Với chủ đề “Tăng cường liên kết khu vực đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước trong bối cảnh mới của nền kinh tế thế giới”, Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2017 đã diễn ra ngày hôm qua, 16/6 tại Hà Nội.
Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Mặc dù vẫn còn vướng mắc cần tiếp tục phải tháo gỡ, song phát biểu tại diễn đàn, đại diện các hiệp hội DN FDI tại Việt Nam đã ghi nhận nỗ lực và cảm ơn Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Đaị diện Hiệp hội DN Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã bày tỏ sự trân trọng với những nỗ lực gần đây của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Cụ thể: Bộ KH&ĐT triển khai thực thi Luật Đầu tư, và cắt giảm một số điều kiện kinh doanh ở những ngành nhất định trong Luật DN; Bộ Tài chính đặc biệt là Tổng cục Hải quan đã thực hiện đơn giản hóa thủ tục hải quan và có những buổi đối thoại chính sách thường xuyên với DN. Mặt khác, Tổng Cục thuế đã phản hồi nhanh chóng và rất chuyên nghiệp về các kiến nghị của DN và gửi các dự thảo, hoan nghênh ý kiến đóng góp từ cộng đồng DN ngay từ giai đoạn ban đầu; Bộ Công Thương cũng không ngừng đơn giản hóa các TTHC, bên cạnh việc ban hành Thông tư 23/2016/TT-BCT bãi bỏ Thông tư 37/2015/TT-BCT,…; Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế với các cải cách gần đây về việc công bố hợp quy cho nguyên vật liệu tươi sống, thực phẩm và phụ gia dùng trong chế biến để xuất khẩu…
“Tại EuroCham, chúng tôi luôn theo sát các chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là liên quan đến việc thực thi Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35. Những Nghị quyết này hướng dẫn thực thi chính sách rất bao quát, trên tinh thần tiến bộ, đặt ra tiêu chuẩn cao hơn cho Việt Nam, và thể hiện ý chí, khát vọng của Việt Nam không ngừng vươn lên sánh ngang các nền kinh tế lớn khác trong khu vực và trên thế giới. Kể từ khi được ban hành, các nghị quyết này đã dẫn đến các thay đổi tích cực, với cách tiếp cận cởi mở, kiến tạo và khuyến khích đóng góp xây dựng, đặt lợi ích người dân và cộng đồng DN lên hàng đầu…”- Đại diện EuroCham bày tỏ.
Nói về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham), ông Ryu Hang Ha cho biết, Hàn Quốc hiện đang là quốc gia đầu tư số 1 tại Việt Nam. các công ty toàn cầu tại Hàn Quốc cũng như các DNNVV của Hàn Quốc hiện đang chọn Việt Nam là địa điểm kinh doanh mới của mình.
Khảo sát của KoCham với các công ty Hàn Quốc đã đầu tư tại Việt Nam cho thấy 46,1% số DN được hỏi cho biết sẽ tăng đầu tư vào Việt Nam, trong khi đó 44,7% cho biết sẽ vẫn đầu tư vào Việt Nam ở mức hiện tại. Ngoài ra, 71% DN được hỏi cho biết họ hài lòng với hoạt động quản lý kinh doanh tại Việt Nam cũng như hài lòng với việc gia nhập thị trường Việt Nam của mình.
“Khi pháp luật và chính sách đi vào nhất quán và ổn định, các công ty nước ngoài có thể tự tin tiến hành hoạt động kinh doanh của mình. Chính phủ có vai trò tạo ra một môi trường đầu tư hợp lý. Chính phủ Việt Nam đã liên tục nỗ lực để xác định và cải thiện các vấn đề còn tồn đọng. Một lần nữa, tôi xin chân thành cảm ơn các cán bộ Chính phủ Việt Nam vì đã luôn nỗ lực hết mình…”- Chủ tịch KoCham bày tỏ.
Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ngay lập tức!
Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV), ông Hiroshi Karashima cho rằng để tăng cường sức hấp dẫn của Việt Nam với vai trò là một nước sản xuất, vấn đề hết sức quan trọng là Việt Nam cần làm giàu môi trường công nghiệp để tạo ra các GTGT ngoài khả năng cạnh tranh về chi phí lao động.
“Dựa vào quan điểm này, tôi cho rằng cần thiết phải tạo ra các ngành công nghiệp phụ trợ bằng cách phát triển các DNVVN ngay lập tức!”- Ông Karashima đề nghị.
Chủ tịch JBAV cũng đánh giá rất cao việc Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV được đưa ra tại Quốc hội, điều này cho thấy Việt Nam nhận thức rất rõ về vấn đề này.
“Để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, tôi cho rằng cần phải có những DNVVN của Nhật Bản là những DN có thế mạnh và kiến thức chuyên môn cao (chẳng hạn như các nhà sản xuất khuôn mẫu) được khuyến khích chuyển giao công nghệ cho Việt Nam bằng cách hợp tác với các DNVVN trong nước. Hiện nay, một số công ty sản xuất của Nhật Bản đang có kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất của họ từ Nhật Bản sang Việt Nam và các nước thứ ba. Nếu các DN này có thể dễ dàng chuyển cơ sở sản xuất của họ sang Việt Nam, việc di chuyển này sẽ góp phần rất lớn cho sự hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ cũng như phát triển các DNNVV của Việt Nam….”- Chủ tịch JBAV gợi ý.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khẳng định: “Một khu vực đầu tư trong nước lớn mạnh, đủ năng lực hợp tác với các DN FDIlà tiền đề quan trọng để tạo mối liên kết bền vững giữa khu vực FDI và khu vực đầu tư trong nước…”. Phó Thủ tướng cho biết, hiện Việt Nam đang tạo mọi điều kiện để khu vực đầu tư trong nước phát triển, trong đó kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng. “Nghị quyết TW 5 khóa XII của Ban chấp hành TW Đảng về phát triển kinh tế tư nhân” là minh chứng rõ ràng nhất cho nỗ lực của Việt Nam. Cùng với đó là việc Quốc Hội vừa thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV khẳng định quyết tâm của Chính phủ thúc đẩy khối DNNVV.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng bày tỏ tiếc nuối khi Diễn đàn chưa đề cập sâu sắc tới việc thu hút FDI vào Việt Nam và tăng cường liên kết giữa DN FDI với DN trong nước mặc dù nội dung này là chủ đề của Diễn đàn giữa kỳ này.
“Hiện đang có sự “lệch pha” giữa DN FDI và kinh tế trong nước và quan điểm của Chính phủ là tạo mọi điều kiện thuận lợi để tiếp tục thu hút nhiều hơn nữa DN FDI, kết nối sản xuất, đầu tư với DN trong nước để cho cả hai khối có sự phát triển đồng đều, đủ năng lực tham gia vào các chuỗi sản xuất có giá trị của thế giới”- Phó Thủ tướng bày tỏ.
Ngay tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng đã đánh giá cao sáng kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội các nhà đầu tư Đài Loan sẽ cùng nhóm họp để tăng cường tính kết nối giữa hai bên và bày tỏ mong muốn các hiệp hội DN khác cũng sẽ bàn thảo cụ thể với phía Việt Nam về chủ đề này.
“Chúng tôi cũng mong muốn khu vực FDI cũng phải coi thành công của DN Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung là thành công của các bạn!”- Phó Thủ tướng phát biểu.