Thuận, phường Nhơn Thành) vẫn thoăn thoắt đưa đường kim chằm nón. Bà bảo nghề làm nón có từ lâu lắm rồi, hồi mẹ của bà đã biết làm ra chiếc nón. Một ngày, mỗi người làm khoảng 8 đến 9 chiếc nón, trừ hết tiền vốn còn được 50.000 đồng. 

“Nghề này ai làm cũng được hết, từ người già đến trẻ nhỏ. Nhưng nói vậy, chứ không phải ai cũng có thể làm ra một chiếc nón hoàn thiện”, bà Thu bộc bạch.

Nối nghề làm nón của bà, của mẹ, ở độ tuổi hơn 40, chị Nguyễn Thị Lệ Nhung (ngụ khu vực Vạn Thuận) là thợ lành nghề với kinh nghiệm làm ra những chiếc nón lá đẹp cả trăm như một. Chị bảo, để làm ra chiếc nón lá đẹp phải qua nhiều công đoạn, trong đó nguyên liệu lá nón chiếm gần phân nửa. Lá sử dụng để chằm nón thường có 2 loại là lá mặt cật dùng để làm nón thường và lá dặn dùng để làm nón tốt.

Có một điều thú vị là các hộ làm nghề nón lá Gò Găng phần lớn đều lấy nguyên liệu từ xã Cát Tân (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Bà Nguyễn Thị Năm (50 tuổi) cho biết: “Thật ra, nghề làm lá nón của gia đình chồng tôi bắt đầu ngót ba chục năm nay và đây cũng là nghề truyền thống mà sau khi tôi về đây làm dâu thì bắt tay ngay với nghề”.

Theo bà Năm, công đoạn làm lá nón không kém phần công phu. 6 giờ sáng bắt đầu lấy lá về thì đạp trong cát, phải mất 3 tiếng đồng hồ mới xong, rồi bó lại thành từng bó nhỏ đem phơi nắng thêm 3 tiếng nữa. Lại đem vào ủ, rồi sấy qua than lửa, phơi sương cho lá mềm và thẳng ra. 

Bà Năm chia sẻ: “Mất trọn 1 ngày mới làm hết công đoạn nguyên liệu lá, khoảng 4.000 đọt lá tươi, nếu phơi khô thì còn 30kg, trừ hết chi phí còn lời khoảng 200 ngàn đồng. Mà đó là nắng ráo ngon lành, chứ mùa mưa lá không đẹp, giá bán không cao”.

Chợ nón lá trong đêm 

Nếu có dịp đi ngang phường Nhơn Thành của thị xã An Nhơn, du khách đừng quên dành thời gian ghé lại phiên chợ nón Gò Găng, để cảm nhận về một nét đẹp văn hóa của mảnh đất đầy nắng gió nhưng sâu nặng nghĩa tình này. Đồng thời, hoài niệm về một quá khứ hào hùng của đội quân người anh hùng áo vải Quang Trung. 

Chợ nón Gò Găng chỉ họp tầm 3 giờ sáng, lúc trời nhá nhem và tan khi trời hưng hửng sáng. Thế nên chợ còn được gọi là chợ gà gáy. Điểm đặc biệt thứ hai là chợ chỉ bán một món hàng duy nhất là nón lá thô, vật dụng làm nón. Các hoạt động bán mua diễn ra dưới ánh đèn dầu le lói, chỉ đủ để người mua kẻ bán xem chất lượng nón và nhìn thấy đồng tiền đưa qua thối lại. 

Muốn nón lá đẹp và bền người chằm phải tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ.
Muốn nón lá đẹp và bền người chằm phải tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ.

Là chợ nhưng chợ nón Gò Găng không xô bồ ồn ào, chỉ đủ làm lao xao một góc miền quê tĩnh mịch. Cứ được khoảng 10 đến 20 chiếc nón, các chị, các cô lại mang đến chợ bán. Mỗi ngày người làm giỏi làm được khoảng 7 đến 10 cái nón với giá 10.000 đồng. Nghề làm nón thu nhập không cao nhưng tận dụng được thời gian rảnh rỗi lúc nông nhàn.

