Điều đặc biệt về Vua Lý Anh Tông (Kỳ 1): Một Đế một Hậu

 Lý Anh Tông
Lý Anh Tông
(PLO) -Lý Anh Tông (sinh năm 1136 – mất năm 1175, ở ngôi năm 1137 – năm 1175), chính tên Lý Thiên Tộ, là vua thứ 6 của triều Lý con trai của vua Lý Thần Tông (1128 – 1137). Lý Anh Tông trong sử sách được đánh giá là vị vua tốt, có lòng lo cho nước cho dân, xứng đáng với miếu hiệu Anh Tông (con cháu sáng suốt) của vương triều. 

Xung quanh quãng đời làm vua của ông, có nhiều điều độc đáo mang ý nghĩa như những điểm nhấn của riêng ông trước lịch sử…

Lý Anh Tông nối ngôi khi chỉ là một đứa bé. Tuổi đời còn quá nhỏ nên Anh Tông không thể quyết đoán việc nước, càng không có khả năng quyết định việc hôn nhân. Ấy vậy nhưng ngay trong năm đầu lên ngôi, theo Đại Việt sử lược, vị Hoàng đế chưa đầy 2 tuổi đã thành gia lập thất, phối hôn với một cô bé và phong người này làm Hoàng hậu (tức Hoàng hậu Chiêu Linh). 

Điều đáng nói ở đây là, sau này khi trưởng thành, Lý Anh Tông vẫn một mực giữ đúng trật tự một Đế một Hậu chứ không phải vừa mắt với ai thì phóng tay phong người đó làm Hoàng hậu như các vị tiên đế. Đây là điều đặc biệt thứ nhất về vị Hoàng đế này nhưng không phải ai cũng thông tỏ.

Đôi lời về chế độ đa hậu

Anh hùng dẹp loạn 12 sứ quân, nhất thống sơn hà – Đinh Tiên Hoàng – là người đầu tiên tạo ra thông lệ lập nhiều Hoàng hậu. Các Hoàng đế từ sau ông đến trước Lý Anh Tông đều nhất loạt giữ gìn thông lệ ấy, biến nó thành một loại chế độ riêng khác của hậu cung nước Việt dưới các thời Đinh, Tiền Lê, Lý. Ba triều Đinh, Lê, Lý có tất cả 14 Hoàng đế thì có đến 8 người lập nhiều Hoàng hậu, với tổng số Hoàng hậu là 47 người, cụ thể: Đinh Tiên Hoàng – 5, Lê Đại Hành – 5, Lê Ngoạ Triều – 4, Lý Thái Tổ – 9, Lý Thái Tông – 8, Lý Thánh Tông – 8, Lý Nhân Tông – 5 và Lý Thần Tông –3.

Sự tồn tại của chế độ đa hậu ngoài do ý thích của các đấng quân vương, còn do nhu cầu củng cố chế độ trung ương tập quyền khi xu hướng phân quyền, muốn tách khỏi chính quyền trung ương của các thế lực trong nước vẫn còn khá mạnh và ảnh hưởng chưa sâu đậm của Nho giáo chi phối.

Các đời trước Anh Tông luôn lập nhiều Hoàng hậu (Hình minh hoạ)
Các đời trước Anh Tông luôn lập nhiều Hoàng hậu (Hình minh hoạ)

Sau hơn 100 năm được duy trì (968 – 1137), chế độ đa hậu dần bộc lộ những bất cập như tranh chấp quyền lực hậu cung giữa các bà hoàng, vấn đề chính danh định phận giữa họ sau khi Hoàng đế – phu quân của họ qua đời. Đấy là chưa kể với sự thẩm thấu ngày càng mạnh của Nho giáo vào nền cai trị và tư tưởng Đại Việt, việc lập nhiều Hoàng hậu tỏ ra “chẳng giống ai”, không hợp với uy nghi của bậc quân chủ. Nguyên do khách quan ấy khiến những người chủ trì việc hôn nhân thay Lý Anh Tông (chủ yếu là Thái hậu Cảm Thánh và Thái úy Đỗ Anh Vũ) đi đến lựa chọn lập duy nhất một Hoàng hậu cho Hoàng đế bé con. 

Ở chiều chủ quan, việc Lý Anh Tông được chọn làm Thái tử rồi nối ngôi không phải là việc quang minh chính đại vì Cảm Thánh đã thực hiện xảo kế khiến Lý Thần Tông thay đổi Thái tử vào những phút cuối đời. Thêm nữa, Cảm Thánh và Đỗ Anh Vũ đang có tư tình.Vậy nên càng ít người biết chuyện xấu của hai người thì càng có lợi. Nếu nhiều Hoàng hậu thì nguy cơ quyền lực hậu cung và chốn triều đình bị chia sẻ là có thể xảy ra, số người vào ra nơi cung cấm cũng không phải là ít. Hai duyên do chủ quan, khách quan nêu trên kết hợp lại đã khiến Lý Anh Tông bé thơ ngay từ đầu chỉ có một Hoàng hậu, có vẻ “thua thiệt” so với tổ tiên các đời trước.

