Lấy lý do tạm giữ để kiểm tra hành chính, Chi cục Hải quan Cảng Đà Nẵng đã om lô hàng gần 2 tháng nay trong khi dấu hiệu vi phạm thì… chưa tìm thấy.
Lực lượng Hải quan kiểm tra hàng tại cảng Tiên Sa - Đà Nẵng |
“Giam” hàng tìm vi phạm
Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng, một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh gỗ có địa chỉ tại Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị ký hợp đồng mua bán gỗ với Nhà máy chế biến gỗ nội thất tỉnh Savanakhet (Lào). Theo đó, Cty Ngọc Hưng nhập hơn 535m3 gỗ Trắc, đóng trong 22 công-ten-nơ. Số hàng này nhập khẩu qua cửa khẩu Lao Bảo và được hải quan cửa khẩu Lao Bảo cho thông quan.
Theo lộ trình, lô hàng gỗ này được xuất thẳng sang Hồng Kông qua cửa khẩu cảng Cửa Việt, không lưu kho tại Việt Nam. Chi Cục hải quan cửa khẩu Cửa Việt cũng đã thực hiện niêm phong công-ten-nơ theo quy định để chuyển khẩu đến cửa khẩu cảng Đà Nẵng.
Trên lộ trình xuất khẩu, lô hàng được chuyển khẩu từ cảng Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị vào cảng Đà Nẵng để xuất đi Hồng Kông. Lộ trình của các xe đầu kéo được đăng ký đi theo tuyến quốc lộ 1A từ Quảng Trị đến cảng Đà Nẵng. Tuy nhiên, một trong các xe chở hàng đã đi không đúng tuyến nên đã bị Công an quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng kiểm tra và tạm giữ, giao cho Chi Cục hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng kiểm tra, xử lý theo quy định.
Chi Cục hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng đã kiểm tra công-ten-nơ hàng và không phát hiện vi phạm gì. Toàn bộ số hàng chưa trong công-ten-nơ còn nguyên niêm phong hải quan đã được kiểm tra và xác định, số gỗ đã kiểm tra đúng với số gỗ đã khai báo hải quan. Vì thế, 22 công-ten-nơ gỗ của Công ty Ngọc Hưng được phép xếp lên tàu để xuất khẩu. Công ty NGọc Hưng cũng đã khai báo và nộp số thuế GTGT hơn 3,2 tỷ đồng. Mặt hàng này thuộc đối tượng không phải nộp thuế xuất nhập khẩu.
Mọi chuyện tưởng như đã xong thì bất ngờ, ngày 20/1/2012, Chi Cục hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng có quyết định tạm giữ “tang vật” phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Theo đó, tất cả 22 công-ten-nơ hàng gỗ trắc xuất khẩu của Công ty Ngọc Hưng đã được xếp lên tàu đều bị bốc dỡ xuống để kiểm tra. Lý do của việc kiểm tra cũng đã được nêu trong quyết định này là Cty Ngọc Hưng có vi phạm hành chính và số gỗ trên là “tang vật” vi phạm.
Tuy nhiên, Cty Ngọc Hưng không được thông báo là họ đã có hành vi vi phạm hành chính gì liên quan đến cả 22 công-ten-nơ hàng? Trước đó, trong biên bản khám nơi cất tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, chính Chi Cục hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng đã không không xác định được doanh nghiệp có vi phạm.
Doanh nghiệp kêu cứu
Mặc dù không xác định hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan của Cty Ngọc Hưng là gì nhưng lô hàng 22 công-ten-nơ gỗ vẫn bị tạm giữ đến ngày 8/3 để kiểm tra. Điều kỳ lạ là, cơ quan kiểm tra tiến hành kiểm tra theo kiểu “nhỏ giọt” như… vừa làm vừa nghỉ. Vì thế, dù lô hàng bị kiểm tra từ ngày 20/1/2012 nhưng đến nay vẫn chưa kiểm tra xong.
