Hà Trần làm mới mình với… “Anh cứ đi đi”
Việc Hà Trần đứng trên sân khấu thể hiện lại bài hát “Anh cứ đi đi”, một sáng tác của nhạc sĩ Vương Anh Tú, gắn liền với giọng hát của Hari Won đã thực sự làm cho người hâm mộ của nữ ca sĩ ngỡ ngàng.
Không ngạc nhiên sao được, khi nữ ca sĩ thuộc “thế hệ thực lực”, với gu âm nhạc là những bài hát đầy đẳng cấp của các nhạc sĩ gạo cội như Trần Tiến, Quốc Bảo..., từng thể nghiệm đầy đặc biệt với âm nhạc của Ngọc Đại, nay lại đứng trên sân khấu nhún nhảy với một bài nhạc trẻ mà cả phần lời lẫn phần nhạc đều bình bình, như bao bài nhạc trẻ được tuổi teen nghêu ngao khác: “Mình buồn thì tim mình đau/Mình buồn thì ai thấu đâu/Từng lời buông chưa hết câu/Nước mắt đã dâng khoé sầu...”.
Nhiều fan hâm mộ đã bày tỏ sự lo lắng, phải chăng thần tượng của họ đang bắt đầu thay đổi gu âm nhạc, chỉ để theo kịp nhu cầu của thị trường hải ngoại?
Nói về chiều chuộng thị trường, nhiều khán giả nhớ đến trường hợp của nữ ca sĩ Thu Phương. Thu Phương của thời điểm còn hát ở Việt Nam và sau khi gia nhập thị trường hải ngoại cũng đã có sự khác biệt rất lớn. Và cả sau khi Thu Phương một lần nữa gia nhập thị trường nhạc trong nước, sự thay đổi ấy càng lớn hơn nữa.
Trong làng nhạc Việt, Thu Phương được xếp hạng ca sĩ đẳng cấp, chỉ đứng sau các diva, tên tuổi gắn liền với “Biển nỗi nhớ và em”, “Đêm nằm mơ phố”, “Dòng sông lơ đãng”, nay đã biến hình thành “tắc kè hoa” với việc chọn bài hát thuộc đủ các thể loại âm nhạc khác nhau, từ bán cổ điển đến nhạc vàng, nhạc nhẹ và cả nhạc thị trường.
Có thời điểm người ta thấy Thu Phương dính vào lùm xùm tranh chấp tác quyền với nam ca sĩ Tuấn Hưng khi chị hát bài “Nắm lấy tay anh” mà Tuấn Hưng đã mua tác quyền, một bài hát chẳng có vẻ gì phù hợp với Thu Phương: “Nắm tay anh thật chặt/ Giữ tay anh thật lâu/ Hứa với nhau một câu sẽ đi trọn đến cuối con đường”.
Thời điểm khác, khán giả lại thấy Thu Phương bị nhạc sĩ Châu Đăng Khoa “tố” là sử dụng bài hát “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” mà không xin phép anh, trong khi bài hát đã được Châu Đăng Khoa bán độc quyền trong vòng 2 năm cho nữ ca sĩ trẻ Ái Phương. Và Thu Phương còn hát khá nhiều ca khúc “hit” của những ca sĩ trẻ khác, những bài hát mà chị có thể hát để khán giả của mình vui, nhưng không phù hợp với đẳng cấp, chất giọng hay sự trải nghiệm của nữ ca sĩ.
Bằng Kiều, nam ca sĩ nổi danh ở Việt Nam, tại thị trường hải ngoại cũng đã không ít lần thể hiện những ca khúc nhạc trẻ, nhạc thị trường không hợp với chất giọng của anh. Cũng không ít lần, người ta thấy Bằng Kiều trên sân khấu sánh đôi cùng các nữ ca sĩ bốc lửa để hát những bài “hit” của giới trẻ Việt.
Danh ca cũng phải “câu” khán giả
Dường như, sự thay đổi của môi trường âm nhạc, cùng với sức cạnh tranh của thị trường đã khiến nhiều nghệ sĩ phải chấp nhận tiếp nhận những giá trị mới, cho dù nó không phù hợp với mình, chỉ để giữ được khán giả, chiều chuộng sự “đỏng đảnh” của thị trường.
Không chỉ ca sĩ Việt sang hải ngoại phải thay đổi như thế, mà cả ca sĩ hải ngoại về Việt Nam dường như cũng phải “trẻ hoá” để hoà nhập. Trước Trần Thu Hà, nữ ca sĩ nổi tiếng hải ngoại Thanh Hà cũng đã cover bài “Anh cứ đi đi” mà khán giả đã quen với giọng hát của Hari Won để nhận sự tung hô của khán giả tuổi teen.
Thời gian trước đây, nam danh ca Tuấn Ngọc cũng đã gây ra một cuộc tranh cãi lớn khi sóng đôi cùng ca sĩ nhạc trẻ Sơn Tùng M-TP trên sân khấu để thể hiện ca khúc nhạc trẻ đang “làm mưa làm gió” của Sơn Tùng: “Chúng ta không thuộc về nhau”. Sau màn song ca ấy, Tuấn Ngọc có lẽ mất nhiều hơn là được, khi người hâm mộ lâu năm của danh ca cho rằng anh “cưa sừng làm nghé”, dễ dãi, còn fan hâm mộ tuổi teen của Sơn Tùng thì chê bai Tuấn Ngọc hát bài này không hay bằng thần tượng của họ (!).
Sự cạnh tranh của thị trường âm nhạc thật khốc liệt, nó khiến khán giả phải chứng kiến bao đổi thay của những nghệ sĩ gạo cội mà họ yêu mến, có người gia nhập đội ngũ game show, đứng chung hàng giám khảo với các ca sĩ nhạc thị trường, nhún nhảy, làm trò, tạo scandal trên sân khấu. Có người cover bài hát nhạc thị trường, hay đổi dòng nhạc... Tất cả đều nhằm mong muốn tiếp cận thị trường tốt hơn, hình ảnh không bị cũ, mòn, lãng quên. Hoặc đơn giản hơn là vì thu hút khán giả, vì cát xê, chung quy cũng là mưu sinh.
Nhưng dù thế nào đi nữa, một khi đã thay đổi phương châm nghệ thuật mình theo đuổi, một lần thoả hiệp với thị trường thì rất có thể, người nghệ sĩ đã mất chất, không còn là mình, và ngày càng đánh mất đi đẳng cấp mà mình đã dùng bao đam mê, tài năng và nỗ lực để xây đắp. Thoả hiệp để có thị trường, đôi khi cái được là lợi ích, nhưng cái mất, tuy vô hình, mà đáng tiếc hơn nhiều.