Theo thông tin công bố, có 4 hộ chăn nuôi ở các xã miền núi Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) phát hiện lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi.
Trước tình hình nguy hiểm của dịch bệnh, huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo các xã thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch như: phun tiêu độc khử trùng, kiểm soát động vật ra vào vùng dịch, khuyến khích bà con nhốt gia súc, hạn chế tình trạng thả rông bừa bãi... Huyện cũng cung cấp cho mỗi xã 150 lít hóa chất để phun tại vùng dịch.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Kỳ Sơn, nguyên nhân dẫn đến việc bùng phát dịch là do những địa phương này đã có dịch từ trước, sau một thời gian khống chế thì nay gặp thời tiết giao mùa, mầm bệnh gặp điều kiện thích hợp đã bùng phát trở lại.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát lợn từ vùng xuôi lên còn gặp nhiều khó khăn. Việc bà con vùng cao thả rông vật nuôi diễn ra phổ biến cũng là những nguyên nhân khiến dịch bệnh tái phát và lây lan nhanh.
Huyện Kỳ Sơn có tổng đàn lợn khoảng 25.000 con, chính quyền các địa phương hiện đang chủ động các biện pháp phòng, chống dịch để giữ được tổng đàn, bảo đảm nguồn cung cho thị trường, nhất là dịp Tết Nguyên đán đang đến gần.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi kéo dài từ đầu năm 2019 đến nay, có thời điểm dịch lắng xuống trong khoảng thời gian đầu năm 2020, nhưng lại tái bùng phát từ tháng 9 đến nay, khiến nhiều hộ dân lâm cảnh trắng tay sau khi đầu tư tái đàn. Vì vậy, việc chính quyền các địa phương và người chăn nuôi thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống dịch là rất cần thiết. Nếu để dịch bùng phát trở lại, sẽ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi, từ đó giá lợn sẽ đẩy cao trở lại.