Nhìn điểm năm trước để lượng sức mình
Một trong những vấn đề được thí sinh quan tâm và đặt nhiều câu hỏi tại Ngày hội tư vấn xét tuyển vừa qua, đó là để việc đăng ký xét tuyển hiệu quả, hạn chế tối đa tình trạng “điểm cao nhưng vẫn trượt” cần dựa trên những cơ sở nào?
Ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục khẳng định, hiện nay tất cả thông tin hướng dẫn cho thí sinh đều nằm ở trên trang thông tin của các Sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ… vì vậy thí sinh cũng nên tham khảo trước khi nộp hồ sơ xét tuyển.
Ông Nghĩa lưu ý, thí sinh cần phải căn cứ vào những ngành nào yêu thích của thí sinh, sau đó căn cứ vào kết quả thi, so sánh điểm trúng tuyển của các ngành đó với năm trước rồi quyết định làm sao cho phù hợp nhất.
Thí sinh nên sử dụng 4 nguyện vọng trong 2 trường để chọn ngành có cơ hội trúng tuyển cao. Cũng theo ông Nghĩa, thí sinh hoàn toàn có thể yên tâm bởi với chỉ tiêu tuyển sinh, số trường nhiều như vậy thí sinh hoàn toàn có nhiều cơ hội trúng tuyển. Nếu điểm cao thì trúng tuyển vào top trên, điểm khá vào trường trung bình… miễn là thí sinh tỉnh táo lựa chọn đăng ký trường phù hợp với điểm thi và sở trường của mình.
Còn TS Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Thủy Lợi Hà Nội cho biết: Một trong những yếu tố quan trọng mà thí sinh cần cân nhắc khi chọn ngành, chọn trường là điểm chuẩn năm trước của trường hoặc của ngành đó.
Thông thường, điểm chuẩn có thể có biến động nhưng với phương thức tuyển sinh như hiện nay, sự biến động đó không lớn, khó có thể xảy ra đột biến. Đơn cử như, năm ngoái điểm chuẩn vào ngành B của trường A là 25 thì năm nay thí sinh có mức điểm từ 25 trở lên sẽ có thể nằm trong khu vực an toàn nếu đăng ký xét tuyển vào ngành đó. Một lưu ý khác là khi đăng ký xét tuyển, thí sinh không chỉ tham khảo điểm chuẩn của trường mà cần lưu ý cả điểm chuẩn của từng ngành vì trong cùng một trường, điểm chuẩn của các ngành khác nhau cũng có sự phân hóa rất mạnh.
Trường top đầu điểm chuẩn giảm nhẹ?
Trả lời câu hỏi của các thí sinh liên quan đến chỉ tiêu và điểm chuẩn dự kiến năm 2016 của một số trường top trên như ĐH Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương, bà Nguyễn Thị Yến - Phó Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Y Hà Nội cho biết, năm 2016, ĐH Y Hà Nội tuyển 500 chỉ tiêu ngành Bác sỹ đa khoa, trong đó đã có khoảng 60 thí sinh đăng ký tuyển thẳng nên số lượng chỉ tiêu thực tế chỉ còn khoảng hơn 400 chỉ tiêu.
Ngoài ra, năm nay cũng là năm đầu tiên ĐH Y Hà Nội tuyển sinh ngành Bác sỹ đa khoa cho phân hiệu tại Thanh Hóa với 100 chỉ tiêu.
Vì vậy, bên cạnh việc đăng ký vào ĐH Y tại Hà Nội, các thí sinh say mê ngành Y có thể đăng ký xét tuyển tại phân hiệu Thanh Hóa. Năm 2015, điểm chuẩn ngành Bác sỹ đa khoa là 27,75 điểm. Năm nay, điểm chuẩn dự kiến sẽ không cao hơn mà có thể sẽ bằng hoặc thấp hơn năm ngoái một chút.
