Doanh nghiệp bất tín khi "đem con bỏ chợ"?
Từ khu neo đậu Johor, Malaysia, thuyền trưởng cùng các thuyền viên tàu Việt Tín 01 những ngày qua liên tục có đơn kêu cứu khẩn cấp đến Báo Pháp luật Việt Nam.
Theo thuyền trưởng Lương Quyết Thắng: Công ty TNHH Công nghệ mới Thuận Thiên (Địa chỉ: 149 Lam Sơn, phường Lam Sơn, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) đã đặt cọc mua tàu Việt Tín 01 của Công ty Cổ phần Vận tải Việt Tín và ký hợp đồng thuê ông Nguyễn Văn Quảng (thợ máy trưởng tàu) cùng các thuyền viên sang Malaysia nhập tàu từ ngày 10/3/2020 để sửa chữa và đưa tàu về Việt Nam trong vòng 15 ngày.
Hợp đồng quy định, “nếu quá 15 ngày không đưa tàu về thì phía công ty tiếp tục trả lương và các chi phí khác cho tàu”. Công ty TNHH Công nghệ mới Thuận Thiên giữ hợp đồng mà không giao cho người lao động giữ.
Tuy nhiên, theo các thuyền viên trên tàu Việt Tín 01, do Công ty TNHH Công nghệ mới Thuận Thiên không hoàn thành nghĩa vụ tài chính dẫn đến việc mua bán, chuyển đổi quyền sử dụng con tàu chưa thể hoàn thành nên tàu không thể đưa về Việt Nam như kế hoạch ban đầu.
12 thuyền viên mắc kẹt tại khu neo đậu Johor, Malaysia cùng với tàu Việt Tín 01 bị Công ty TNHH Công nghệ mới Thuận Thiên bỏ rơi từ 25/3 đến nay. Ảnh: NVCC. |
Từ đó đến nay, gần 6 tháng trôi qua, 12 thuyền viên nhập tàu Việt Tín 01 không thể hồi hương, sống khổ sở, mắc kẹt tại khu neo đậu Johor, Malaysia. Tệ hại hơn, theo các thành viên trên tàu thì từ ngày 25/3 đến ngày 31/7 họ không nhận được bất cứ đồng lương nào từ Công ty TNHH Công nghệ mới Thuận Thiên gửi sang.
Chẳng những vậy, phía Công ty TNHH Công nghệ mới Thuận Thiên còn ngừng cung cấp luôn tiền ăn uống, chi phí sinh hoạt khác cũng như tiền sửa chữa, bảo dưỡng tàu Việt Tín 01 từ ngày 26/5 đến ngày 3/7.
Bất tuân chỉ đạo
Sau khi nhận được đơn kêu cứu của các thuyền viên tàu Việt Tín 01, liên tiếp từ ngày 8/6 đến ngày 28/7, Cục Hàng hải Việt Nam đã gửi 04 công văn tới Công ty TNHH Công nghệ mới Thuận Thiên và Công ty Cổ phần Vận tải Việt Tín yêu cầu các doanh nghiệp chi trả tiền ăn, tiền lương và đóng kinh phí cho Đại lý tàu để làm các thủ tục cần thiết cho 12 thuyền viên tàu Việt Tín 01 về nước.
Chỉ đạo mới nhất của Cục Hàng hải Việt Nam do Phó Cục trưởng Hoàng Hồng Giang ký ngày 28/7 vẫn bị DN "bỏ ngoài tai". |
Tuy nhiên, tính đến ngày 4/8, các doanh nghiệp này vẫn chưa thực thi yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực hàng hải.
Như vậy, nếu Công ty TNHH Công nghệ mới Thuận Thiên không đóng kinh phí cho đại lý tàu và cũng tiếp tục không chi trả tiền ăn cho các thuyền viên sau “hạn chót” mà Cục Hàng hải Việt Nam đưa ra, điều đó có nghĩa là 12 thuyền viên tàu Việt Tín 01 có nguy cơ sẽ tiếp tục bị “mắc kẹt” trên tàu trong tình trạng thiếu lương thực và không đảm bảo các điều kiện về an toàn, sức khỏe.
Đại diện cho các thuyền viên tàu Việt Tín 01, thuyền trưởng Lương Quyết Thắng cho biết: “Chúng tôi chỉ mong muốn sớm được trở về nhà và trước khi về công ty TNHH Công nghệ mới Thuận Thiên phải thanh toán lương và các chi phí khác cho thuyền viên như hợp đồng lao động đã ký kết”.
Theo tài liệu các thuyền viên tàu Việt Tín 01 cung cấp cho PV Báo Pháp luật Việt Nam, tổng số tiền mà Công ty TNHH Công nghệ mới Thuận Thiên còn thiếu của họ đến ngày 31/7 là 1.041.249.000 VNĐ, trong đó tiền ăn là 51.770.000 VNĐ, tiền vệ sinh két dầu nhờn máy chính là 20.000.000 VNĐ, tiền lương của 12 người là 963.479.000 VNĐ, tiền điện thoại là 6.000.000 VNĐ.
