Báo Pháp luật Việt Nam có bài phản ánh một tổ công tác của huyện Mù Cang Chải, Yên Bái, (gồm đại diện Hạt Kiểm lâm, Ban chỉ huy quân sự, UBND huyện và một số ban ngành khác) thu hồi trái pháp luật máy móc và hơn 11 tấn gỗ Pơmu của một doanh nghiệp trên địa bàn xã Nậm Có. Mặc dầu đã có kết luận việc thu hồi là sai, buộc phải khắc phục hậu quả, nhưng UBND huyện lại tìm cách thoái thác trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp.
Sửa sai cho hành vi thu hồi tài sản trái luật, UBND huyện Mù Cang Chải chỉ mới trả lại gỗ và máy móc cho Công ty Duyên Thuận (doanh nghiệp bị thu hồi tài sản sai), nhưng lại không hề nhắc tới việc bồi thường thiệt hại, mà chỉ dùng từ “hỗ trợ”.
Theo thống kê của bà Đinh Thị Duyên ( Giám đốc doanh nghiệp), hành vi thu hồi gỗ, đình chỉ hoạt động công ty của UBND huyện đã gây thiệt hại cho công ty này khoảng 1,5 tỷ đồng, là tiền lãi vay ngân hàng, thu nhập bị mất, tiền công trả cho người lao động….
Tại biên bản làm việc ngày 15/5/2012, UBND huyện cho biết: “Huyện hỗ trợ doanh nghiệp một phần kinh phí là 50 triệu đồng” để khắc phục các thiệt hại. Không đồng ý mức hỗ trợ đó, doanh nghiệp cho rằng sẽ thống kê lại các thiệt hại để có mức bồi thường đúng hơn. Sau đó, doanh nghiệp đã có văn bản thống kê cụ thể gửi UBND huyện, nhưng cho đến nay, UBND huyện không hề có ý kiến trả lời, ngoài việc một vài lần mời doanh nghiệp lên thỏa thuận bằng miệng.
Quá mệt mỏi, doanh nghiệp đã ủy quyền cho một công ty luật thay mặt giải quyết mọi việc phát sinh từ việc cưỡng chế nhà xưởng và thu giữ tài sản trái pháp luật của UBND huyện Mù Cang Chải. Tuy nhiên, UBND huyện Mù Cang Chải ngay lập tức từ chối sự ủy quyền đó với lý do không phù hợp Luật Khiếu nại, tố cáo.
UBND huyện viện dẫn Điểm b, Khoản 1 Điều 17 Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của luật Khiếu nại, tố cáo ngày 29/11/2005 và Điều 3 Nghị định số 136/2006/ NĐ-CP ngày 14/6/2006 của Chính phủ qui định Chi tiết và hướng dẫn một số điều của luật Khiếu nại, tố cáo để bác bỏ sự ủy quyền. Nội dung các điều luật nêu trên qui định trong quá trình khiếu nại các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thì luật sư không được phép thay mặt thân chủ đi khiếu nại mà luật sư chỉ được giúp đỡ về pháp luật.
Tuy nhiên, đối chiếu với tường hợp này, viện dẫn nói trên không phù hợp bởi vì Cty Duyên Thuận không khiếu nại và cũng không ủy quyền khiếu nại bất cứ quyết định, hành vi hành chính nào mà chỉ ủy quyền cho công ty luật và luật sư đứng ra thỏa thuận việc bồi thường phát sinh từ hành vi cưỡng chế sai trái. Nội dung và phạm vi ủy quyền nêu rõ: “Ủy quyền để Công ty luật và luật sư liên hệ, trao đổi, làm việc với các cá nhân, tổ chức… nhằm giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa công ty Duyên Thuận với UBND huyện Mù Cang Chải trong việc cưỡng chế tịch thu máy móc và gỗ nguyên liệu ngày 3/12/2011”.
Việc từ chối trái luật nói trên khiến người dân nghi ngờ về sự thiếu thiện chí giải quyết hậu quả do hành vi cưỡng chế sai trái của chính quyền, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền lợi của mình và cản trở hoạt động của luật sư.
Đề nghị UBND huyện Mù Cang Chải xem lại việc từ chối trái luật của mình, tránh đi từ sai này đến sai khác. Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái nhanh chóng thành lập hội đồng xem xét đền bù thiệt hại do cơ quan Nhà nước gây ra theo Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước 2009 chứ không phải đơn phương áp đặt mức đền bù thiệt hại như nêu trên, gây bức xúc cho người bị thiệt hại.
Thanh Quý