Cho thuê và sử dụng đất trái mục đích
Điện lực Hải Dương là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, có chủ sở hữu là Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. Từ khi đi vào hoạt động, Điện lực Hải Dương đã được UBND tỉnh Hải Dương cho thuê và giao không thu tiền với tổng diện tích đất lên đến 375.451m2 để phục vụ cho quá trình hoạt động. Tuy nhiên, trong khi sử dụng thì hồ sơ đất của Điện lực Hải Dương không được lưu giữ đầy đủ và cho nhiều doanh nghiệp khác thuê lại và sử dụng đất trái mục đích.
Theo kết luận thanh tra, Điện lực Hải Dương đã cho 4 đơn vị khác thuê lại 599m2 đất, văn phòng làm việc không đúng với mục đích sử dụng đất, trong đó: Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - Chi nhánh Hải Dương thuê 81m2 tại trụ sở chính (số 33 đại lộ Hồ Chí Minh, TP Hải Dương) để làm văn phòng giao dịch, Ngân hàng phát triển nhà ĐBSCL - Chi nhánh Hải Dương thuê 198m2 tại Trung tâm Thí nghiệm điện, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Khu công nghiệp Hải Dương thuê 70m2 tại trụ sở Chi nhánh điện Chí Linh và Chi nhánh Viettel Hải Dương thuê khoảng 250m2 tại Tổ điện Phả Lại để lắp đặt trạm thông tin di động và các thiết bị viễn thông…
Trong thời gian dài Điện lực Hải Dương không sử dụng, cho cá nhân trong ngành quản lý, sử dụng 906m2 đất và tài sản trên đất tại vị trí Tổ điện Hưng Đạo, phường Sao Đỏ, thị xã Chí Linh trông xe ô tô, không đúng mục đích của ngành điện; Điện Lực Hải Dương còn san lấp, sử dụng 408,5m2 đất ao làm sân tại Tổ điện Cẩm Giàng từ năm 2012, nhưng không có thủ tục theo quy định. Ngoài ra, Điện lực Hải Dương chưa được cấp sổ đỏ đối với 07 thửa đất được UBND tỉnh này cho thuê hoặc giao từ trước năm 2014.
Bên cạnh đó, Điện lực Hải Dương không thực hiện dự án đầu tư xây dựng xưởng sản xuất cột điện trên diện tích 8.635m2 đất được UBND tỉnh Hải Dương cho thuê năm 2008 tại thị trấn Phả Lại, không báo cáo, tự sử dụng một phần nhà 3 tầng đã có từ trước trên diện tích này cho Tổ điện Phả Lại, không đúng mục đích, cho thuê gây lãng phí nhiều năm đối với diện tích còn lại. Điện lực Hải Dương không có phương án sử dụng đất sau khi ngành điện không hoạt động trong lĩnh vực viễn thông hoặc sử dụng đất lãng phí tại một số chi nhánh điện, như: Chi nhánh điện Bình Giang, Cẩm Giàng, Nam Sách…
Diện tích 8.898m2 trong tổng số 9.624,9m2 đất được UBND tỉnh Hải Dương cho thuê năm 2014-2015 để xây dựng các trạm biến áp, chân cột điện, Điện lực Hải Dương chưa ký hợp đồng thuê đất đối với Sở TN&MT…
Ngoài những vi phạm trong việc sử dụng đất đai, Kết luận 04 cũng chỉ ra nhiều tồn tại về vấn đề bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động của Điện lực Hải Dương. Mặc dù đã triển khai thi công, đưa vào hoạt động 39 dự án, công trình năm 2014-2015 nhưng Điện lực Hải Dương vẫn chưa có thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định; chưa thực hiện quan trắc các công trình đường dây, trạm biến áp, trụ sở chi nhánh điện 12 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc; quan trắc thiếu vị trí đối với khu phụ trợ Đồng Niên, quan trắc không đủ tần suất với 10 trạm biến áp 110kV. Năm 2014, không quan trắc 2 trạm biến áp 110kV Ngọc Sơn, Nhị Chiều... và chưa nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải tại các vị trí không mua nước sạch...
“Phớt lờ” kết luận thanh tra
Trên cơ sở kết quả thanh tra, Sở TN&MT Hải Dương đã đề nghị Điện lực Hải Dương nghiêm túc rút kinh nghiệm do những thiếu sót, vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên môi trường được phát hiện. Rà soát toàn bộ các vị trí, địa điểm sử dụng đất địa bàn báo cáo Sở TN&MT các vị trí chưa hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thuê đất, giao đất; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục về đất đai; chấm dứt các hợp đồng cho thuê lại đất, văn phòng làm việc… Đồng thời liên hệ với Sở TN&MT để làm các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đối với đất ao, diện tích 408,5m2 tại Tổ điện Cẩm Giàng, xã Hưng Thịnh, huyện Bình Giàng đã sử dụng làm sân từ năm 2012.
Kết luận thanh tra cũng yêu cầu Điện lực Hải Dương thực hiện nghiêm các yêu cầu trên, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện bằng văn bản và gửi các tài liệu chứng minh về Sở TN&MT (qua Thanh tra Sở) trước 30/6/2016. Nhưng dường như Điện lực Hải Dương vẫn đang “phớt lờ” những chỉ đạo của Sở TN&MT Hải Dương.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, ông Nguyễn Trác Trung - Chánh thanh tra Sở TN&MT Hải Dương cho biết, nguyên nhân dẫn đến sai phạm là từ sức ép tiến độ dẫn đến việc một số thủ tục chưa đảm bảo về đất đai, môi trường. Đồng thời là chủ đầu tư chưa nghiêm túc thực hiện quy định pháp luật.
Sở đã yêu cầu Điện lực Hải Dương báo cáo kết quả trước ngày 30/6/2016, nhưng đến nay chưa nhận được báo cáo khắc phục sai phạm từ phía Điện lực Hải Dương. “Sở đã thành lập đoàn, khả năng trong tháng 11/2016 sẽ kiểm tra lại việc khắc phục những sai phạm nêu trong kết luận thanh tra đối với công ty này”, ông Trung cho biết.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu