TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) ví von như vậy tại Hội thảo “Điều gì cản trở doanh nghiệp Việt Nam sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại (PVTM) để tự bảo vệ trước hàng hóa nước ngoài” diễn ra hôm qua (14/10).
Bị hạ “đo ván”
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn về PVTM (VCCI), các vụ kiện PVTM được sử dụng để chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng kinh tế thế giới, nhất là vừa ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… càng đòi hỏi các doanh phải thuần thục những công cụ này để bảo vệ môi trường kinh doanh, nền sản xuất trong nước. Tuy nhiên, thực tế thì năng lực tự vệ của cộng đồng doanh nghiệp nói chung còn yếu, cần khắc phục.
TS. Nguyễn Thị Thu Trang đưa ra những số liệu cụ thể chứng minh sự thua thiệt của doanh nghiệp Việt Nam trước các vụ kiện PVTM. Theo đó, đến nay khi hàng hóa Việt Nam tham gia thị trường thế giới đã bị tổng cộng 94 vụ kiện PVTM. Trong đó có 70 vụ kiện chống bán phá giá, 7 vụ kiện trợ cấp và 17 vụ kiện tự vệ. Trong khi đó, hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, mình chỉ kiện 4 vụ (1 vụ chống bán phá giá, 3 vụ tự vệ).
TS. Trang phân tích tiếp, trong 70 vụ bị kiện bán phá giá thì 36 vụ mình thua, bị áp dụng các biện pháp PVTM. Trong 7 vụ bị kiện trợ cấp thì mình thua 4 vụ, bị áp thuế. Trong 17 vụ bị kiện tự vệ, mình thua 6 vụ, bị áp thuế. Như vậy, tổng cộng 94 lần bị kiện, mình thua 46 vụ. Trong khi đó, mình chỉ kiện doanh nghiệp nước ngoài 4 lần và chỉ thắng 2 lần.
“Nếu ví cạnh tranh thương mại tự do toàn cầu là một sàn đấu võ thì võ sĩ Việt Nam bị ra đòn 94 lần, trong đó 46 lần bị hạ “nốc ao”; Việt Nam chỉ ra đòn được 4 lần, trong đó 2 lần “nốc ao” được đối thủ”, TS. Trang so sánh.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang trình bày tại hội thảo |
Tại sao doanh nghiệp Việt Nam bị thua tan tác như vậy trước các vụ kiện PVTM? Trong công trình nghiên cứu được giới thiệu tại hội thảo, TS. Trang đưa ra một số lí do liên quan đến năng lực con người, năng lực tài chính và hệ thống chính sách.
Theo bà Trang, việc chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ không phải là cuộc chơi cá nhân mà là của tập thể. Một doanh nghiệp Việt muốn khởi kiện doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa của mình thì doanh nghiệp đó phải tập hợp được lực lượng, chiếm đủ 25% thị phần hàng hóa liên quan mới đủ điều kiện khởi kiện. Trong khi đó, theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, đa số các doanh nghiệp khó khăn khi tập hợp lực lượng. “Điều này rất khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ.
Thực tế 4 vụ Việt Nam khởi kiện PVTM thì gần như các doanh nghiệp này đều chiếm thị phần lớn ở Việt Nam, không cần tập hợp từ những doanh nghiệp khác cùng sản phẩm”, bà Trang nói.
Năng lực về tài chính cũng là một trong những khó khăn được nhóm nghiên cứu đưa ra thảo luận. Theo khảo sát, có đến 86% doanh nghiệp Việt Nam nói rằng họ khó khăn trong việc đầu tư cho vụ kiện; 12% nói khó khăn nhưng có thể cân đối được; chỉ vài phần trăm doanh nghiệp tự tin rằng họ đủ năng lực tài chính để theo kiện.
“Theo quy định, Nhà nước không được đầu tư tiền, không được cho doanh nghiệp vay trong quá trình doanh nghiệp đi kiện. Tất cả doanh nghiệp phải tự lo; Nhà nước chỉ có thể tư vấn, hỗ trợ về mặt pháp lý. Chi phí để theo đuổi một vụ kiện kéo dài cả năm không hề nhỏ. Phải thuê luật sư trong nước và nước ngoài”, bà Trang nói.
Một khó khăn khác được đưa ra là việc tập hợp bằng chứng. Khi kiện Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài có được những thông tin rất cụ thể, chi tiết về hàng hóa Việt Nam mà họ tiến hành kiện. Trong khi đó, việc thu thập thông tin chứng minh thiệt hại, tìm bằng chứng bán phá giá của doanh nghiệp bạn là rất khó khăn.
“Nhiều người đi thực tế, chụp được vài kiểu ảnh ở nước họ bán sản phẩm đó đắt hơn so với ở Việt Nam đã vội kết luận họ bán phá giá. Theo quy định, điều đó chưa đủ để kết luận họ bán phá giá mà chỉ là dấu hiệu mà thôi. Muốn có kết luận, phải chứng minh được tổng thể”, bà Trang nói.
Ngoài ra, theo nhóm nghiên cứu, một nguyên nhân khác là vấn đề con người. Nhiều doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ không đủ năng lực hiểu biết những quy định trong PVTM để tham gia một vụ kiện. Trong khi đó, giới luật sư ở Việt Nam được đánh giá là vừa yếu lại vừa thiếu, nhất là trong thương mại quốc tế.
Trước những khó khăn như vậy, nhóm nghiên cứu đưa ra một số giải pháp, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết nâng cao năng lực của doanh nghiệp, hiệp hội; mong muốn cơ quan nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ trong quá trình thu thập thông tin, bằng chứng khởi kiện; đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật về PVTM của Việt Nam hợp với tình hình thực tiễn.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu