Mặc dù các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Công an khẳng định doanh nghiệp làm đúng nhưng Bộ Công Thương vẫn nhất quyết “nói không” khiến doanh nghiệp điêu đứng…
Doanh nghiệp làm đúng
Theo Cty TNHH Đầu tư phát triển Lâm nông nghiệp Việt Nam (VINAFADICO), đầu năm 2012, Tổng lãnh sự quán Vương quốc Campuchia có công hàm gửi Văn phòng Chính phủ Việt Nam và UBND tỉnh Đắk Nông thông báo việc Chính phủ Campuchia đồng ý cho VINAFADICO nhập khẩu gỗ từ Campuchia.
Ảnh minh họa. |
Sau khi được sự chấp thuận của cấp trên, UBND tỉnh Đắk Nông đã hiệp thương với tỉnh Mundulkiri thành lập cửa khẩu phụ (lối mở 751) giúp doanh nghiệp (DN) hai nước vận chuyển gỗ. Ngày 12/9/2012, UBND tỉnh Đắk Nông có văn bản đồng ý cấp phép cho DN nhập khẩu 10.000m3 gỗ nguyên liệu qua cửa khẩu này.
Từ đây, gỗ của VINAFADICO đã tập kết được một phần về kho, bãi của DN nằm tại cửa khẩu phụ 751 nhưng Tổng cục Hải quan vẫn chưa cho phép thông quan mà yêu cầu DN phải xin ý kiến Bộ Công Thương.
UBND tỉnh Đắk Nông có văn bản gửi Thủ tướng, các Bộ, ngành liên quan khẳng định việc cấp phép của tỉnh trong trường hợp này là đúng pháp luật; Bộ Tư pháp, Bộ NN&PTNT và Bộ Công an có Công văn trả lời VINAFADICO với nội dung: Cty nhập khẩu gỗ qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới thuộc địa bàn tỉnh Đắk Nông do Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông quyết định, cho phép là đúng quy định.
Tuy nhiên, ngày 12/12/2012, Bộ Công Thương có công văn gửi UBND tỉnh Đắk Nông, Bộ Tài Chính, Hiệp hội Gỗ lâm sản Việt Nam cho rằng chưa đủ cơ sở để cho phép nhập khẩu gỗ từ Campuchia vì Bộ này chưa nhận được công văn của Bộ Thương mại Campuchia thông báo đồng ý cho phép Cty AngKor Plywood Co của Campuchia được phép xuất sang Việt Nam; Bộ cũng chưa nhận được hồ sơ xin phép nhập khẩu gỗ của VINAFADICO.
Chính vì chưa đủ điều kiện để được cấp phép nhập khẩu gỗ từ Campuchia nên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chưa có cơ sở quyết định cho doanh nghiệp vận chuyển gỗ qua cửa khẩu phụ, lối mở 751.
Với công văn này, ý kiến của Bộ Công Thương không chỉ trái với quan điểm của Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an và UBND tỉnh Đắk Nông mà còn mâu thuẫn với chính Thông tư 13 của Bộ Công Thương ban hành. Bởi theo Thông tư này thì thẩm quyền cấp phép nhập khẩu trường hợp này thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông và DN không phải báo cáo Thủ tướng.
Vẫn không thông
Bộ Công Thương mới có văn bản báo cáo Thủ tướng. Sau khi lý giải nguyên nhân dẫn đến việc Bộ này buộc VINAFADICO phải báo cáo, xin phép mình để được nhập khẩu gỗ, trong khi DN đã có đủ giấy tờ liên quan theo quy định tại Thông tư số 13 do chính Bộ này ban hành năm 2009, bên cạnh những lý do như e ngại việc nhập khẩu gỗ có thể sẽ là cái cớ để bị xuyên tạc, bịa đặt bôi nhọ…
Bộ Công Thương dẫn Thông tư số 04 do Bộ này ban hành năm 2006 để khẳng định: DN nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Campuchia về Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện chính: lô gỗ xuất khẩu đó phải được Bộ Thương mại Campuchia cấp phép xuất khẩu; DN được Bộ Công Thương Việt Nam cấp phép nhập khẩu; việc vận chuyển, giao nhận gỗ được thực hiện qua các cửa khẩu đã được thống nhất giữa hai Chính phủ và ghi trong giấy phép….
Cách lập luận và dẫn Thông tư số 04 như trên của Bộ Công Thương là không ổn, bởi xét về hiệu lực văn bản thì Thông tư số 13 ra đời sau (năm 2009) nên được ưu tiên áp dụng so với Thông tư số 04 và quan trọng hơn là loại hàng hóa nhập khẩu bị điều chỉnh theo Thông tư số 04 khác (so với Thông tư số 13) nên cần cơ chế cấp phép xuất nhập khẩu khác và buộc phải thông qua 13 cặp cửa khẩu biên giới đất liền theo danh mục cụ thể và các cửa khẩu quốc gia và quốc tế bằng đường biển.
Còn ở trường hợp này, VINAFADICO nhập gỗ nguyên liệu - một loại hàng được xác định rõ là do Thông tư số 13 của Bộ Công Thương điều chỉnh và thẩm quyền cấp phép nhập khẩu trong trường hợp này thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông và không buộc DN phải báo cáo Thủ tướng.
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng, Bộ Công Thương khẳng định DN đã “hiểu nhầm” và “vận dụng không đúng văn bản”, nhưng về vụ việc này, trong Công văn 9719/BTP-CV ngày 6/12/2012 Bộ Tư pháp đã khẳng định: “Hoạt động nhập khẩu gỗ nguyên liệu của VINAFADICO chịu sự điều chỉnh của Thông tư số 13 của Bộ Công Thương. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép nhập khẩu nguyên liệu này cho Cty là Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông.
Vì vậy, việc yêu cầu Cty phải được sự cấp phép của Bộ Công Thương thì mới được nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Campuchia là không có sơ sở. Cty đã có đủ điều kiện để nhập khẩu gỗ và các cơ quan nhà nước có liên quan có trách nhiệm làm thủ tục thông quan cho Cty. Do vậy, việc Bộ Công Thương yêu cầu Cty phải báo cáo Thủ tướng là không có cơ sở”.
Tương tự, Bộ NN&PTNT tại Công văn số 1523 ngày 5/11/2012 và Bộ Công an tại Công văn số 2036 ngày 31/10/2012 đều cho rằng: Cty nhập khẩu gỗ qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới thuộc địa bàn tỉnh Đắk Nông do Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông quyết định, cho phép là đúng quy định.
Các cơ quan chức năng cần sớm kết luận sự việc trên tinh thần thượng tôn, vận dụng đúng quy định của pháp luật để hạn chế thiệt hại mà DN này đang phải gánh chịu, tránh mất niềm tin của cộng đồng DN trong thời điểm khó khăn hiện nay.
Gia Bình