Ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu và đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, ngành của tỉnh đã dành thời gian giới thiệu tới Đoàn những nét nổi bật của tỉnh về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên cũng như tình hình kinh tế, xã hội của địa phương.
Lai Châu là tỉnh biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 400 km về phía Đông Nam, phía Bắc và Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, phía Tây giáp tỉnh Điện Biên, phía Đông và phía Đông Nam tiếp giáp với hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái, phía Nam tiếp giáp với tỉnh Sơn La. Đây cũng là nơi địa hình được tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, có nhiều đỉnh núi cao như đỉnh Pu Sa Leng cao 3.096 m.
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu |
Ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, Lai Châu được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho một nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú bao gồm: tài nguyên đất, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên du lịch... Đây là những sản vật vô giá mà tạo hoá đã ban tặng cho Lai Châu.
Với diện tích tự nhiên hơn 9.000 km2, Lai Châu có 08 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm thành phố Lai Châu và các huyện: Mường Tè, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Tam Đường, Phong Thổ, Tân Uyên, Than Uyên với 108 đơn vị hành chính cấp xã.
Dân số toàn tỉnh hiện có trên 403 nghìn người, gồm 20 dân tộc cùng sinh sống trong đó dân tộc Thái chiếm 34%; dân tộc Mông chiếm 22,30%; dân tộc Kinh chiếm 13,94%; dân tộc Dao chiếm 13,41%...
Đoàn đi nghiên cứu thực tế Lớp K66 B5 có cán bộ của 8 Bộ, ngành tham gia |
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cũng nhận định, do điều kiện địa hình phức tạp và bị chia cắt mạnh cùng với diện tích tự nhiên lớn, mật độ dân cư thấp và phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở các thị trấn, thị xã và các vùng chuyên canh sản xuất lương thực tập trung nên việc đi lại giao lưu hàng hoá giữa các vùng trong tỉnh, giữa tỉnh với các địa phương khác của cả nước gặp rất nhiều khó khăn. Điều đó cũng là trở ngại lớn trong việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội do đơn giá quá cao, suất đầu tư lớn, khả năng huy động và sự đóng góp của nhân dân hạn chế.
Bên cạnh những khó khăn, hạn chế trên, điều kiện tự nhiên của tỉnh cũng có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, nhất là phát triển nông - lâm nghiệp và thương mại - dịch vụ - du lịch với các ưu thế nổi bật như: có diện tích đất đai chưa được khai thác rất rộng lớn; có Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng giáp với Trung Quốc; có nhiều danh lam thắng cảnh với bản sắc văn hoá dân tộc phong phú.
Thay mặt Đoàn công tác, Đại tá Vũ Quốc Toản trao tặng lãnh đạo tỉnh Lai Châu bức ảnh kỷ niệm, cảm ơn sự đón tiếp thân tình, trọng thị của tỉnh Lai Châu dành cho Đoàn |
Với những nỗ lực của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Lai Châu, điều mà Phó Chủ tịch Lê Trọng Quảng cũng như lãnh đạo tỉnh Lai Châu tự hào là “Lai Châu không còn đói”.
Dự kiến, trong thời gian nghiên cứu thực tế tại các tỉnh Tây Bắc (từ 5 - 8/7), bên cạnh việc tìm hiểu sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của Lai Châu, Đoàn cán bộ Lớp cao cấp lý luận chính trị B5-K66, Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh sẽ có nhiều hoạt động ý nghĩa khác như: thăm, tặng quà một số học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; dâng hương, viếng Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ và thăm quan một số di tích lịch sử của 2 tỉnh Điện Biên, Lai Châu.
Thăm, tặng quà Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lai Châu
Ngay trong chiều 5/7, Đoàn công tác đi nghiên cứu thực tế của Lớp cao cấp lý luận chính trị K66-B5 đã tới thăm và tặng quà Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lai Châu.
Ông Hoàng Gia Long, Giám đốc Trung tâm cho biết, hiện Trung tâm đang bảo trợ, chăm sóc cho 120 cháu mồ côi, khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Các cháu rất vui mừng và xúc động khi nhận được sự quan tâm của Đoàn công tác. Một số hình ảnh của Đoàn tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lai Châu: