Tiêu thụ năng lượng của Việt Nam ngày càng gia tăng và đã tăng hơn 4 lần từ 2005 - 2030.
Trong bối cảnh ngày càng cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch, giá dầu thế giới tăng cao và sự phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào giá năng lượng thế giới, khả năng đáp ứng năng lượng đủ cho nhu cầu trong nước ngày càng khó khăn thì việc xem xét khai thác nguồn năng lượng tái tạo sạch có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về kinh tế, xã hội và phát triển bền vững.
Việt Nam là nước có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng sinh khối từ chất thải từ nông nghiệp, rác, nước thải đô thị… phân bổ rộng khắp trên toàn quốc, trong đó, một số dạng sinh khối có thể sản xuất điện hoặc áp dụng công nghệ đồng phát năng lượng (sản xuất cả điện và nhiệt). Lượng sinh khối khổng lồ này, nếu không được xử lý sẽ là nguồn ô nhiễm lớn và phát sinh liên tục, gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái (đất, nước và không khí) cũng như sức khỏe con người.
Đại điện nhà đầu tư tại Nhật Bản làm việc với tỉnh Tuyên Quang về vấn đề đầu tư xây dựng dự án nhà máy điện sinh khối trên địa bàn tỉnh |
Hằng năm, tại Việt Nam có gần 60 triệu tấn sinh khối từ phế phẩm nông nghiệp trong đó 40% được sử dụng đáp ứng nhu cầu năng lượng cho hộ gia đình và sản xuất điện. Theo số liệu tính toán, cứ 5 kg trấu tạo ra 1kWh điện, như vậy với lượng trấu hàng triệu tấn, mỗi năm Việt Nam có thể thu được hàng trăm MW điện. Trong tự nhiên, sinh khối bao gồm cây cối, cây trồng công nghiệp, tảo và các loài thực vật khác, hoặc là những bã nông nghiệp và lâm nghiệp (rơm rạ, bã mía, vỏ, xơ bắp, lá khô, vụn gỗ v.v...), giấy vụn, mêtan từ các bãi chôn lấp, trạm xử lý nước thải, phân từ các trại chăn nuôi gia súc và gia cầm.
Hiện nay, Việt Nam đã có một số dự án xây dựng nhà máy điện sinh học đang được triển khai tại miền Bắc như: Dự án xây dựng nhà máy điện sinh học Biomass tại khu Rừng Xanh, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng mức đầu tư 1.160 tỉ đồng, công suất 40 MW, dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2013 với sản lượng điện là 331,5 triệu kWh/năm. Hiện đang có một số nhà đầu tư đang triển khai dự án điện sinh khối tại các tỉnh phía bắc như: Tuyên Quang, Yên Bái, Lạng Sơn.
Tuy nhiên, việc triển khai các dự án điện sinh khối vẫn còn không ít khó khăn, thách thức như: Khó khăn trong việc kiểm soát nguồn nhiên liệu, khả năng cung cấp nhiên liệu cho nhà máy thiếu tính ổn định và bền vững, giá nhiên liệu thay đổi theo mùa vụ, vốn đầu tư ban đầu khá lớn, quy mô phân tán nhỏ lẻ (trừ các nhà máy đường). Bên cạnh đó, cơ chế giá khuyến khích mua điện chưa hấp dẫn các nhà đầu tư, thiếu kinh nghiệm phát triển, thiếu kỹ sư và nhân công lành nghề cho các dự án năng lượng sinh khối, thiếu thông tin và cơ sở dữ liệu chưa đủ tin cậy. Đặc biệt là các nhà đầu tư các dự án sinh khối cho rằng giá mua điện sinh khối hiện nay vẫn chưa như kỳ vọng, điều này có thể tác động đến quyết định đầu tư các dự án sinh khối.
Trên quy mô toàn cầu, sinh khối là nguồn năng lượng lớn thứ tư, chiếm khoảng 14 - 15% tổng năng lượng tiêu thụ của thế giới. Công suất điện sinh khối nối lưới của Việt Nam hiện nay khoảng 350MW, mới đạt 50% mục tiêu Quy hoạch điện VII đến năm 2020. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 08/2020/QĐ-TTg, ngày 5/3/2020 (Quyết định 08) về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam. Quyết định này kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy nguồn năng lượng sinh khối phát triển mạnh hơn nữa./.