Đối với các ngành đào tạo cử nhân, điểm chuẩn năm 2015 là khoảng từ 23 đến 24,25 điểm nên các thí sinh có điểm từ 23-24 hoàn toàn có thể đăng ký vào các ngành này, bà Yến nhận định.
Cũng liên quan đến điểm chuẩn dự kiến năm 2016, bà Lê Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương Hà Nội cho biết, điểm sàn nhận hồ sơ của ĐH Ngoại thương năm 2016 là từ 20-27,5 điểm tùy theo từng ngành và trước ngày 14/8, nhà trường sẽ công bố điểm trúng tuyển.
Còn theo dự đoán của bà Thủy, điểm chuẩn vào ĐH Ngoại thương năm nay nhiều khả năng sẽ tương đương hoặc thấp hơn năm ngoái một chút.
Tại ĐH Bách khoa, ông Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa cho biết dự kiến điểm chuẩn năm nay sẽ giảm. “Qua dữ liệu phân tích phổ điểm, chúng tôi thấy điểm tuyệt đối năm nay rất hiếm, phổ điểm chủ yếu rơi vào khoảng từ 4-8 điểm”, ông Điền cho hay.
Chính vì vậy, theo ông Điền, năm nay, điểm chuẩn vào trường sẽ không cao hơn năm ngoái và sẽ giảm. Cách tính điểm chuẩn của Bách khoa có hơi khác so với các trường khác trong nhóm GX. Môn chính sẽ được nhân đôi, cộng với hai môn trong tổ hợp xét tuyển, sau đó chia 4. Điểm chuẩn sẽ là điểm trung bình của tổng trên.
Ông Điền cho biết, với những thí sinh đạt điểm thi trung bình (sau khi đã chia 4 như trên) từ 7,5 trở lên có thể yên tâm nộp hồ sơ vào trường. Với mức điểm từ 7,5 -8,1 thí sinh có cơ hội vào rất nhiều ngành của trường.
Tuy nhiên, với những ngành như Điện, Điện tử viễn thông, Công nghệ thông tin thì thí sinh phải từ 8,0 trở lên mới nên đăng ký, ông Điền phân tích. Vì năm trước, những ngành này điểm chuẩn là 8,7.
Ngoài điểm chuẩn, thí sinh muốn vào ĐH Bách khoa Hà Nội phải thêm điều kiện nữa là điểm trung bình các môn trong tổ hợp xét tuyển tính 6 học kỳ đạt từ 20 trở lên (điều này không áp dụng với thí sinh tuyển thẳng). Cũng giống như đăng ký xét tuyển vào những trường khác trong nhóm GX, thí sinh sẽ phải tải mẫu riêng của nhóm để đăng ký. Thời gian đăng ký từ 1/8 đến 17h ngày 12/8.
Dự kiến vào ngày 28/7 sẽ công bố điểm sàn xét tuyển vào ĐH
Về điểm sàn, ông Trần Văn Nghĩa cho biết, Bộ GD-ĐT đang phân tích phổ điểm, dự kiến vào ngày 28/7 sẽ công bố điểm sàn xét tuyển vào ĐH. Năm nay Bộ sẽ bỏ điểm sàn xét tuyển CĐ, thí sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT là được nộp hồ sơ vào các trường CĐ. Điểm sàn xét tuyển vào ĐH năm nay sẽ không cao hơn năm trước.
Nhưng để nói việc điểm sàn năm nay bằng hay thấp hơn năm ngoái thì chưa thể nói trước, việc đó đang phải cân nhắc, phải phân tích phổ điểm mới có thể biết được, ông Nghĩa cho biết.
Theo Quy chế tuyển sinh năm nay thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng 3 cách (qua đường bưu điện, nộp trực tuyến, hoặc tại trường) việc lựa chọn cách thức nào cũng nên được cân nhắc, thí sinh cần tìm hiểu kỹ vì mỗi cách thức sẽ có điểm khác nhau.