Ông Lĩnh cho biết: “Ở chợ nón, người mua, người bán dường như đều quen biết nhau, cách xưng hô đầy thân mật, giọng xứ Nẫu nghe chân chất. Bán xong mấy chồng nón, các cô lại mua các vật dụng dùng để làm nón và trở về để ra đồng. Tan chợ, những người thu mua nón vận chuyển nón Gò Găng đến khắp mọi miền đất nước, có khi phân phối tận thị trường Lào, Campuchia”.

Theo ông Lĩnh, chợ nón Gò Găng được hình thành từ thời Tây Sơn, làng nghề ra đời chủ yếu  phục vụ cho binh lính của vua Quang Trung với tên gọi nón ngựa. Trên đỉnh nón được gắn chụp bạc hoặc đồi mồi có chạm trổ long, ly, qui, phụng. Quai nón được làm bằng những dải lụa đỏ hoặc xanh, chỗ dưới cằm có chỏm tua.

Trải qua nhiều biến cố lịch sử và thay đổi của thời gian, chiếc nón Gò Găng bây giờ là sự kết hợp các chi tiết giữa nón bài thơ xứ Huế và nón ngựa Tây Sơn ngày xưa. Chợ nón họp vào giờ oái oăm được giữ từ xa xưa, mọi người theo thói quen đến bây giờ. Không còn ai nhớ phiên chợ đầu tiên là khi nào. Trải qua hàng trăm năm, chợ nón Gò Găng ngày càng sầm uất dưới ánh đèn leo lét, vừa đẹp, vừa nên thơ, vừa mờ ảo.

Ðể nón lá Gò Găng vươn xa

Năm 2007, UBND tỉnh Bình Định đã công nhận Làng nghề nón lá Gò Găng đạt tiêu chí làng nghề truyền thống. Hiện nay, nón lá Gò Găng là một trong những sản phẩm được tỉnh Bình Định quy hoạch, gắn với phục vụ phát triển du lịch. Hơn cả giá trị về vật chất, nón lá Gò Găng còn chứa đựng nét đặc sắc của văn hóa làng nghề, là “đề bài” cho các cuộc thi thử tài phụ nữ làng nghề do UBND thị xã An Nhơn tổ chức hàng năm. 

Theo bà Phan Thị Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định), những năm gần đây, từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, hoạt động xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm làng nghề được xúc tiến mạnh. Nón lá Gò Găng là sản phẩm đã được UBND tỉnh Bình Định quyết định đưa vào chương trình dự án Khoa học và Công nghệ “Hỗ trợ phát triển các sản phẩm đặc trưng tỉnh Bình Định giai đoạn 2016 - 2020”. 

Những vành nón lá đã trải qua công đoạn thô sơ.
Những vành nón lá đã trải qua công đoạn thô sơ.

“Đây là động lực hướng người làm nghề tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất, khẳng định thương hiệu nón lá Gò Găng trên thị trường. Mới đây, Trung tâm và UBND thị xã An Nhơn đã phối hợp tổ chức hội thảo để thống nhất về các dự thảo quy chế quản lý và sử dụng, quy trình sản xuất, mẫu nhãn hiệu, bản đồ vùng sản xuất sản phẩm”, bà Thủy cho biết.

Theo ông Lĩnh, nón lá Gò Găng vốn là sản phẩm của người Bình Định từ lâu đời và được lưu truyền cho đến ngày nay. Tuy nhiên, chưa bao giờ người làng nghề có được tên gọi chính thức. Vì thế, chọn nón lá Gò Găng làm nhãn hiệu chứng nhận một mặt để nâng giá trị sản phẩm, phát triển kinh tế của người dân địa phương, mặt khác để lưu giữ và nhân lên những nét đẹp làng nghề.

“Sản phẩm nón lá Gò Găng của thị xã An Nhơn đã định hình và làm nên giá trị thương hiệu làng nghề từ rất lâu. Tuy nhiên, để nâng tầm cả chất lượng lẫn giá trị của chiếc nón lá vốn là sản phẩm truyền thống đặc trưng ở đất “kinh thành” xưa vẫn cần thêm bước đi quan trọng, đó là bảo hộ sở hữu công nghiệp”, ông Lĩnh cho hay.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

'Gương mặt vặn vẹo' - đối mặt nhiều vụ án ly kỳ, hóc búa

Phim khai thác đề tài tâm lý tội phạm. (Ảnh: BTC)
(PLVN) - Bộ phim xoay quanh hành trình điều tra và truy bắt tội phạm gian nan của “Đội 7”, đối mặt nhiều vụ án ly kỳ, hóc búa. Hình ảnh nhân vật phản diện được xây dựng từ những ám ảnh thời thơ ấu, tổn thương tâm lý cho đến những biến cố không thể lường trước trong cuộc sống. Chính những điều này đã biến họ từ con người bình thường thành những kẻ tội phạm đáng sợ, nhưng cũng khiến người xem ít nhiều hiểu và đồng cảm.

