Người phụ nữ hiền dịu bỗng nhiên vụt sáng
Công nương Diana tên đầy đủ thời con gái là Diana Frances Spencer, sinh ngày 1/7/1961 trong một gia đình quý tộc ở làng Sandringham, Norfolk, phía đông nam nước Anh. Khi Công nương lên 7 tuổi thì cha mẹ cô ly dị. Bá tước Spencer được toàn quyền nuôi dưỡng 4 người con.
Trong suốt quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường, Diana Spencer được cha gửi tới học ở nhiều trường tư thục ở Anh và Thụy Sĩ. Sau khi tốt nghiệp, cô gái trẻ Diana làm nhiều nghề như đầu bếp, người giữ trẻ và giáo viên mầm non. Công việc tuy thu nhập không cao nhưng Diana luôn để lại trong lòng mọi người sự hài lòng, thân thiện. Ở cô, đôi mắt ngời sáng, sự trẻ trung khiến người đối diện luôn bị cuốn hút.
Diana lần đầu tiên gặp Thái tử Charles vào tháng 11/1977 trong một cuộc đi săn do gia đình Spencer tổ chức. Và cô gái hiền dịu, xinh đẹp xuất thân từ dòng họ quý tộc Spencer, một trong những gia đình danh tiếng lâu đời nhất tại Anh, đã được Hoàng gia Anh chấm là người thích hợp trở thành vợ của Thái tử Charles.
Công nương Diana trở thành vợ của Thái tử Charles |
Sau đó, hai người nhanh chóng rơi vào bể tình dường như vĩnh cửu. Mối tình của họ khiến bao nhiêu người hâm mộ thán phục, cũng khiến bao kẻ ghen ghét tức tối. Ngày 29/7/1981, Diana sung sướng trong niềm hạnh phúc kết hôn với Charles.
Đám cưới được tổ chức vô cùng long trọng tại cung điện Buckingham. Theo thống kê, trên thế gìới có khoảng 750 triệu người xem truyền hình trực tiếp “Đám cưới thế kỷ” này. Mối tình của họ được giới truyền thông gọi là “Truyện cổ tích đẹp nhất ở thế kỷ XX”. Diana trở thành “Cô nàng lọ lem” hiện đại. Đến tháng 6/1982, Công nương Diana sinh con trai đầu lòng Hoàng tử William. Và vào tháng 9/1984, con trai thứ hai, Hoàng tử Harry, ra đời.
Ai cũng nghĩ rằng, cuộc sống Hoàng gia Anh và những điều đẹp đẽ sẽ đến với Diana nhưng đáng tiếc, mối tình này cuối cùng lại tan vỡ, thậm chí có một kết cục bi thương dành cho Diana.
Tai nạn thảm khốc
Vốn là một cô dâu nhanh nhẹn hoạt bát, xinh đẹp nết na, bỗng chốc Diana đã trở thành Vương phi của nước Anh, cô hoàn toàn không còn là người tự do như trước. Nhất cử nhất động của nàng đều trở thành đề tài cho các báo đua nhau đăng tải.
Sau này, tình cảm giữa Diana và Charles bị sứt mẻ. Cuộc hôn nhân đứng trước bờ vực thẳm do Thái tử Charles ngoại tình. Diana đã không thể chấp nhận điều này nên đã đề nghị ly hôn. Sau một thời gian cân nhắc, cả hai đã thuận tình ký vào đơn ly hôn. Cuộc sống riêng sau khi ly hôn của hai người vẫn không được yên khi bị báo chí nước Anh khai thác, làm rùm beng.
Dân chúng Anh phần lớn đều đồng tình với Diana. Họ ra sức chỉ trích sự cầm cố của cuộc sống cung đình Anh. Sự lạnh nhạt và không chung thủy của Charles chính là nguyên nhân chủ yếu làm tan rã hạnh phúc gia đình Diana. Cho dù sau khi ly hôn, giới truyền thông vẫn quan tâm đến cuộc sống của Diana.
