Trong lễ hội, hai tiết mục được mong đợi nhất là Trò Trám và Lễ Mật.
Trò Trám, là tiết mục mang lại tiếng cười nhất bởi những câu hò đối đáp mang đậm tín ngưỡng phồn thực như: “Gặp đây em mới hỏi chàng / Cái gì lủng lẳng một gang trong quần? - Nàng hỏi thì ta thưa rằng / Cái đeo lủng lẳng là giằng cối xay”.
Đúng 0h đêm ngày 12 tháng Giêng, người dân bắt đầu chứng kiến tận mắt cảnh giao hợp trong Lễ Mật. Trước tiên là tung đồng tiền xu để cầu xin thần thánh. Đây cũng là lúc, linh vật được đưa ra từ nơi cất giấu linh thiêng trong ngôi miếu.
Người Tứ Xã quan niệm, khi các thần linh chứng giám thì lúc đó linh vật mới thiêng. Thời điểm giao thời được cho là giờ lành, là thời điểm giao hòa giữa trời và đất. Chủ từ cất tiếng ca kêu gọi đôi nam nữ được chọn thực hiện nghi thức "tình phộc" ra ngoài.
Chị Huyền và chồng làm "chuyện ấy" ở giữa miếu lần đầu rất xấu hổ. Ảnh: Quốc Quân. |
Nghi thức Lễ Mật được thực hiện trong màn đêm. Khi điện tắt, cụ từ mới lấy lễ vật ra và trao cho hai người được chọn, một nam và một nữ cầm hai linh vật và chuẩn bị thực hiện nghi thức.
Trong bóng đêm, tiếng cụ từ vang lên “Linh tinh tình phộc” – đó là tín hiệu cho một lần giao hợp. Lúc này, ở ngoài đình, người dân và khách thập phương ai cũng vui mừng.
Tiếng “tháo khoán” được cụ Từ hô to khi vừa kết thúc ba lần “Linh tinh tình phộc”. Lúc này, các đôi trai gái được “tự do” mọi chuyện.
Vợ chồng anh Chử Đức Chiến và chị Bùi Thị Thanh Huyền vinh dự được chọn làm “chuyện ấy” trong Lễ Mật. . Ảnh: Quốc Quân. |
Vợ chồng anh Chử Đức Chiến (38 tuổi) và chị Bùi Thị Thanh Huyền (26 tuổi) đã vinh dự được chọn là người thực hiện nghi thức làm “chuyện ấy” tại miếu Trò.
Chia sẻ với PV thực hiện nghi thức linh thiêng ấy, anh Chiến cho biết: “Lúc đầu mới tham gia thực hiện nghi thức “tình phộc” có chút ngại ngần nhưng đây là nghi thức truyền thống và được người dân trong làng tín nhiệm nên vợ chồng tôi không ngại ngùng nữa”.
“Nghi thức năm ngoái anh và vợ đã thực hiện “tình phộc” 3 lần trúng cả 3, có thể vì thế mà công việc làm ăn của hai vợ chồng tốt đẹp hơn, kinh tế gia đình anh năm qua cũng vững vàng hơn. Năm nay vợ chồng anh lại vinh dự được chọn để tiếp tục thực hiện "tình phộc"”.- Anh Chiến cho biết thêm.
Ông Nguyễn Hồng Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Tứ Xã cho biết, lễ hội Trò Trám gắn với câu chuyện thuở trước khi dân còn thưa thớt, đất nước cần nhân lực cho lao động sản xuất và bảo vệ bờ cõi, vì vậy lễ hội là sự cầu may cho con người luôn sinh sôi nảy nở, phát triển giống nòi.
Người dân Tứ Xã tham gia diễn trò “Tứ dân chi nghiệp”, còn gọi là “bách nghệ khôi hài” - một màn kịch dân gian vui nhộn khắc họa 4 nghề chính trong đời sống (sỹ, nông, công, thương) với những làn điệu dân ca riêng biệt của vùng quê đất Tổ. Ảnh: Quốc Quân. |
Xưa kia, vào giờ "tháo khoán", theo phong tục, ngoài rừng trám các đôi trai gái và dân làng được tự do mọi chuyện và nữ phải giữ một vật của nam để làm tin. Cô nào mang thai trong dịp đó là lễ “hèm” của làng thành công, đem lại điều may mắn cả năm cho gia đình và cà làng. Những đứa trẻ sinh ra từ đêm “linh tinh tình phộc” được làng chấp nhận vì họ cho rằng những đứa trẻ đó sẽ mang lại sự phồn vinh cho cả làng.
Ngày nay, tục “tháo khoán” không còn, chỉ là hò reo vui vẻ nhưng tín ngưỡng phồn thực, hoạt động tính giao vẫn được tôn vinh và trở thành linh thiêng, chứa đựng ý niệm tốt đẹp, nguyện vọng tha thiết cầu mong sự sinh sôi, phát triển của cư dân nông nghiệp.
Được biết, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đã công nhận lễ hội Trò Trám, Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.