Phía Cty Ngọc Hưng thì khốn đốn với việc tạm giữ hàng “để kiểm tra” này. Theo đại diện Công ty, doanh nghiệp không vi phạm điều khoản nào được quy định trong Nghị định 97/2007/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Đặc biệt là không gian lận thuế vì đây là mặt hàng không chịu thuế xuất nhập khẩu, chỉ phải tạm nộp thuế giá trị gia tăng và doanh nghiệp cũng đã thực hiện xong nghĩa vụ này. Vì thế, không có chuyện doanh nghiệp vi phạm pháp luật như cơ quan hải quan xác định.
Cũng theo Cty Ngọc Hưng, trong thời gian qua, Cty liên lục đề nghị kiểm tra để nhanh trong giải phóng lô hàng. Nhưng, hơn 45 ngày, cơ quan hải quan mới kiểm tra được 3 công-ten-nơ. Điều này đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của doanh nghiệp do hàng hóa bị “giam” và Cty Ngọc Hưng đã chậm giao hàng cho đối tác. Theo doanh nghiệp này, nếu ghi ngờ doanh nghiệp vi phạm thì phải nhanh chóng kiểm tra để khẩn trương xử lý nếu phát hiện vi phạm. Ngược lại, nếu doanh nghiệp không có hành vi vi phạm nào thì phải thông quan cho doanh nghiệp.
Theo Luật sư Đoàn Thu Nga, Giám đốc Cty Luật TNHH Lawpro thì việc tạm giữ hàng của Công ty Ngọc Hưng có dấu hiệu trái pháp luật. Vì, khi tạm giữ, cơ quan hải quan không xác định được doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật cụ thể nào; không có biên bản vi phạm hành chính nhưng vẫn khám “nơi cất dấu tang vật, phương tiện vi phạm”. Hơn nữa, đây là mặt hàng không chịu hạn ngạch, không chịu thuế, doanh nghiệp nhập khẩu rồi xuất khẩu nguyên lô, không lưu kho nên không thể có vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan như cơ quan hải quan “nghi ngờ”.
Luật sư Đoàn Thu Nga cũng cho rằng, trong quá trình tạm giữ và kiểm tra lô hàng này còn có nhiều sai sót về trình tự, thủ tục và đối tượng tạm giữ. Hậu quả là doanh nghiệp thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế. Vì vậy, Cơ quan hải quan đang tạm giữ lô hàng cần nhanh chóng giải quyết dứt điểm vụ việc, trả lại hàng hóa cho doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vụ việc này trong các số báo tới.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Quý - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan - cho biết: Qua xem xét lô hàng, qua kiểm tra chúng tôi phát hiện thêm một số đầu gỗ khác với kê khai ban đầu của doanh nghiệp là gỗ trắc, các loại gỗ này có trị giá tương đương và thấp hơn gỗ trắc, hiện chúng tôi chưa thể khẳng định đây là lô hàng gỗ ậu bởi gỗ trắc của Doanh nghiệp có mức thuế xuất khẩu, nhập khẩu là 0%. “Khi phát hiện lô hàng không đúng với khai báo, Tổng cục Hải quan chỉ đạo Hải quan Đà Nẵng tạm giữ toàn bộ lô hàng để khám xét. Đến nay mới kiểm tra được trên 7 công-ten-nơ, chúng tôi đang tiếp tục kiểm tra tiếp và phân loại gỗ; đồng thời xác minh quy trình nhập khẩu để chứng minh nguồn gốc của lô hàng. Còn việc tạm giữ để kiểm tra qua 2 tháng thì là do dịp Tết nghỉ dài, hơn nữa nhiều công-ten-nơ hàng mà anh em cán bộ lại ít người nên thời gian bị kéo dài là không thể khác được, hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục việc khám xét để báo cáo sự việc cụ thể lên cấp trên” - ông Quý cho biết. |
Bình Minh