Cuốn “Vương phi mơ mộng” kể về thời làm vương phi của Diana, đi sâu vào tình cảm giữa hai vợ chồng. Sau đó là mối tình lãng mạn giữa nàng với Dodi Fayez - nhà tỉ phú Ai Cập.
Báo chí Anh đã đăng rất nhiều ảnh họ đi trên du thuyền. Điều này đã khiến cho Hoàng gia Anh căm thù. Bản thân Diana cũng phàn nàn, nàng luôn bị các tay paparazzi - những người chuyên chụp ảnh những người nổi tiếng săn đuổi.
Giữa đêm 31/8/1997, sau khi Diana và Dodi cùng ăn cơm ở khách sạn Ritz ở ngoại ô Paris, lên xe trở về biệt thự của Dodi ở khu 16. Khách sạn cử nhân viên bảo vệ Paul lái xe cho Diana. Khi khởi hành ít lâu, họ đã bị nhóm phóng viên theo đuổi.
Để tránh “bọn săn tin” này, Paul đã không ngừng tăng ga, tốc độ vượt quá 100 km/h. Khi chiếc xe đến đường ngầm dưới cầu Arma bên bờ sông Seine, phía trước bỗng xuất hiện chỗ ngoặt gấp. Xe của Diana do tốc độ quá cao đã mất tay lái đâm vào cột ngăn cách của đường hầm, rồi rơi ra giữa đường hầm.
Chiếc xe đâm vào đường hầm khiến Công nương Diana tử vong |
Chiếc xe do đâm quá mạnh đã trở thành đống sắt vụn. Dodi và lái xe chết ngay tại chỗ. Do ngồi phía sau, Diana chỉ bị trọng thương. Các phóng viên đuổi theo sau, vây quanh đống sắt vụn, tranh nhau chụp ảnh hiện trường. Diana nhanh chóng được đưa vào bệnh vìện nhưng ngực và phổi bị trọng thương, ra máu quá nhiều. 4 giờ sáng 1/9/1997, nàng đã rời thế gian này khi mới 36 tuổi.
Tin Diana bị tai nạn giao thông gây chấn động ở Anh và Pháp, sau đó lan nhanh ra toàn thế giới. Cảnh sát Paris nhanh chóng tiến hành điều tra, nhưng kết quả cuối cùng không làm người đời vừa lòng.
Thái tử không được đi đón thi thể vợ cũ
Khi Công nương Diana qua đời, Hoàng tử William mới 15 tuổi và Hoàng tử Harry 12 tuổi. Hoàng gia không thông báo tin mẹ mất cho họ mà giữ bí mật và để cho hai cậu bé ngủ như mọi buổi sáng khác.
Mối quan tâm duy nhất lúc này là tránh để hai hoàng tử bị sốc trước thông tin đau buồn. Nữ hoàng Elizabeth ra lệnh cấm tất cả các đài truyền hình, phát thanh đưa tin về vụ tai nạn vì sợ các cháu của bà sẽ bị tổn thương.
Việc đó cũng khiến Hoàng tử Harry khi nghe tin mẹ qua đời đã không khỏi nghi ngờ. “Hoàng tử Harry đã hỏi cha mình rằng có thực sự là mẹ đã mất rồi không”, Tina Brown (người ghi chép tiểu sử của Công nương Diana) cho biết.
Lúc này, một ủy ban gồm những người từ các cung điện Kensington, Buckingham, St James cùng với cảnh sát và phía gia đình đã tập hợp để lên kế hoạch tổ chức đám tang cho Công nương Diana.
Thái tử Charles bị Nữ hoàng cấm dùng phi cơ riêng đến Paris đưa thi thể vợ về. Hoàng tử Harry đã van xin bố cho đi đón mẹ nhưng không được đồng ý. Chuyến đi đó chỉ có người quản gia cũ Paul Burrell, tài xế Colin Tebbutt và cố vấn an ninh của Diana.
