Tăng tuổi nghỉ hưu: Không phải do mất cân đối quá nhiều
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thì Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trong tương lai không xa. Vì vậy, dự kiến, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam sẽ được thực hiện từ năm 2021. Phương án cụ thể sẽ được đưa vào Bộ luật Lao động (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội vào năm 2019. Hiện có 2 phương án được đề xuất. Theo phương án 1, từ năm 2021, mỗi năm nâng tuổi nghỉ hưu thêm 3 tháng đối với nam cho đến khi đạt tuổi 62; mỗi năm tăng 6 tháng đối với nữ cho đến khi đạt tuổi 60. Phương án 2 trong khi đó đề nghị, từ năm 2021, mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam cho đến khi đạt tuổi 62; mỗi năm tăng 4 tháng đối với nữ cho đến khi đạt tuổi 60. Như vậy, tuổi nghỉ hưu của nam sẽ đạt tuổi 62 vào năm 2028 và nữ đạt tuổi 60 vào năm 2035.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh, tất cả các phương án đều sẽ phải đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, tránh việc “dục tốc bất đạt”, có thể gây sốc ngay ở cả các lao động. Đồng thời, “không có ai được lợi riêng lẻ trong việc nâng tuổi nghỉ hưu mà cả nước sẽ được lợi”. Do đó, theo ông, cả nước cần phải “xúm lại” để giải bài toán đó vì kinh nghiệm của các nước cho thấy nếu xử lý sớm thì việc điều chỉnh sẽ từ từ, không gây sốc còn nếu điều chỉnh muộn thì việc tăng sẽ phải thực hiện rất nhanh và như thế nhiều khi sẽ tạo cú sốc cho thị trường lao động.
Đồng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, câu chuyện nâng tuổi nghỉ hưu khi đưa ra đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối nhưng rõ ràng nếu không tính đến thì chính chúng ta sẽ bất lợi khi dân số đã bắt đầu bước vào thời kỳ già hóa. Ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng bắt đầu thực hiện việc điều chỉnh từ năm 2021 là hợp lý vì thời điểm này gắn cải cách BHXH và cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, cách đi và hướng đi, nhóm tuổi cần tính toán cẩn thận.
Giảm thời gian đóng BHXH xuống còn 15 năm?
Trao đổi thêm về việc Nghị quyết số 28/NQ-TW có đề cập đến việc sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, theo quy định của chính sách BHXH hiện nay, để được hưởng lương hưu hàng tháng, người lao động cần đáp ứng được đồng thời 2 điều kiện là tuổi đời và thời gian tối thiểu tham gia BHXH. Trong đó, quy định có thời gian tham gia tối thiểu 20 năm để hưởng chế độ hưu trí hiện gây trở ngại nhất định cho việc mở rộng đối tượng bao phủ của BHXH.
Vì thế, mong muốn được tự đảm bảo an sinh của họ thông qua chế độ hưu trí là không đạt được, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận an sinh xã hội của họ đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Quy định thời gian tham gia tối thiểu dài tới 20 năm cũng làm cho người lao động không muốn bảo lưu thời gian tham gia BHXH mà muốn nhận BHXH một lần. “Đây cũng là lý giải tại sao mỗi năm bình quân có khoảng trên dưới 600 nghìn lao động đã lựa hưởng BHXH một lần thay vì tiếp tục theo đuổi quá trình đóng góp để được nhận lương hưu khi hết tuổi lao động”, ông Diệp cho biết.
Theo Thứ trưởng Diệp, việc điều chỉnh giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm và 10 năm sẽ góp phần vào việc thực hiện mục tiêu về mở rộng diện bao phủ BHXH, đảm bảo cho nhiều người lao động có cơ hội và điều kiện tiếp tục tham gia BHXH để hưởng lương hưu hàng tháng thay cho việc lựa chọn BHXH 1 lần, hướng tới mục tiêu đảm bảo an sinh lâu dài cho người dân.