“Vằng vặc trăng quê” - đong đầy hồn quê

"Vằng vặc trăng quê" lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, mang đậm “hồn quê” Bắc Bộ (ảnh P.V).
(PLVN) -  Tản văn “Vằng vặc trăng quê” của nhà báo Ngô Bá Lục không chỉ kể chuyện đời thường, đong đầy tình yêu thương mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, mang đậm “hồn quê” Bắc Bộ.

“Xây Tết” cho gần 2 vạn công nhân

Chương trình "Xây Tết" dành cho gần 2 vạn công nhân (Thùy Dương)
(PLVN) -  Lễ ra mắt chương trình “Xây Tết 2025” với những hỗ trợ thiết thực về vật chất, tinh thần đến hơn 18.500 công nhân trên cả nước diễn ra vào ngày 12/12/2024 tại Báo Nhân Dân.

Thị trường nhạc Việt trỗi dậy mạnh mẽ

Thị trường âm nhạc Việt Nam có tiềm năng rất lớn để thu hút thế hệ trẻ. (Ảnh: Mai Trang)
(PLVN) - Vừa qua, tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội, show diễn “Anh trai say hi” đã thu hút hàng chục nghìn người tham dự, theo số liệu theo Ban Tổ chức công bố. Đây là một hiện tượng đặc biệt, khi phần lớn người đến tham dự đều trong độ tuổi rất trẻ. Trong hai đêm diễn nhận được sự quan tâm lớn của nhiều người hâm mộ. Hàng nghìn khán giả xếp hàng trước cổng sân vận động từ tờ mờ sáng nhằm giành một vị trí đẹp. Vé xem chương trình liên tục cháy hàng trên mọi mức giá từ vé phổ thông đến vé hạng nhất.

Hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá để bảo vệ giới trẻ

Cảnh hút thuốc trong phim "Tháng năm rực rỡ", phim được dán nhãn cấm khán giả dưới 16 tuổi.
(PLVN) - Các diễn viên, ca sỹ sử dụng việc hút thuốc lá như một cách thể hiện tính cách nhân vật hoặc thể hiện tâm trạng trong quá trình biểu diễn. Chuyên gia cho rằng điều này ảnh hưởng rất lớn đến hành vi, lối sống của giới trẻ, do đó Thông tư 14/2024 được ban hành là kịp thời, góp phần thiết thực bảo vệ thể chất và tinh thần thế hệ tương lai của đất nước.

Hiện thực hóa giấc mơ nhạc kịch “made in Việt Nam”

Vở nhạc kịch Tấm Cám. (Ảnh: Khắc Duy)
(PLVN) - Sau nhiều năm vắng bóng tại Việt Nam, hàng loạt chương trình nhạc kịch đặc sắc mang đậm văn hóa Việt được đầu tư công phu với những tâm huyết của các nghệ sĩ nhằm thu hút khán giả yêu nghệ thuật và thực hiện hóa giấc mơ nhạc kịch Việt Nam vươn ra thế giới.

“Anh trai say hi” “Anh trai vượt ngàn chông gai” cùng dắt tay vào vòng bầu chọn Giải Mai Vàng 2024

“Anh trai say hi” đang là ứng cử viên của Giải Mai Vàng 2024 hạng mục Chương trình trên nề tảng số - truyền hình
(PLVN) -  Hội đồng Nghệ thuật Giải Mai Vàng đã chính thức công bố kết quả đề cử Giải Mai Vàng lần thứ 30. Sau hơn hai tháng tiếp nhận đề cử từ bạn đọc, từ 15/9 đến hết ngày 25/11/2024, cuộc họp của Hội đồng Nghệ thuật đã hoàn tất việc lựa chọn những ứng viên xuất sắc trong 14 hạng mục của Giải Mai Vàng năm nay.

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G
(PLVN) -  Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP.HCM chiều hôm nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.