Họ buộc phải thiết lập một nhà xác tạm thời để bảo quản thi thể vì thời tiết lúc bấy giờ khá nóng nực. Vào thời khắc nhìn thấy thi thể của Diana, Burrell và Tebbutt đã không khỏi sốc. “Tôi không tin nổi Công nương đã chết, nó chỉ là một trò đùa ngớ ngẩn và rồi cô ấy sẽ tỉnh dậy”, Burrell kể lại.
Hoàng gia Anh đã làm lễ tang Công nương Diana trong một tuần lễ. Ông Anji Hunter (cựu cố vấn của Thủ tướng Tony Blair) kể lại rằng lúc đó đã có những cuộc thảo luận căng thẳng về việc tổ chức đám tang, trong đó có việc sắp xếp ai đi sau linh cữu của Công nương.
Triệu người đặt hoa tưởng nhớ Công nương Diana |
Ban đầu cả hai hoàng tử đều khá miễn cưỡng nhưng sau khi nghe ông nội là Hoàng thân Philip khuyên nhủ thì họ đã thay đổi ý định vào phút chót. 5 người đi sau linh cữu Diana lúc bấy giờ là Hoàng thân Philip, Thái tử Charles, Hoàng tử William, Hoàng tử Harry và em trai của Công nương.
Thi thể của Công nương Diana được đặt trong quan tài bằng đá, diễu hành hơn 6 km với 2 triệu người dân tiễn đưa. Sau đó Hoàng gia đưa bà về chôn cất ở quê nhà ở Althorp, Northamptonshire, để được gần bố mẹ và những người thân.
Những bí ẩn còn đó
Sự ra đi đột ngột của Công nương Diana khiến cả thế giới bàng hoàng. Những người yêu mến bà không khỏi nghi ngờ có một âm mưu đứng đằng sau tất cả, rằng cái chết của bà chắc chắn phải có một ai đó gây ra chứ không thể nào đột ngột như vậy được.
Ban điều tra Paris đã từng ra tuyên bố, lái xe Paul uống rượu trước khi lái xe, chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với tai nạn này. Kết luận này căn cứ vào kết quả khám nghiệm tử thi của Paul.
Theo quy định của pháp luật, hàm lượng cồn trong một lít máu là 0,5gram, nhưng qua kiểm tra hàm lượng này trong máu của Paul cao tới 1,75 gram. Ngay lập tức, Paul và khách sạn Ritz trở thành cái bia của dư luận.
Khách sạn Ritz kêu oan đối với kết luận này. Đồng nghiệp của Paul biểu thị họ không hề ngửi thấy mùi rượu và nhìn thấy Paul uống rượu trước khi lái xe. Khách sạn đưa cuốn băng quay video cảnh Paul ra đi lái xe cho Diana. Dáng đi của anh ta rất bình thường, hầu như không có biểu hiện bị say rượu.
Còn như vì sao hàm lượng cồn trong máu Paul cao như vậy? Nhà pháp y chứng học New Zealand G. Spulot đã đưa ra lời giải thích như sau: Phương pháp dùng để kiểm tra nồng độ rượu trong máu Paul bị nhầm lẫn. Chai đựng máu của bệnh viện thường chỉ dùng đựng máu. Những chai này trước khi dựng máu, thường cho nước kháng mốc. Khi cho máu của Paul vào dễ gây đến phản ứng hóa học, dẫn đến lượng đường trong máu lên men. Vì vậy, hàm lượng cồn trong máu anh ta đương nhiên sẽ cao.
Các tay paparazzi bám theo Diana cũng trở thành đối tượng bị kịch liệt lên án. Do sự “truy đuổi ráo riết” khiến cho Paul phải tăng tốc độ quá cao dẫn đến thảm họa. Sau khi tai nạn xảy ra, họ chỉ biết chụp ảnh chứ không cấp cứu nạn nhân. Em trai của Diana - Bá tước Sphans cực lực lên án giới báo chí. Anh ta nói: “Các tòa soạn báo đã cổ vũ các phóng viên bất chấp tất cả để chụp ảnh Diana. Bàn tay các người đã giúp tử thần tước đi mạng sống của chị tôi”.
Cha của Dodi Fayez lại cương quyết nói: “Diana bị tổ chức an ninh Anh mưu sát”. Trong 6 năm sau vụ tai nạn này, ông cố gắng điều tra nguyên nhân thực sự xảy ra vụ tai nạn này. Thông tấn xã Ai Cập cũng cho rằng, cái chết của Dodi và Diana là do âm mưu của chủ nghĩa chủng tộc gây ra.
Một quan chức Ai Cập nói: “Đây là một âm mưu! Vụ tai nạn này do Tổ chức tình báo Anh vạch kế hoạch. Bởi họ không thể chấp nhận quan hệ tình yêu giữa Diana và Dodi”.
Có tin nói, khi Diana chết đã mang thai đứa con của Dodi. Hoàng gia Anh không chấp nhận vương phi cũ lấy một tín đồ Hồi giáo, càng không thể chấp nhận vua William nước Anh tương lai có một đứa em trai cùng mẹ khác cha. Với những lý do này, họ đã ra tay trừ khử Diana.
Có thể thấy, thân phận đặc biệt của Diana đã biến vụ tai nạn xem ra như bình thường đó trở nên ly kỳ. Vụ tai nạn này liên quan đến Hoàng gia Anh, nhà tỷ phú Ai Cập Fayez và giới giải trí thương nghiệp Pháp. Nó còn liên quan đến giới truyền thông được gọi là “Vua không có vương miện” của Anh và Pháp. Sự kiện này còn thúc đẩy châu Âu triển khai cuộc tranh luận về “Vấn đề truyền thông và quyền bảo vệ cuộc sống riêng tư”. Tuy nhiên, về vấn đề này vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng.
Ai gây ra cái chết của một trong những người “đẹp nhất hành tinh thế kỷ XX”? Câu hỏi này vẫn còn chưa có lời giải đáp chính xác. Cũng không có chứng cớ nào chứng minh tổ chức an ninh Anh vạch kế hoạch gây ra vụ tai nạn giao thông này. Tuy nhiên, những nghi ngờ luôn luôn thường trực, đặc biệt khi gia đình tỉ phú Dodi vẫn quyết tâm theo đuổi vụ việc và yêu cầu cảnh sát Anh và Pháp phải tiếp tục điều tra đến cùng.
Đến năm 1999, một tòa án Pháp đã kết luận vụ tai nạn gây ra bởi người tài xế Paul trong tình trạng say rượu và lái xe gấp đôi tốc độ cho phép. Kết quả này không khác những gì đã công bố gây nên sự phẫn nộ đối với công chúng Anh và châu Âu vì cho rằng, công tố Pháp đã không làm được gì hơn ngoài những điều đã có.
Hàng chục năm trôi qua, cái chết của Công nương Diana vẫn là một bí ẩn |
Một cuộc điều tra dài 3 năm do cảnh sát Anh tiến hành cũng kết luận người tài xế say rượu và chạy với tốc độ cao để trốn tay săn ảnh paparazzi. Báo cáo cuộc điều tra cũng khẳng định Diana không có thai và không có ý định cưới Dodi.
Năm 2007, một cuộc điều tra tư pháp khác được thực hiện trước Tòa án công lý Hoàng gia London. Ban bồi thẩm đã nghe lời kể của 240 nhân chứng trước khi kết luận vào tháng 4/2008 rằng Diana đã chết vì hành động sai trái của người tài xế Paul và tay paparazzi.
