Trần Thị Thúy khi sinh ra đã thiếu một bàn tay, nhưng nghị lực sống đã giúp người con gái nhỏ nhắn làm nên một sản phẩm đặc trưng - nón lá Huế - đi khắp năm châu bốn bể.
Ý chí thay thế bàn tay
Trong ngôi nhà số 12 nằm sâu trong con hẻm 165 Trần Phú, phường Phước Vĩnh, TP.Huế, “đôi tay” ấy đang thoăn thoắt tạo nên hình thù một chiếc nón. Nhìn những thao tác thuần thục của chị, khó nghĩ Trần Thị Thúy là một người khuyết tật.
Một tay cắt, còn phần nửa của cánh tay giữ chặt chiếc lá, cứ thế rất nhanh, những chiếc lá cọ sau khi được cắt tỉa như biết nghe lời răm rắm “hiện” lên bề ngoài của chiếc nón.
Vượt lên số phận, chị Thúy cần mẫn tạo dựng sản phẩm đặc trưng của xứ Huế. Ảnh: Trọng Nghĩa.
Để đạt đến bước tiến đó là cả một quá trình được phát khởi từ trái tim cháy bỏng, vươn lên sự nghiệt ngã của cuộc đời. Chị Thúy kể, thời điểm mẹ mang bầu chị (năm 1968) cũng là khi cả nước chuẩn bị bước vào chiến dịch Tết Mậu Thân, thế là gia đình chị cũng như bao nhà khác ở thành Huế phải đi sơ tán liên tục.
Khi đó, mẹ chị đau ốm mà thiếu thốn thiếu men, được bữa sáng thì mất bữa chiều nên khi được sinh ra, Thúy mang hình hài một cô bé bị teo mất bàn tay phải. Đây thực sự là một cú sốc đối với gia đình. Nhà có bốn anh chị em, gánh nặng kinh tế gia đình luôn là bài toán nan giải. Vì thế, học hết lớp 8, cô bé 15 tuổi tên Thúy đành gác nghiêng bút, lo kiếm tiền phụ giúp cùng ba mẹ.
Khi bao bạn bè cùng trang lứa đang ở tuổi ăn tuổi chơi, Thúy đã đến với nghề làm nón. May cho Thúy, phong trào làm nón tại Trường An (nơi nhà Thúy ở) những năm sau giải phóng nổ rộ, trở thành “cần câu cơm” của không ít gia đình.
Khi nói về quyết định gắn bó với chiếc nón, giọng Thúy say sưa: “Tay chân như mình làm việc gì cũng khó khăn, nhưng các dì, các o làm được, thế là theo họ đi làm”.
Với niềm đam mê, bắt đầu từ những bài học đầu tiên với việc... phân loại, rửa lá cọ, dần dần làm quen với việc thuê, khâu nón... “cô bé” Thúy ngày ấy đã lớn lên cùng vòng quay của chiếc nón.
Đặc trưng xứ Huế phải "sống"
20 tuổi, vững tay nghề, Thúy dũng cảm đứng ra nhận các mối hàng, mua nguyên vật liệu về sản xuất nón ngay tại nhà. Cũng từ đó, trong căn nhà cấp bốn xập xệ tối nào cũng sáng đèn với hình ảnh cô gái tật nguyền tuổi đôi mươi cặm cụi bên hiên ngồi làm nón.
Dần dần, du lịch Huế trở thành điểm đến thân thiện với du khách và đặt chân đến Cố đô, ai cũng muốn mang về nhà một sản phẩm đặc trưng Huế. Trong đó, nón lá luôn là sự lựa chọn hàng đầu.
Bắt đầu chuyển sang sản xuất các loại nón lá du lịch, Thúy đúc kết: “Làm nón thường không đòi hỏi sự cầu kỳ nhưng bán chậm. Làm nón du lịch đầu tư nhiều công sức, sự tỉ mỉ nhưng bù lại bán rất nhanh”.
Hiện nay, các điểm kinh doanh nón bán sỉ, lẻ tại các điểm du lịch của Huế đâu đâu cũng xuất hiện nón của chị. Vào mùa du lịch hay các dịp lễ hội, một mình làm không xuể, Thúy phải thuê những người thợ lành nghề về làm phụ giúp. Vì vậy, không những tự lo cho bản thân mình, hàng tháng chị còn giúp đỡ được 5-10 nhân công đa phần là những phụ nữ không có việc làm với mức lương 600.000-800.000 đồng/tháng.
Bên cạnh việc cung cấp nón cho các điểm du lịch, căn nhà số 12/165 luôn là điểm đến với các du khách muốn được tận mắt chứng kiến người con gái tật nguyền đã tạo nên một thương hiệu nón có tiếng ở Huế. Hôm chúng tôi đến, căn nhà cấp bốn của chị nhộn nhịp với những đoàn khách ngoại quốc.
Chị Alicia Wendy, du khách đến từ Canada thán phục: “Chị ấy thật tuyệt vời. Không thể tin nổi một người tật nguyền lại tạo ra một chiếc nón ấn tượng này”.
Thời buổi nón, lá mũ vải thất thế trước “cơn lốc” mũ bảo hiểm, cũng như bao người làm nón khác, chị âu lo: “Bây chừ cũng ít người đội nón thường, nên phải chuyển về các vùng nông thôn thì may ra mới tiêu thụ được”.
Tuy nhiên, bên cạnh sự âu lo, một niềm tin về một xưởng nón Thanh Thuý vẫn là cái đích chị hướng tới. Chị quả quyết: “Nghề làm nón đã nuôi sống mình, không thể bỏ giữa chừng được. Hơn nữa, nón lá Huế đã trở thành nét đặc trưng của mảnh đất chôn nhau cắt rốn, mình phải có trách nhiệm duy trì, phát triển nó”.
Ngọc Anh