Đơn đề nghị tập thể của 12 thuyền viên tàu Việt Tín 01 gửi Đại Sứ quán Việt Nam tại Malaysia. |
Ngày 17/7, tại trụ sở Cục Hàng hải Việt Nam, Phó Cục trưởng Hoàng Hồng Giang đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp liên quan nhằm kịp thời hỗ trợ các thuyền viên tàu Việt Tín 01 tại khu vực Johor, Malaysia.
Phát biểu kết luận cuộc họp này, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang khẳng định, Công ty CP Vận tải Việt Tín hiện vẫn đang là chủ tàu Việt Tín 01, do vậy chịu trách nhiệm với con tàu và các thuyền viên trên tàu theo quy định của pháp luật về hàng hải.
Trong khi đó, Công ty TNHH Công nghệ mới Thuận Thiên là đơn vị ký hợp đồng với các thuyền viên, thợ sửa chữa và điều động nhân lực này xuống tàu, chịu trách nhiệm trực tiếp về sự an toàn, chế độ chính sách liên quan đến các thuyền viên và thợ sửa chữa trên tàu Việt Tín 01.
Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu, ngay sau cuộc họp, Công ty CP Vận tải Việt Tín và Công ty TNHH Công nghệ mới Thuận Thiên khẩn trương có văn bản báo cáo cụ thể, chi tiết các nội dung liên quan với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về tình hình tàu Việt Tín 01 và các thuyền viên tại Malaysia, kèm theo đầy đủ hồ sơ và các giấy tờ có liên quan. Mặt khác, hai công ty có biện pháp liên lạc với các thuyền viên tại Malaysia để nắm rõ tình hình, kịp thời chia sẻ, hỗ trợ nhất là về vấn đề lương thực, sức khỏe, y tế...
Ngày 28/7, Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục có công văn hỏa tốc yêu cầu Công ty TNHH Công nghệ mới Thuận Thiên khẩn trương thực hiện trách nhiệm của chủ tàu với 12 thuyền viên tàu Việt Tín 01 và đóng kinh phí để làm thủ tục đưa thuyền viên về nước trước ngày 31/7. Tuy nhiên đến thời điểm ngày 4/8, phía Công ty TNHH Công nghệ mới Thuận Thiên vẫn bất tuân chỉ đạo.
Đáp lại ý kiến chỉ đạo của Cục Hàng hải VN, Công ty TNHH Công nghệ mới Thuận Thiên vẫn không hề đả động đến trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ lao động đối với các quyền lợi chính đáng của 12 thuyền viên. |
Ngày 3/8, PV Báo Pháp luật Việt Nam có cuộc trao đổi nhanh qua điện thoại với một vị đại diện Cục Hàng hải Việt Nam phụ trách vụ việc để tiến hành xác minh diễn biến câu chuyện "lùm xùm" thời gian qua.
Theo vị này, ngày 31/7, Công ty TNHH Công nghệ mới Thuận Thiên đã có văn bản báo cáo Cục Hàng hải về phương án đưa 12 thuyền viên tàu Việt Tín 01 hồi hương, theo đó doanh nghiệp hứa sẽ nộp tiền hoàn tất thủ tục về nước cho người lao động trước ngày hôm nay, 5/8. Còn các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người lao động như tiền lương và các chi phí phát sinh khác phía doanh nghiệp chưa báo cáo, đồng nghĩa chưa đưa ra phương án cụ thể.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, đến nay, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân đối với 12 thuyền viên tàu Việt Tín 01 mắc kẹt tại Malaysia.
Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã làm việc với cơ quan chức năng của Malaysia cũng như liên lạc với ông Azlan Shah Bin Ariffin - Giám đốc Công ty Temedor Shipping and Forwarding (Đại lý quản lý tàu Việt Tín 01).
Kết quả, tính đến thời điểm hiện tại, các thuyền viên và anh Nguyễn Văn Quảng (thợ máy trưởng tàu) đều có thể về nước khi có chuyến bay. Các thuyền viên sẽ phải trải qua quá trình kiểm tra, xét nghiệm Covid-19, hoàn thành các thủ tục với Cục Di trú để rời tàu lên trên đất liền.
Theo báo cáo của Đại lý quản lý tàu Việt Tín 01, thủ tục sẽ kéo dài khoảng 1 - 2 tuần và chi phí là 22.000 RM (khoảng 5.100 USD). Sau khi nhận được số tiền trên, Đại lý sẽ tiến hành xử lý. Dự kiến các thuyền viên sẽ về Việt Nam trong tháng 8/2020 khi có chuyến bay đưa công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước.