Theo quy định tại Điều 7 Dự thảo về đáp ứng điều kiện đối với DN kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ, thì tại thời điểm đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ, DN phải có: Các tài liệu chứng minh về cơ sở, vật chất kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin phù hợp để tiếp nhận, cập nhật, cung cấp thông tin về hoạt động mua bán nợ giữa các thành viên tham gia sàn giao dịch (khoản 2); có ít nhất 02 nhân viên có chứng chỉ kiểm toán viên hoặc ít nhất 02 nhân viên có thẻ thẩm định viên về giá do Bộ trưởng Bộ Tài chính cấp, có hợp đồng lao động dài hạn tại DN (khoản 3).
Khoản 6 Điều 8 Nghị định 69/2016/NĐ-CP quy định DN kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ phải “có cơ sở, vật chất kỹ thuật, hệ thống thông tin phù hợp để tiếp nhận, cập nhật, cung cấp thông tin về hoạt động mua bán nợ giữa các thành viên tham gia sàn giao dịch”. Quy định này khá chung chung vì không rõ cơ sở, vật chất kỹ thuật, hệ thống thông tin như thế nào được cho là “phù hợp”. Khoản 2 Điều 7 Dự thảo hướng dẫn cho khoản 6 Điều 8 Nghị định 69/2016/NĐ-CP cũng chưa làm rõ hơn quy định về cơ sở vật chất của DN kinh doanh sàn giao dịch nợ.
Bên cạnh đó, đối với yêu cầu về nhân lực, Dự thảo quy định hai nhân viên có chứng chỉ kiểm toán viên hoặc có thẻ thẩm định viên về giá phải “có hợp đồng lao động dài hạn tại DN”. Đây là quy định được cho là “vừa chưa rõ ràng vừa chưa hợp lý”, cụ thể, trong Bộ luật Lao động 2012 không có khái niệm “hợp đồng dài hạn”. Theo quy định của pháp luật lao động, Hợp đồng lao động có 03 loại: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn; Hợp đồng lao động xác định thời hạn; Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Dự thảo quy định về “hợp đồng dài hạn” dường như là chưa phù hợp với quy định của pháp luật lao động, do đó không rõ là loại hợp đồng nào.
Không những thế, yêu cầu DN phải ký “hợp đồng dài hạn” (có thể suy đoán là hợp đồng không xác định thời hạn theo quy định tại Bộ luật Lao động) với người lao động là chưa hợp lý, can thiệp vào quyền tự quyết của DN (DN có thể dựa vào năng lực của người lao động để xác định loại hợp đồng để ký kết).
“Có thể mục tiêu của quy định về hợp đồng dài hạn này nhằm đảm bảo DN thực sự có nhân lực đáp ứng điều kiện theo quy định. Tuy nhiên, hoạt động mua bán nợ không tạo ra nhiều rủi ro đối với các lợi ích công cộng mà Nhà nước phải bảo vệ, việc sử dụng nhân lực đủ trình độ hay không sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận, tính hiệu quả của hoạt động kinh doanh của DN, do đó DN sẽ tự xác định và tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp” – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện cộng đồng DN Việt Nam, nhận định – “Hơn nữa, DN cam kết phải tuân thủ đáp ứng điều kiện kinh doanh quy định tại Nghị định 69/2016/NĐ-CP, Thông tư này và Nhà nước có thể kiểm soát thông qua hoạt động thanh, kiểm tra DN. Do đó, không cần thiết phải quy định “cứng” về loại hợp đồng lao động mà DN phải ký kết”.
Vì thế, VCCI kiến nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ “có hợp đồng lao động dài hạn tại DN” quy định tại khoản 3 Điều 7 Dự thảo.