Suốt 5 năm qua, người dân Zimbabwe có thể dùng đồng đôla Mỹ, đồng rand của Nam Phi, đồng pula của nước Botswana láng giềng và dĩ nhiên là đồng bảng Anh đề mua mọi thứ vật dụng hàng ngày. Tuy nhiên, đồng đôla Mỹ được chuộng hơn cả, đặc biệt là để ghi giá hàng hóa nhập khẩu.
Từ năm 2009, hệ thống thanh toán bằng 4 đồng bạc ngoại quốc này được đưa vào sử dụng để thay thế cho đồng bạc quốc gia của Zimbabwe bị mất giá tới mức siêu khủng, đến độ chính phủ không buồn công bố mức lạm phát nữa vì đó sẽ là những con số được nhân với lũy thừa bậc vài chục của 10! Nhiều người dân Zimbabwe vẫn còn giữ được tờ bạc mệnh giá 50 hay 100 tỷ của ngân hàng nhà nước phát hành để làm kỷ niệm.
Mới đây nhất, trong tháng 1/2014, chính quyền Zimbabwe tiếp tục bổ sung danh sách các đồng ngoại tệ được đưa vào sử dụng trong thanh toán quốc nội, bao gồm đồng đôla Australia, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, đồng rupee của Ấn Độ và đồng yên của Nhật Bản.
Chính phủ giải thích quyết định này phù hợp với chính sách “hướng Đông”. “Hoạt động ngoại thương và đầu tư giữa Zimbabwe với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật và Australia đã gia tăng đáng kể trong những năm qua”, bà Charity Dhliwayo - quyền Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Zimbabwe (tức ngân hàng nhà nước) giải thích.
Tin này khiến nhiều người hăm hở. Một chủ công ty chuyên nhập khẩu xe hơi cũ từ Nhật bản hoan hỉ vì từ nay anh ta không phải lo lắng đến sự biến động tỷ giá: “Giá cả sẽ ổn định, khỏi phải lo lắng nhiều”, người này nói. Nhiều nhà nhập khẩu khác cũng tán đồng ý kiến này vì họ có thể linh hoạt thay đổi đồng ngoại tệ để thanh toán mua và bán hàng.
“Quyết định này rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư phương Động, thu hút họ tới Zimbabwe để làm ăn. Ví dụ một nhà đầu tư Trung Quốc – hiện đang chiếm số đông ở đây - chẳng hạn, sẽ thuận tiện hơn vì ở Zimbabwe họ có thể dùng đồng nhân dân tệ như ở Trung Quốc mà chẳng gặp rắc rối gì”, chuyên gia phân tích kinh tế Vince Musewe nói.
Thế nhưng Tawanda Huruwa, chủ nhân một hầm mỏ nhỏ, tỏ ra chẳng vui vẻ gì khi đón nhận tin mình sẽ được quyền mở thêm 4 tài khoản ngoại tệ để chi dùng hàng ngày: “Là một người làm ăn kinh doanh, tôi chả thích thú gì khi phải dùng nhiều loại tiền như thế”.
Còn Cuthbert, một tài xế tắc xi 45 tuổi, thì lo lắng : “Chúng tôi làm sao biết hết tỷ giá các đồng bạc đó thay đổi thế nào mỗi ngày. Lỡ ngân hàng nói dối chúng tôi thì sao ?”. Các chuyên gia kinh tế thừa nhận việc theo dõi tỷ giá của 8 đồng ngoại tệ quả là khó khăn với người tiêu dùng bình thường thậm chí là đối với các chủ doanh nghiệp nhỏ.
Một đồng nghiệp của Cuthbert xem ra quan tâm tới cả yếu tố chính trị của việc sử dụng các đồng ngoại tệ. “Họ đang cố xâm chiến thị trường châu Phi. Đó là một cách thuộc địa hóa. Chúng ta được lợi gì từ đồng nhân dân tệ này, đó là câu hỏi lớn?”, anh Farayi, 20 tuổi, băn khoăn về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền kinh tế và chủ quyền quốc gia do việc dùng đồng nhân dân tệ làm đồng tiền thanh toán trong nước.
Denford Mutashu, Tổng giám đốc chuỗi siêu thị Food World có nhiều cửa hàng rải trên toàn quốc, nhận định : “Có vô vàn phiến toái khi đồng thời sử dụng tới 8 loại tiền. Người dân cần sự tiện lợi, dễ dàng và nhanh chóng, họ không muốn tiêu phí thời gian trong lúc ai cũng vội”.
Hiện thời phần lớn các cửa hàng ở thủ đô Harare ghi giá bằng đôla Mỹ, đồng rand được ưu ái tại Bulawayo gần biên giới với Nam Phi. Ở đây, các nhân viên thu ngân phải cập nhật tỷ giá mỗi ngày và thông báo cho khách mua hàng biết.
Ngân hàng Dự trữ Zimbabew thừa nhận rằng vào dịp giáng sinh vừa qua, do thiếu tiền mặt nên đã xuất hiện tiền giả.. Trước những lời phàn nàn của dân chúng, bà Thống đốc Ngân hàng chỉ biết hứa hẹn là sẽ tìm cách mau chóng bổ sung bạc lẻ vào lưu thông. Tuy nhiên, ai cũng hiểu là điều này khó thực hiện.
Một bà cụ mua hàng tại siêu thị Food World phàn nàn rằng tiền trên tài khoản thì có nhưng không có loại tiền mặt tương ứng để rút theo nhu cầu thanh toán khiến việc đi chợ của bà rất khó khăn. Người bán hàng muốn thanh toán bằng đồng yên nhưng bà không cách nào rút đủ số yên cần thiết. “Chúng tôi muốn có đồng bạc riêng của Zimbabwe”, bà cụ kết luận.
Thế nhưng, bà Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Zimbabwe cho biết chính phủ chưa có ý định đó. Trong chiến dịch vận động tranh cử hồi năm ngoái, các đồng minh của Tổng thống Robert Mugabe cảnh báo rằng ý định phục hồi đồng bạc riêng của Zimbabwe có thể đưa đất nước quay trở lại thời kỳ lạm phát siêu tốc như hồi 2008-2009.
Kinh tế gia John Robertson tuyên bố trên đài phát thanh SW Radio Africa rằng việc cho chính thức lưu hành 8 ngoại tệ cùng một lúc thay cho đồng nội tệ chẳng có ý nghĩa gì với người dân vốn chỉ thích dùng một mình đồng đôla Mỹ. “Chúng ta không cần nhiều đồng bạc đến thế. Hàng nhập và xuất khẩu hầu hết được ghi giá bằng USD và người dân thích thanh toán bằng USD, trừ một số vùng muốn dùng đồng rand của Nam Phi”, chuyên này nói.
Gần đây, đài SW Radio Africa loan tin nhiều người đã bắt đầu từ chối giao dịch bằng đồng rand của Nam Phi vì lo ngại tốc độ lạm phát ở quốc gia láng giềng.