Năm 2013, cảnh sát Anh điều tra một tố cáo nặc danh từ một cựu binh sĩ cho rằng lực lượng đặc nhiệm SAS của Anh có liên quan đến cái chết của Diana. Họ kết luận “không có bằng chứng đáng tin” cho lời tố cáo này và từ chối tái mở cuộc điều tra.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bí ẩn chưa lời giải thích xung quanh cái chết của Công nương Diana, đủ để các thuyết âm mưu tiếp tục tồn tại với thời gian. Chẳng hạn, người ta không trưng ra được đoạn băng ghi hình vụ tai nạn dù đường hầm có lắp hệ thống camera theo dõi. Một số nhân chứng nói họ thấy ánh sáng trắng lóe lên trong đường hầm trước vụ tai nạn, một số người khác thì bảo không có.
Và cảnh sát chưa bao giờ tìm ra chiếc xe Fiat màu trắng được trông thấy trong đường hầm. Chiếc xe này có thể đã va chạm với chiếc Mercedes chở Công nương Diana trước vụ tai nạn.
Bà Pauline Maclaran, đồng tác giả quyển sách “Cơn sốt hoàng gia: Nền quân chủ Anh trong văn hóa tiêu dùng”, nhận xét thuyết âm mưu về cái chết của những người nổi tiếng không chỉ phổ biến mà còn tồn tại lâu với thời gian.
“Bản năng con người từ chối tin rằng những thứ tình cờ như một vụ tai nạn xe có thể giết chết một người đặc biệt như Diana. Khi bạn thần tượng ai đó, rất khó để tin họ có thể kết thúc cuộc đời theo một cách tầm thường như vậy”, bà Maclaran nêu ý kiến.
Diana linh cảm trước cái chết của mình?
Một người trong Hoàng gia cho biết, Diana không viết nhật ký hàng ngày. Chỉ khi nào nàng thật vui hoặc thật buồn mới viết. Trong cuốn nhật ký của mình, có đoạn nàng viết: “Tôi biết một ngày nào đó sẽ có người đọc. Nhưng tôi viết không vì để người khác hiểu tôi mà để giúp tôi hiểu được chính tôi”. Điều kỳ lạ nhất trong cuốn nhật ký, nàng đã linh cảm được rằng mình sẽ chết khi vẫn còn trẻ. Trong đó có đoạn: “Tôi không thể hình dung mình khi về già. Dường như tôi không thích sống lâu như vậy. Đó là nguyên nhân quan trọng để tôi sống hết mình mỗi ngày”.
Trước khi sinh William, Diana đã nghĩ đến việc tự tử nhưng không xác định bằng cách nào. Trong nhật ký có đoạn nàng viết: “Thỉnh thoảng tôi tự hỏi liệu có phải là cách tốt nhất nếu tôi kết thúc tất cả. Tôi thật sự chán ghét cuộc sống của tôi”. Nhưng sau khi William ra đời, sau đó là Harry, Diana đã dành hết mọi tình càm cho các con và không có ý định tự tử nữa: “Tôi sẽ hôn chúng cho tới lúc chết. William và Harry là hai báu vật tuyệt với nhất”.
Ngay từ đầu cuộc hôn nhân, Diana không xem mình là một nữ hoàng: “Tôi biết sẽ không bao giờ ngồi vào ngai vàng với Charles. Nó là sự huyền bí”.
Sau khi ly dị với Charles, Diana dành những trang nhật ký để nói về người tình James Hewitt. Nàng rất sợ khi Hewitt đi chiến đấu trong chiến tranh vùng Vịnh. Nàng nói, một nhà chiêm tinh nói nàng sẽ sống phần còn lại với James Hewitt: “James Hewitt hoàn toàn khác với Charles”. Nhưng ngay sau đó, Diana lại tỏ ra quý trọng Charles, nàng viết: “Anh là người cha tốt và luôn thông cảm với bất kỳ vấn đề gì của tôi”.
Cuối cùng, nàng cũng cho biết giai đoạn hạnh phúc nhất trong cuộc đời mình là cuộc tình với Dodi: “Anh ấy khiến tôi nhận thấy mình rất đẹp. Chưa có ngưòi đàn ông nào từng làm như vậy”. Đặc biệt nàng viết: “Tôi nghĩ anh ấy sẽ ngỏ lời cầu hôn".