Không theo phép xưa

Tuy có vẻ “thua thiệt” như vậy nhưng khi bắt đầu hiểu chuyện, Lý Anh Tông không lấy đó làm điều bất mãn. Theo “Trần tộc vạn thế ngọc phả” (của chi bốn, thuộc dòng dõi Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc, lưu tại nhà từ đường ở thị xã Lãnh Thủy, huyện Chiêu Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc; đoạn nói về các con Lý Anh Tông trong phần chép về Ninh Tổ Hoàng đế Trần Lý), ngoài Hoàng hậu Chiêu Linh, Lý Anh Tông còn sủng ái 5 phi tần khác, đó là Thần Phi Bùi Chiêu Dương, Quý Phi Hoàng Ngân Hoa, Đức Phi Đỗ Kim Hằng, Thục Phi Đỗ Thụy Châu và Hiền Phi Lê Mỹ Nga.Cả 5 người đó đều sinh hạ Hoàng Tử, trong đó Đỗ Thuỵ Châu là cháu gái của Thái úy Đỗ Anh Vũ.

Mặc dù vậy, không ai trong các phi tần trên được sách phong Hoàng hậu. Nếu nói đó là do sức ép của Đỗ Anh Vũ và Cảm Thánh thì có phần khiên cưỡng, bởi ngay cả lúc hai người đó không còn, Lý Anh Tông vẫn nghiêm cẩn tuân theo chế độ mới. 

Vào những năm cuối đời, Anh Tông rất mực sủng hạnh một phi tần họ Từ. Nhưng trước sau bà họ Từ chỉ được phong là Nguyên phi (dưới Hoàng hậu một bậc). Chuyện ông yêu thương Nguyên phi họ Từ quá mức khiến Hoàng hậu Chiêu Linh không sao nhịn được và bà đã nhờ con trai là Thái tử Long Xưởng tìm cách dụ dỗ họ Từ làm chuyện thất tiết. Chẳng ngờ họ Từ không nghe mà còn tiết lộ với Anh Tông khiến ông rất tức tối. Đó là nguồn cơn khiến Long Xưởng mất ngôi Thái tử và dẫn đến hàng loạt hành động sau này nhằm giành ngôi vua cho con của Chiêu Linh. 

Vậy là đến đời Lý Anh Tông, quy chế một Đế một Hậu đã chính thức được xác lập trong cung đình Đại Việt. Từ đời Lý Cao Tông con trai ông trở về sau, các vị Hoàng đế đều tuân giữ quy chế này, làm cho chế độ đa hậu chỉ còn vang bóng trong sử sách với những lời phẩm bình khác nhau của các thế hệ hậu sinh.

Hoàng hậu Chiêu Linh (Hình minh hoạ)
Hoàng hậu Chiêu Linh (Hình minh hoạ)

Đôi điều lí giải

Bây giờ chúng ta thử xét xem lí do nào khiến bản thân Anh Tông không noi gương các tiên đế. Ông ở địa vị chúa tể thiên hạ, một lời nói ra không ai dám bất tuân, vậy thì điều gì có thể ngăn cản ông? Lúc còn nhỏ không hiểu chuyện thì do người khác sắp đặt đã đành, thế nhưng về sau ông cũng dứt khoát chỉ một Hoàng hậu mà thôi. Các nguồn sử liệu không cho phép giải đáp rốt ráo vấn đề hóc búa này, chỉ chép vài sự kiện mang theo một số thông tin hữu ích để ngẫm nghĩ và đoán định.

Nếu như tiên tổ là Lý Thánh Tông đã cho xây dựng Văn Miếu, chính thức công nhận một đại học phái – Nho giáo – ở tầm cao chính thống nơi một quốc gia, nội tổ là Lý Nhân Tông cho mở khoa thi Nho học đầu tiên và lập Quốc Tử Giám làm nơi đào tạo Nho sĩ, thì Anh Tông là người tiếp tục nâng địa vị của Nho giáo lên một bước dưới triều đại của ông. Sử ghi Lý Anh Tông đã hai lần cho xây dựng miếu thờ Khổng Tử trong kinh thành Thăng Long (năm 1156 và 1171). Ông còn cho đắp đàn Viên Khâu làm nơi tế trời đất. Đàn Viên Khâu và lễ tế đàn là tiếp thu từ lễ chế Trung Hoa theo Nho giáo. 

Chưa hết, Lý Anh Tông cũng mấy lần tổ chức khoa thi Nho học để kén chọn hiền tài.Dụng tâm đề cao Nho giáo, dùng Nho giáo để trị nước của ông không phải là những lời nói suông, càng không phải chỉ là khoe khoang nhất thời.Một con người tôn vinh Nho giáo – Nho học đến thế tất nhiên càng am hiểu đạo lí một âm một dương cùng điều hoà để trị lí quốc gia theo chuẩn của lễ giáo Nho gia. Việc ông nghiêm giữ chế độ Nhất Hậu, theo tính logic với những sự kiện nói trên mà nói thì có những điểm hợp lí khó lòng chối bỏ. Quý độc giả cao minh có đồng tình như vậy chăng?.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.