Năm 2006, hệ thống Cáp treo Chùa Hương được hoàn thành và đi vào hoạt động. Ước tính mỗi năm hệ thống Cáp treo Chùa Hương thuộc Công ty CP vận tải và du lịch Hương Sơn đón hàng triệu lượt khách hành hương lễ phật. Ước tính từ ngày 13/3/2021 đến nay Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn đã đón khoảng 42 vạn khách, trung bình mỗi cuối tuần được 7 – 8 vạn khách.
Đồng thời Báo Pháp luật Việt Nam đã nhận được phản ánh của người dân việc những chiếc vé cáp treo không được xé từ cuống vé mà còn được “phù phép” để “quay đầu” bán cho khách mới và nhân viên soát vé "móc nối" thu tiền của khách không cần bán vé...
Với cách thức hoạt động như trên, phải chăng cáp treo chùa Hương Hà Nội đang có dấu hiệu trốn thuế “coi thường” pháp luật và “móc túi” du khách? Vậy lợi nhuận từ những chiếc vé “quay đầu” đã đi đâu và ai là người tiếp tay cho những vi phạm nêu trên?
Nhóm PV Báo Pháp luật Việt Nam đã nhập vai điều tra để tìm câu trả lời Công ty Cổ phần du lịch Hương Sơn “móc túi” du khách một cách công khai.
Những chiếc vé cáp treo "rách nát" vì đã "qua tay" nhiều lần? |
Củ sả “đi nhanh” với giá 100.000 VNĐ/người
Theo phản ánh của người dân chúng tôi đã tìm đến Khách sạn Mai Lâm tại bến đò Yến Vĩ, khu Sao Xa, Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội, ngỏ ý muốn đặt mua vé Thắng cảnh Hương Sơn cùng vé đi cáp treo và không muốn xếp hàng chờ ngay lập tức có người giới thiệu và hướng dẫn cho chúng tôi.
Theo lời giới thiệu của nhân viên lễ tân khách sạn Mai Lâm cho biết: “Cáp treo cũng là của nhà em rồi, nhà em cũng có thuyền, đò đi luôn, các vé đi lại sẽ được ọc bao nhanh và luôn”.
Khi đang trao đổi với nhân viên lễ tân khách sạn, một cô gái tên Kim Anh được giới thiệu là con gái thứ 3 của ông chủ Nhà hàng, Khách sạn Mai Lâm - Chùa Hương cho biết thêm, vé cáp treo được bán ở Nhà Hàng Mai Lâm (Số 4 Thiên Trù - Chùa Hương): “Cô cứ đi vào nhà hàng Mai Lâm ở trong khu Thiên Trù, mua vé cáp treo trực tiếp ngay ở đấy không cần phải xếp hàng chờ mua vé. Vé khứ hồi của người lớn là 180.000đ/người, vé một chiều là 120.000đ/người”.
Để tạo lòng tin cho khách hàng, cô gái tên Kim Anh hết lời hướng dẫn chúng tôi đi lễ chùa và không quên dặn dò: “Cô cứ đi vào lễ thoải mái, đi lễ xong cô trở về đây (Khách sạn Mai Lâm) trả tiền sau cũng được, không cần thiết phải trả tiền luôn đâu”.
Với lời giới thiệu của Kim Anh, chúng tôi đã mua 4 vé tham quan thắng cảnh, cùng vé đò để di chuyển vào chùa Hương với tổng chi phí là 500.000 VNĐ, ngoài ra phải phụ tải đò thêm 200.000 VNĐ. Ngỏ ý muốn “đi nhanh” để không phải xếp hàng đợi lâu, cần phải chi trả thêm 100.000 VNĐ/1 người tổng chi phí “đi nhanh” hết 400.000VNĐ.
Để tránh sự chú ý của nhân viên giám sát cáp treo cũng như khách hàng, Kim Anh đã đưa chúng tôi một củ sả và dặn dò, chỉ cần đến nhà chờ cáp treo, đưa củ sả cho người dẫn đường có tên Mai ngồi quán nước đầu tiên bên phải cạnh ga Thiên Trù là phần còn lại người đó sẽ “lo hết”.
Theo hướng dẫn của Kim Anh, chúng tôi đi đến nhà hàng Mai Lâm thuộc khu vực sân chùa Thiên Trù tìm một người tên Loan để lấy vé cáp treo. Giá vé cáp treo khứ hồi là 180.000 VNĐ/người, chúng tôi đã mua 4 vé.
Tiếp tục di chuyển lên nhà chờ đi cáp treo tìm một người tên Mai giúp “đi nhanh” không cần xếp hàng. Khi gặp người phụ nữ tóc ngắn ngồi quán nước chúng tôi đã giơ ám hiệu củ sả để người đó hiểu ý và rất nhanh tay, người này cầm vé đi cáp treo của chúng tôi, xé 1 lượt đi lên.
Đồng thời, người này cũng lần lượt dẫn đoàn đi lên cáp treo theo lối ưu tiên dành cho nhân viên. Kết quả chỉ trong một phút, chúng tôi đã thuận lợi vượt qua tất cả các khách đã xếp hàng trước đó để lên cáp treo.
Khách sạn Mai Lâm tại bến đò Yến Vĩ, khu Sao Xa, Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội, |
Cáp treo “đi nhanh” nếu biết thì sẽ bị phạt?
Để tránh sự nghi ngờ của những nhân viên khách sạn Mai Lâm và người bán vé cáp treo, nhóm PV đã tiếp tục trở lại Khu di tích - thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương, Mỹ Đức, Hà Nội) sau vài ngày để thị sát tình hình.
Khác với lần trước, khi đặt vấn đề muốn được “đi nhanh” thay vì xếp hàng chờ đợi, nhân viên khách sạn Mai Lâm đã trả lời: “Hôm nay khách không đông lắm đâu, nên không cần phải “đi nhanh” chị ạ. Chị cứ đi vào trong nhà hàng Mai Lâm, vào trong đó Loan (người bán vé đi cáp treo tại Nhà hàng Mai Lâm) sẽ đưa vé cáp treo cho chị, dựa vào tình hình trong đó nếu có thể đáp ứng “đi nhanh” được thì sẽ sắp xếp. Vì có người kiểm soát, nếu biết họ sẽ phạt”.
Như vậy, vào những ngày khách hành hương lễ phật đông thì dịch vụ “đi nhanh” sẽ được phục vụ, và với những ngày vắng khách, dịch vụ này cũng tạm nghỉ để tránh sự chú ý của nhân viên giám sát cáp treo?
Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh trong kỳ tiếp theo với nội dung: "Những chiếc vé cáp treo "quay đầu"